Người dân TPHCM vẫn gặp khó khi mua thực phẩm
Ngay khi TPHCM đóng 3 chợ đầu mối, 2/3 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, người dân gặp khó khăn khi mua thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.
Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với Giám đốc các Sở NN&PTNT các tỉnh phía Nam vào chiều 19/7, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM cho biết, nguồn cung ứng tại thành phố chỉ đáp ứng 10-15% nhu cầu người dân, còn lại 80- 90% nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân thành phố phải nhận cung ứng từ các tỉnh.
Do vậy, sau khi các chợ đầu mối lớn trên địa bàn đóng cửa do có các ca nhiễm COVID-19, nguồn nông sản, thực phẩm cho thành phố bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Cũng theo ông Hiệp, Sở NN&PTNT TPHCM đã đề xuất việc đặt hàng online thông qua Bưu điện thành phố.“Các chuỗi siêu thị trên địa bàn thành phố chỉ cung ứng được khoảng 1/3 nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân, 2/3 số còn lại đều thông qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Khi các chợ này đóng cửa đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung. Thành phố đang cố gắng mở lại một phần chợ đầu mối và chợ truyền thống để bán rau, thịt, trứng” - ông Hiệp cho biết.
“Hiện thành phố ưu tiên tiêm vắc-xin cho hơn 300 nhân viên cơ sở giết mổ trên địa bàn, do đó có thể đảm bảo nhu cầu về thịt. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân TPHCM vẫn thiếu khoảng 3 triệu trứng gà, hơn 2.000 tấn rau củ. Phân bón tăng giá dẫn đến giá rau củ quả sẽ tăng 10%. Thức ăn chăn nuôi cũng tăng nên giá thịt gia súc sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới” - ông Hiệp dự báo.
Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đề nghị TPHCM thiết lập khu vực trung chuyển hàng hóa tiếp nhận hàng từ các địa phương vào thành phố. Trước mắt thí điểm bố trí một vùng đệm với diện tích khoảng 1 hecta trên địa bàn huyện Củ Chi, giáp ranh huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Từ đó nhân rộng ra các khu vực Thủ Đức và Bình Chánh để tiếp nhận nguồn hàng từ các tỉnh Đông, Tây Nam bộ.
Hàng hoá từ các khu vực trung chuyển sẽ được đưa vào thành phố qua hệ thống các điểm tập kết hàng hóa tạm thời ở các quận, huyện. TPHCM rà soát, tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch tại địa điểm nêu trên. Các đơn vị quản lý chợ đầu mối tổ chức, thông tin và triển khai đăng ký, tạo điều kiện cho thương nhân chủ động giao dịch, mua bán.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung ứng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho TPHCM. “Không thể để vì thiếu hụt mà xảy ra mất an toàn thực phẩm” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận