24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Thu.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Người dân sẽ dùng căn cước điện tử trong nhiều giao dịch

Từ 1/7, mỗi công dân sẽ được cấp một căn cước điện tử để làm thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác, thay vì phải mang theo thẻ căn cước bản cứng.

Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 1/7 quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử, do Bộ Công an tạo lập ngay khi có tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID.

Căn cước điện tử gồm các thông tin trong thẻ căn cước, như họ tên, số định danh cá nhân, quốc tịch, nơi sinh, quê quán, tôn giáo, nhóm máu, nơi thường trú, nơi tạm trú, số điện thoại, thư điện tử, nghề nghiệp (trừ công an, quân đội, cơ yếu), thông tin nhân dạng như khuôn mặt, vân tay, mống mắt...

Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn (trừ giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp) sẽ được tích hợp vào căn cước điện tử, nếu công dân có nhu cầu. Những thông tin này phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Người dân dùng căn cước điện tử thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch, hoạt động dân sự khác. Thời gian tới, Chính phủ sẽ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử cho công dân.

Người dân sẽ dùng căn cước điện tử trong nhiều giao dịch

Tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID. Ảnh: Ngọc Thành

Khi thực hiện các giao dịch, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trên thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin từ căn cước điện tử.

Căn cước điện tử bị khóa khi chính chủ yêu cầu hoặc vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dân bị thu hồi hoặc giữ thẻ căn cước, bị chết, thì căn cước điện tử cũng bị khóa. Cơ quan tố tụng hoặc cấp có thẩm quyền có quyền yêu cầu khóa căn cước điện tử.

Sau khi chính chủ đề nghị khóa căn cước điện tử, nếu có yêu cầu mở khóa, sẽ được đáp ứng. Trường hợp bị khóa do vi phạm, căn cước điện tử được mở khi người dân đã khắc phục. Thẻ căn cước bị thu hồi được trả lại thì căn cước điện tử cũng được mở. Cơ quan tố tụng và cấp có thẩm quyền cũng được yêu cầu mở khóa căn cước điện tử.

Người dân sẽ nhận được thông báo nếu căn cước điện tử bị khóa. Chính phủ sẽ quy định trình tự khóa, mở căn cước điện tử.

Căn cước điện tử (e-ID) được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng phổ biến từ lâu. Ngoài lưu trữ thông tin cá nhân, e-ID còn được dùng trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm y tế, thanh toán điện tử, ký văn bản điện tử bằng chữ ký số, mua vé giao thông công cộng và thậm chí là bỏ phiếu.

Phần Lan lần đầu tiên cấp e-ID cho công dân vào năm 1999 bởi các ngân hàng, cho phép người dân đăng nhập vào các cơ quan, trường đại học, ngân hàng trong nước và thực hiện các khoản thanh toán lớn bằng cách sử dụng dịch vụ thanh toán di động.

Estonia cấp e-ID từ năm 2002, cung cấp dịch vụ điện tử công và là quốc gia đầu tiên cho bỏ phiếu bầu cử qua di động, năm 2011.

Căn cước điện tử được Indonesia thử nghiệm ở sáu khu vực vào năm 2009 và ra mắt trên toàn quốc vào năm 2011.

Năm 2018, Trung Quốc hợp tác với nền tảng ví điện tử Alipay thí điểm cấp thẻ căn cước điện tử và mã QR tại một số thành phố lớn, sau đó mở rộng ra nhiều nơi khác. Bằng cách quét mã QR trên điện thoại, người dân có thể sử dụng các dịch vụ công, đặt phòng, mua vé tàu mà không cần mang theo thẻ căn cước cứng. Tuy nhiên đến nay, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử vẫn chưa được phổ biến tại Trung Quốc vì thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành, người dân vẫn cần xuất trình thẻ căn cước cứng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả