Người dân cuối năm thích xài thẻ thay tiền mặt, ATM bớt kẹt
Đã vào tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết âm lịch nhưng theo các ngân hàng, áp lực rút tiền mua sắm, chi tiêu Tết năm nay đã giảm hẳn so với các năm trước do người lao động về quê ăn Tết sớm và người dân đã quen với thanh toán không tiền mặt.
Quen với cà thẻ, thanh toán app
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đi mua sắm Tết, chị Dương (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay những năm trước chị hay rút tiền tại các máy ATM đặt trước siêu thị rồi mua hàng trả tiền mặt. "Tuy nhiên năm nay đã khác, tôi chỉ cần mang theo thẻ hoặc chiếc điện thoại, mua hàng xong tôi quẹt thẻ hoặc trả qua ví điện tử. Rất nhanh và tiện, cũng không phải lo ATM trước cửa siêu thị hết tiền hay trục trặc sẽ không có tiền trả", chị Dương nói.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch, thói quen thanh toán của người dân đã thay đổi rất nhiều, nhất là khu vực trung tâm TP.HCM dẫn đến áp lực rút tiền lên hệ thống ATM đã giảm đáng kể.
Quan sát của phóng viên tại một số siêu thị như Emart, Gigamall, Co.opmart... cho thấy nhiều người đi mua sắm Tết đã trả bằng thẻ thay vì tiền mặt vì tiện lợi, nhanh chóng, thậm chí được lợi vì "xài trước trả sau" nếu trả bằng thẻ tín dụng. Các siêu thị cũng bố trí các máy POS từng quầy, nhân viên cũng thuần thục các thao tác nên hoàn tất thanh toán rất nhanh.
Ông Phạm Đức Duy, giám đốc trung tâm thẻ Ngân hàng Sacombank, cho hay mặc dù năm nay thời gian nghỉ Tết dài hơn năm ngoái, nhưng dựa trên thống kê số lượng giao dịch và doanh số rút tiền mặt trong thời gian qua, ngân hàng quyết định không tăng số tiền mặt tạm ứng tại các ATM so với năm ngoái. Trong đó đặc biệt giảm số tiền tiếp quỹ ở các thành phố lớn khi nhu cầu sử dụng tiền mặt có xu hướng giảm và thay thế bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt.
Theo ông Duy, người dân ít sử dụng tiền mặt đã giảm tải lên hệ thống ATM. Nhưng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn phát sinh nhu cầu rút tiền mặt để chi tiêu như những năm trước.
Do số lượng chi lương ở các khu công nghiệp tại Sacombank cũng khá lớn, đặc biệt các tỉnh khu vực miền Bắc và Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu... nên ngân hàng luôn có đội trực 24/7, cả trong những ngày Tết đảm bảo xử lý các vấn đề phát sinh.
Công nhân về quê sớm
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tình trạng máy ATM hết tiền vào cuối tuần vẫn xảy ra nhưng không nhiều. Khoảng 19h15 ngày 21-1, một máy ATM của Ngân hàng Vietcombank trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM báo lỗi, tạm ngưng hoạt động.
Trước đó tại Khu chế xuất Tân Thuận, giờ tan tầm chiều 21-1 cũng có khá đông công nhân chờ rút tiền ở các máy ATM đặt tại đây. Tuy nhiên tình hình chỉ "căng" vào giờ tan tầm, đến trưa 22-1 các ATM này lại rất vắng vẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Cường - phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước TP.HCM - cho biết để tránh tình trạng ATM quá tải, hết tiền dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã có hàng loạt văn bản yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, liên tục, đáp ứng kịp thời nhu cầu rút tiền của người dân, đặc biệt cho người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Tuy nhiên năm nay do nhiều địa phương yêu cầu cách ly 1 tuần, vì vậy công nhân về quê sớm nên một số công ty đã trả lương, thưởng sớm cho người lao động về quê. Từ đó tình trạng quá tải cũng giảm hẳn. Đến nay Ngân hàng Nhà nước TP.HCM chưa tiếp nhận phản ảnh nào về các trường hợp ATM quá tải.
Sẽ tung quân đi kiểm tra đột xuất
Trong khi đó, ông Võ Văn Thuần - phó chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM - cũng cho biết chưa nhận được các phản ảnh cũng như bức xúc của người dân về ATM. Trong tuần này Ngân hàng Nhà nước TP.HCM sẽ cử đội quân đi kiểm tra đột xuất các ATM, đặc biệt ở các "điểm nóng" để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn chủ động theo dõi phản ảnh của dư luận, báo chí về những vấn đề phát sinh trong hoạt động ATM. Xử lý kịp thời các thông tin qua đường dây nóng, báo đài phản ánh và xử lý kịp thời các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng.
"Đây là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, dễ tạo sự bức xúc cho người giao dịch vào những thời gian cao điểm. Do đó, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM yêu cầu giám đốc các chi nhánh ngân hàng triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung trên và sẽ bị xử lý nghiêm nếu để xảy ra vi phạm trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM", Ngân hàng Nhà nước TP.HCM nhấn mạnh.
Vẫn có kế hoạch đến trực tiếp chi tiền mặt cho công nhân
Với những điểm nóng như các khu công nghiệp, khu chế xuất, Công ty PouYuen, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng yêu cầu các ngân hàng chủ động làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất để có phương án, kế hoạch chi trả lương bằng nhiều hình thức nhằm giảm tải ATM như đem trực tiếp máy POS đến và quẹt thẻ chi tiền mặt cho công nhân.
Ông Võ Văn Thuần, phó chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho hay đã yêu cầu các ngân hàng phải chủ động cung cấp thông tin, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại ATM cũng như góp phần đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn phức tạp...
Cảnh giác tội phạm thẻ
Trong báo cáo tình hình hoạt động ATM 2021 của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết hiện một số ngân hàng đã triển khai chức năng xác thực giao dịch bằng vân tay trên ATM hoặc rút tiền mặt tại ATM không cần thẻ, nhằm hạn chế rủi ro và tăng tính tiện lợi cho khách hàng khi giao dịch.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, an ninh hoạt động ATM, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM yêu cầu các ngân hàng phải thông tin hướng dẫn khách hàng kiểm tra đầu đọc thẻ để phòng, chống kẻ gian lắp đặt thiết bị đánh cắp thông tin; thường xuyên thay đổi mật mã cá nhân; che bàn phím khi nhập mật mã; thông báo ATM trả thẻ trước, chi tiền sau; nhắc nhở khách hàng nhận lại thẻ và tiền ngay sau khi giao dịch...
Ngoài ra, ATM phải ghi chép và lưu trữ đầy đủ dữ liệu giao dịch và nhật ký giao dịch. Các ngân hàng phải lắp đặt hệ thống camera và trang bị thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ; lắp đặt các thiết bị báo động tại ATM với các chức năng cảm biến nhiệt, cảm biến rung, cảm biến dịch chuyển...
Các ngân hàng cũng phải di dời các ATM không đảm bảo an toàn đến các vị trí khác an toàn hơn (điểm giao dịch trong tòa nhà, siêu thị...).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận