Người dân Mỹ khó vui mừng khi kinh tế 'hạ cánh mềm'
Khi Fed chuẩn bị hoàn tất đợt siết chặt tiền tệ mà không dẫn đến suy thoái, người Mỹ chẳng mấy vui vì ám ảnh giá cả đắt đỏ.
Phát biểu tháng trước ở Jackson Hole, bang Wyoming, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói chiến dịch tăng lãi suất cơ bản thành công khi kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái và thất nghiệp cao như suy đoán. Trạng thái này đồng nghĩa mục tiêu đưa nền kinh tế "hạ cánh mềm" (thuật ngữ chỉ cách tăng lãi suất vừa đủ để ngăn nền kinh tế tránh lạm phát cao) của Fed sắp hoàn thành.
"Lạm phát đã giảm 4,5 điểm phần trăm từ đỉnh cách đây hai năm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp. Đây là kết quả đáng hoan nghênh và hiếm thấy trong lịch sử", ông Powell nói.
Hai năm trước, các nhà kinh tế lo sợ rằng các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed làm kinh tế suy yếu và khiến hàng triệu người mất việc. Điều này từng xảy dưới thời Chủ tịch Fed Paul Volcker đầu những năm 1980, khi lãi suất được nâng lên gần 20%, dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Cũng tại Jackson Hole cách đây hai năm, chính ông Powell từng cảnh báo việc sử dụng lãi suất cao để chống lại cú sốc tăng giá "sẽ mang lại một số đau đớn". Nhưng đến tháng 8 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng 2,5%, gần với mục tiêu 2%. Tuyển dụng chậm lại nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp 4,3%. Nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng 3% trong quý II.
Fed chuẩn bị hạ lãi suất cơ bản vào giữa tháng 9, lần đầu tiên sau hơn 4 năm. Họ hiện tập trung nhiều hơn vào ổn định thị trường lao động với sự hỗ trợ của lãi suất thấp, thay vì tiếp tục chống lạm phát.
Tuy nhiên, hầu hết người dân Mỹ không cùng tâm trạng lạc quan này, theo AP. Niềm tin tiêu dùng dần tăng, nhưng đa số người Mỹ vẫn phàn nàn về giá cả leo thang. Giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu... vẫn vượt mức trước đại dịch - năm 2020. Lãi vay cao cùng giá bất động sản tăng, khiến nhiều người trẻ lo ngại việc sở hữu nhà ngày càng xa vời.
Hãng tư vấn McKinsey cho biết 53% người tiêu dùng trong khảo sát gần nhất cho rằng "giá cả tăng và lạm phát là một trong những mối lo ngại". Các nhà phân tích của công ty tư vấn này giải thích do "tàn dư lạm phát", tức người tiêu dùng cần nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để thích nghi với mức giá cao hơn, dù lương tăng.
Một người phụ nữ trước quầy bán trứng ở siêu thị Walmart tại Secaucus, New Jersey, ngày 11/7. Ảnh: AP
Kristin Forbes, nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Anh cho rằng Fed thành công đáng kể khi hạ nhiệt lạm phát từ mức đỉnh về gần mục tiêu như hiện tại. Tuy nhiên, ở góc độ gia đình thì họ không quá thành công. "Lương của nhiều người bị ảnh hưởng lớn. Họ cảm thấy giỏ hàng bây giờ đắt đỏ hơn nhiều", bà nói.
Do đó, bất chấp chỉ số giá tiêu dùng giảm và tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, nhiều cử tri vẫn không hài lòng với thành tích điều hành kinh tế của chính quyền Biden-Harris. Tâm lý tương đối tiêu cực này đang tạo ra những thách thức cho Phó tổng thống Kamala Harris, khi bà tìm cách kế nhiệm Tổng thống Joe Biden.
Thực tế, có nhiều quan điểm khác nhau về đánh giá sức khỏe nền kinh tế giữa các chuyên gia, giới chức và người dân Mỹ. Có một số lý do cho điều này. Thứ nhất, Fed điều chỉnh chính sách lãi suất để quản lý lạm phát, tức tỷ lệ thay đổi giá cả chứ không phải mức giá thực tế. Vì vậy, khi lạm phát tăng đột biến, mục tiêu của ngân hàng trung ương là đưa nó trở lại mức ổn định, chứ không phải đảo ngược hoàn toàn các đợt tăng giá.
Khi siết chặt tiền tệ, Fed kỳ vọng mức lương trung bình sẽ theo kịp mặt bằng giá, giúp người tiêu dùng đủ khả năng chi trả. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ lạm phát hạ nhiệt, những tác động lên người dân có thể đã diễn ra, theo nhà kinh tế Kristin Forbes.
Thứ hai, nghiên cứu của nhóm nhà kinh tế học dẫn đầu bởi Stefanie Stantcheva tại Đại học Harvard cho thấy quan điểm của giới chuyên gia và dân chúng về lạm phát có khác biệt đáng kể. Các nhà kinh tế thường xem đây là hệ quả của tăng trưởng mạnh. Họ miêu tả nó là kết quả của một nền kinh tế quá nóng, bao gồm các yếu tố như tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và lương tăng. Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp tăng giá mạnh mà không mất khách hàng.
Ngược lại, khi khảo sát, nhóm của bà Stantcheva phát hiện rằng người dân Mỹ thường xem lạm phát là "một điều tệ hại". Những người được hỏi cũng tin rằng nó bắt nguồn từ việc chi tiêu quá mức của chính phủ hoặc lòng tham của doanh nghiệp. Họ "không tin các nhà hoạch định chính sách (ngân hàng trung ương) phải đối mặt với những đánh đổi như hoạt động kinh tế giảm hoặc thất nghiệp tăng để kiểm soát giá cả leo thang".
Theo Bailey, thử thách của ngân hàng trung ương không phải là triệt tiêu khả năng lạm phát xuất hiện, mà xử lý nó thế nào khi diễn ra để hạn chế các cú sốc trong quá trình đưa về mức mục tiêu.
Bà Forbes cho rằng cần rút ra bài học từ đợt tăng lạm phát vừa qua, gồm việc có để chỉ số này duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài hay không. Fed từng bị chỉ trích vì phản ứng chậm trong việc nâng lãi suất. Lạm phát bắt đầu tăng vọt vào mùa xuân 2021. Tuy nhiên, cơ quan này ban đầu cho rằng việc tăng này chỉ tạm thời, nên không siết chặt tiền tệ trong thời gian dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận