Người dân sẽ được lựa chọn cách tính tiền điện?
Thay vì chỉ có một cách tính là theo biểu giá bậc thang như hiện nay, người dùng điện sinh hoạt có thể có thêm phương án 1 giá (1 bậc) để lựa chọn, tính toán tiền điện.
Phương án 1 giá và phương án 5 bậc
Thông tin trên vừa được lãnh đạo Bộ Công thương tiết lộ trước nhiều ý kiến cho rằng cần áp dụng cách tính một giá thay cho phương án điện bậc thang, khiến tiền điện sinh hoạt tăng cao trong những tháng nóng liên tiếp vừa qua.
Cụ thể, bên lề hội thảo “Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời áp mái” do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết trong phương án tính giá điện sắp tới, Bộ sẽ đưa ra thêm một lựa chọn là ngoài phương án tính biểu giá điện theo 5 bậc, sẽ thêm một phương án nữa là 1 bậc. Theo đó, khách hàng không thích tính giá điện theo biểu giá bậc thang sửa đổi là 5 bậc, sẽ có thêm lựa chọn nữa là chỉ trả bằng 1 giá.
“Phương án 1 giá là lựa chọn thứ 2 dành cho khách hàng, tất nhiên giá cụ thể sẽ được bàn sau, nhưng xây dựng giá phải dựa trên giá điện bình quân. Chúng tôi hy vọng người dân có nhiều lựa chọn hơn trong chi trả tiền điện bằng cách đưa ra nhiều phương án và mọi lựa chọn tùy thuộc vào khách hàng”, ông Vượng nhấn mạnh. Điều này có nghĩa là, dù bất kể số tiêu thụ điện bao nhiêu, các hộ sinh hoạt đều được tính theo một đơn giá thay vì cách lũy tiến bậc thang cho các mức 50 số điện, 100 số, 200 số...
Theo ông Vượng, đơn giá trong trường hợp một giá này sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân (hiện là 1.864,44 đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT). “Mức giá của phương án 1 giá đang được cân nhắc, nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay. Bộ Công thương sẽ sớm họp lại để rà soát và có báo cáo lần cuối, đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng vào cuối năm nay”, ông Vượng thông tin.
Ai lợi, ai thiệt?
Cần phải nhắc lại rằng trong các phương án đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để sửa đổi quyết định của Thủ tướng về biểu giá bán lẻ điện hồi tháng 2, Bộ Công thương khi đó cũng đã xây dựng kịch bản 1 giá (1 bậc). Theo đó, phương án 1 bậc có giá bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh. Tại kịch bản này, Bộ Công thương tính toán rằng tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ theo số liệu tính đến hết năm 2018), tiền điện phải trả giảm từ 8.000 đồng đến 330.000 đồng/hộ/tháng. Ngược lại, các hộ sử dụng từ 0 - 200 kWh/tháng (khoảng 18,6 triệu hộ trong tổng số khoảng 26 triệu hộ khách hàng của ngành điện) có tiền điện phải trả tăng từ 17.000 đến 36.000 đồng/hộ/tháng.
Ông Ngô Văn Tuyển, chuyên gia về tài chính doanh nghiệp, cho rằng trong trường hợp 1 giá thì nhiều khả năng giá thấp nhất cũng phải ngang mức đang áp dụng cho bậc 3, vì quản lý nhà nước sẽ phải chọn mức giá trung bình chứ không thể lấy mức thấp nhất. “Giả sử lấy giá theo bậc 3 hiện tại, thì người dùng từ 200 kWh trở xuống sẽ bị thiệt, người dùng từ 300 kWh trở lên sẽ có lợi. Nếu áp giá bậc 4 thì phải dùng từ 1.000 kWh trở lên mới có lợi, còn áp giá từ bậc 5 trở lên tất cả đều thiệt và thiệt nhất là người nghèo, người dùng ít điện”, ông Tuyển nhận định, đồng thời lấy số liệu của Bộ Công thương để phân tích. Cụ thể, theo số liệu thống kê 2018, thì 87% số hộ tiêu thụ không quá 300 kWh/tháng. Do đó, nếu áp giá bậc 3 hiện nay thì 87% số hộ là người nghèo hoặc có ý thức tiết kiệm sẽ gánh toàn bộ phần được hưởng lợi của 13% số hộ khá giả.
Ngoài ra, theo ông Tuyển, việc tính hóa đơn điện như hiện tại không hề phức tạp nếu như không muốn nói là đơn giản, và học sinh tiểu học hoàn toàn có thể tính với 1 máy tính cầm tay. “Ví dụ sử dụng 590 kWh sẽ phải trả số tiền là: 50 x 1.678 (đồng) + 50 x 1.734 + 100 x 2.014 + 100 x 2.536 + 100 x 2.834 + 190 x 2.927 = 1.465.130 đồng, chưa tính 10% VAT”, ông Tuyển nói và nhấn mạnh: áp dụng 1 giá là không có lợi với mục tiêu tiết kiệm điện - một thứ hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng. “Với điện sản xuất đang phải dùng công tơ 3 giá, tính toán phức tạp hơn nhiều nhưng chúng ta vẫn làm để đảm bảo mục tiêu tiết kiệm điện”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Một giá chỉ phù hợp với nhà giàu?
Thứ trưởng Vượng cho biết thêm tính toán ban đầu cho thấy những người sử dụng nhiều điện, trên 400 kWh, sẽ chọn phương án 1 giá điện. Trong khi đó, những người sử dụng bình quân dưới 400 kWh, hiện chiếm 70 - 80% tổng số lượng khách hàng có thể sẽ chọn biểu giá điện bậc thang do vẫn được hưởng lợi hơn. “Phương án nào cũng có mặt được và không được, do đó phải tính toán tổng thể đối tượng nào trong xã hội chịu tác động. Với chính sách giá điện bậc thang hiện nay, những người thu nhập thấp sử dụng dưới 300 kWh vẫn có lợi hơn”, ông nói thêm.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả của Bộ Tài chính, dự đoán nếu áp biểu giá điện theo một bậc, chắc chắn giá sẽ cao hơn mức giá bình quân. “Hiện biểu giá điện bán lẻ dành cho sản xuất và khối hành chính sự nghiệp thấp hơn giá bình quân, trong khi giá điện dành cho kinh doanh và sinh hoạt cao hơn giá bình quân. Nên ý của Bộ Công thương nói bảng giá điện 1 bậc sẽ cao hơn giá bình quân là để cân bằng lại biểu giá điện nói chung”, ông Long phân tích. Vị chuyên gia này cho rằng việc Bộ Công thương chọn 2 phương án là sáng kiến tốt, nhưng bên cạnh đó cũng nên giữ lại cách tính phương án 1 là 6 bậc. “Vì chia bậc càng nhiều, càng chi tiết, cách tính sẽ chính xác hơn. Hiện giá điện một bậc chỉ phù hợp với nhà giàu, nhu cầu xài điện nhiều, còn nhà nghèo, xài ít thì áp 1 bậc không có lợi”, PGS-TS Ngô Trí Long nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận