Người dân đã hết cơ hội mua căn hộ giá bình dân?
Giá nhà mỗi năm một tăng, dự án nhà ở xã hội triển khai ít, khó tìm mua, các ông lớn thì “né” phát triển nhà giá rẻ. Nhiều người dân TP.HCM gần như không thể ôm mộng mua nhà ở với giá bình dân.
Từng mong ước có thể mua được một căn nhà giá bình dân từ thị trường sơ cấp nhưng hiện nay, anh Ngô Văn Thiện (quận 12, TP.HCM) chỉ còn cách chắt chiu dành dụm và liều mình đi vay ngân hàng để mua lại căn hộ thứ cấp vì không tìm được dự án nào có mức giá bình dân. Anh Thiện cho biết, đã phải dành ra cả năm trời đi tìm hiểu thông tin về các dự án sắp triển khai trên địa bàn thành phố, bao gồm cả những khu vực xa trung tâm như Nhà Bè, Bình Chánh nhưng vẫn không có dự án mới nào có giá dưới 33 triệu đồng/m2.
“Tôi tính mua một căn hộ nhỏ tầm 55m2 đủ để 2 vợ chồng và đứa con sinh hoạt, mức giá cao nhất tôi có thể chi trả là tầm 1,6 tỷ đồng bao gồm thuế phí. Nhưng với thực trạng giá chung cư sơ cấp hiện nay rẻ nhất cũng 32 triệu đồng/m2, cộng thêm thuế VAT vào thì chi phí mà tôi phải bỏ ra lên đến 1,9 tỷ đồng. Cuối cùng tôi phải quay lại tìm mua ở các chung cư thứ cấp, giá mềm hơn nhưng không được hỗ trợ vay hay thanh toán. Dù là vậy nhưng với mức giá nhà hiện nay, tôi cũng không còn sự lựa chọn nào khác”, anh Thiện chia sẻ.
Không chỉ anh Thiện, theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, nhiều người dân sinh sống tại TP.HCM gần như đã “đứt gánh” giấc mơ mua nhà giá rẻ. Chi phí gia tăng qua các năm cùng với việc doanh nghiệp ngày càng quay lưng với loại hình này khiến những dự án nhà bình dân giá dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.
Tại TP.HCM, hiện nay không thể nào tìm được một căn hộ có giá dưới 30 triệu đồng/m2. Dòng sản phẩm căn hộ bình dân giá dưới 25 triệu đồng/m2 đã vắng mặt trên thị trường từ 2 năm trở lại đây. Theo số liệu của DKRA Việt Nam, phân khúc căn hộ trong quý 3/2020 có 15 dự án mở bán, bao gồm 3 dự án mới và 12 dự án trước đó triển khai giai đoạn tiếp theo. Tổng cộng các dự án cung cấp ra thị trường khoảng 6.374 căn và 87,2% cơ cấu nguồn cung mới thuộc về loại hình cao cấp, còn lại là nhà trung cấp với giá bán vượt mức 35 triệu đồng/m2.
Theo quy ước, căn hộ bình dân là những sản phẩm có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2, tuy nhiên khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá giao dịch trung bình tại một số dự án mới mở bán tại các khu vực Đông, Nam và khu Tây không có dự án nào giá dưới 30 triệu đồng/m2. Cụ thể, giá căn hộ trung bình ở khu trung tâm quận 1, quận 2, quận 4 thấp nhất lên đến 65 triệu đồng/m2, cao nhất khoảng 280 triệu đồng/m2. Khu Đông và khu Nam có giá cao nhất được ghi nhận lên đến 180 triệu đồng/m2, thấp nhất cũng đã 40 triệu đồng/m2. Riêng khu Tây và khu Bắc được xem là thị trường nhà giá mềm hiện cũng rao bán giá từ 34-40 triệu đồng/m2. Nhiều dự án chung cư quảng cáo là nhà giá rẻ nằm tại khu vực Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè giáp ranh Long An, cách trung tâm thành phố trên dưới 20km có giá thấp nhất cũng đã trên 31 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Hoàng, GĐ bộ phận R&D cho rằng, xét về giá bán, chung cư trên thị trường TP.HCM có giá dao động khoảng trên 40 triệu đồng/m2. Tuy vẫn có dự án rao giá từ 1,4-1,6 tỷ đồng/căn nhưng nếu chia theo tỷ lệ m2 thì giá cũng lên đến 38-43 triệu/m2, hoàn toàn không thể xếp vào loại hình nhà giá rẻ. Hiện nay, các “ông lớn” trong ngành BĐS vẫn có tâm lý ưu ái đối với các sản phẩm giá thành cao, thay vì thử sức ở các phân khúc khác. Diễn biến này không loại trừ yếu tố do thiếu nguồn cung nên giá bán sơ cấp căn hộ tại TP.HCM đã tăng cao và đẩy các sản phẩm ở phân khúc dưới lên phân khúc hàng trên. Các sản phẩm nhà bình dân từ mốc 25 triệu đồng/m2 buộc phải tăng giá bán theo chi phí phát sinh lên mức trung cấp.
“Ở TP.HCM một dự án giá rẻ nhất hiện nay chào giá 31-33 triệu đồng/m2 thì căn hộ 50m2 cũng có giá khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng, gộp luôn thuế phí thì thực tế người mua sẽ phải trả mức giá từ 1,7-2 tỷ đồng/căn mới sở hữu được nhà ở”, ông Hoàng nhận định.
Thực tế thị trường nhà ở xã hội từng được kỳ vọng giải cơn khát nhà ở giá rẻ cho người dân Sài Gòn thì lại đang ù lì và kém hấp dẫn, nhất là sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc vào năm 2016. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp BĐS không còn mặn mà với đầu tư nhà ở xã hội, người dân thu nhập thấp không tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp. Từ khi thị trường BĐS vào chu kỳ hồi phục từ năm 2014 đến nay, giá BĐS ở các phân khúc đã tăng gấp đôi, nhưng thu nhập của người dân không theo kịp. Nhiều biện pháp đã được Chính phủ, bộ ngành và địa phương đưa ra nhưng đến nay chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tỷ lệ hấp thụ nhà ở trên tổng nguồn cung thị trường quý 3/2020 chỉ đạt 35,5%, điều này cho thấy lượng giao dịch trên thị trường sơ cấp đang rất thấp và người mua ngày càng ít mặn mà với thị trường BĐS.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận