Người dân gửi tiền ít hơn khi lãi suất giảm
Lượng tiền gửi của người dân trong tháng 7 tăng gần 4.900 tỷ, thấp hơn nhiều so với 2 tháng liền trước. Các tổ chức kinh tế cũng gửi tiền thấp hơn hàng chục lần tháng 5 và 6.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số liệu tổng phương tiện thanh toán và lượng tiền gửi của dân cư, tổ chức kinh tế trong hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 7.
Theo đó, tổng phương tiên thanh toán đến cuối tháng 7 năm nay ước đạt hơn 11,163 triệu tỷ đồng, tăng 5,58% so với cuối năm 2019 (số liệu này chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua).
Cùng với tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán, lượng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 7 cũng đạt trên 5,08 triệu tỷ, tăng 5,2%. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng tăng 4,44%, đạt 4,138 triệu tỷ đồng.
Như vậy, sau 7 tháng từ đầu năm, tổng lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 250.900 tỷ đồng, trong khi số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm là 175.800 tỷ.
Tính bình quân mỗi ngày từ đầu năm, người dân lại mang gần 1.200 tỷ đồng đi gửi ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, số này đã giảm đáng kể so với mức 1.600 tỷ/ngày cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng có xu hướng giảm từ đầu tháng 7, dòng tiền gửi tiết kiệm của người dân và các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng sụt giảm rõ rệt.
Tính riêng tháng 7, lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế chỉ tăng lần lượt gần 4.900 tỷ và 4.500 tỷ đồng, thấp hơn hàng chục lần so với mức tăng 2 tháng trước đó (tháng 5 và 6).
Cụ thể, trong tháng 6, số dư tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm tới 52.900 tỷ, cao gấp 11 lần tháng 7. Số tiền gửi tăng thêm của tổ chức kinh tế trong nước cũng là 160.900 tỷ, cao gấp 35 lần.
Mức tăng trong tháng 5 trước đó cũng là 30.600 tỷ với tiền gửi của người dân và gần 166.700 tỷ tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Ngoại trừ tháng 3 (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trong nước) ghi nhận lượng tiền gửi của người dân sụt giảm thì lượng tiền gửi gia tăng tháng 7 vừa qua là mức tăng thấp nhất trong 1 năm trở lại đây. Hầu hết tháng trước đó lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng đều tăng vài chục nghìn tỷ/tháng.
Theo báo cáo của một số công ty chứng khoán, lãi suất huy động đã giữ xu hướng giảm liên tục từ đầu năm và giảm mạnh kể từ tháng 7 vừa qua. Hiện tại, lãi suất tiền gửi đã giảm 0,5-2,1 điểm % ở tất cả kỳ hạn.
Số liệu về lãi suất của NHNN tuần mới nhất (31/8-4/9) cũng cho biết mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ của ngân hàng vẫn tiếp tục giữ xu hướng giảm.
Hiện lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện có lãi suất trong khoảng 3,7-4,1%/năm; kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng được áp dụng lãi suất 4,4-6,4%/năm; và kỳ hạn 12 tháng trở lại có lãi suất dao động trong khoảng 6-7,1%/năm.
Tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 4,23% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng tiền gửi cao hơn đáng kể bất chấp lãi suất giảm sâu.
Việc dòng tiền vào lớn hơn nhiều so với tiền ra tại các ngân hàng cũng dẫn tới tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống. Xu hướng này càng khiến lãi suất tiền gửi có thể giảm thêm từ nay đến cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận