menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bích Lê

Người dân có phải gánh thêm tiền điện cho doanh nghiệp?

Hội Điện lực Việt Nam ý kiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần phải đảm bảo giá điện sinh hoạt không cao hơn giá điện cho sản xuất và dịch vụ du lịch, tức không lấy giá điện sinh hoạt để bù cho giá điện sản xuất và dịch vụ du lịch.

Việc giá điện sinh hoạt vẫn đang phải bù chéo cho điện sản xuất và dịch vụ du lịch sẽ được Bộ Công Thương xem xét ở giai đoạn 2 khi sửa cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, Bộ Công Thương có thử nghiệm đề xuất giá bán điện 2 thành phần theo đúng công suất và điện năng để áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp 110 kV trở lên để có đánh giá kỹ lưỡng trước khi áp dụng chính thức.

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ. Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và cơ quan liên quan, Bộ Công Thương cho hay 92,2% ý kiến lựa chọn phương án rút ngắn biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.

Giá điện sinh hoạt dùng càng nhiều càng đắt

Cụ thể, bậc 1 cho 100 kWh đầu tiên; Bậc 2 cho kWh từ 201- 400; Bậc 3 cho kWh từ 201 – 400; Bậc 4 cho kWh từ 401 – 700; Bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên.

Người dân có phải gánh thêm tiền điện cho doanh nghiệp?

Bù chéo giá điện là vấn đề được nêu ra trong nhiều góp ý về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,4% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 – 700 kWh và trên 700 kWh.

Theo đó, Bộ Công Thương giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101 – 200 kWh và 201 – 300 kWh. Giá điện cho các bậc từ 401 – 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Người dân có phải gánh thêm tiền điện cho doanh nghiệp?

Phương án 5 bậc có hiệu chỉnh so sánh với cơ cấu tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg.

Trong đó, từ 401 – 700 kWh, cơ cấu giá điện sẽ được tính bằng 162% và từ 701 kWh sẽ có cơ cấu giá là 180% so với mức giá bán lẻ điện hiện hành. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với cơ cấu cũ từ 154 – 159%.

Đánh giá tác động, Bộ Công Thương cho biết ưu điểm là người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn đồng thời hạn chế được một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

“Mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối”, Bộ Công Thương đánh giá. Cơ quan này dẫn chứng, Nam California (Mỹ) là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần, Thái Lan là 1,65 lần.

Tuy vậy, góp ý dự thảo trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tiếp tục rà soát, xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm khắc phục một số tình trạng hạn chế như cơ chế giá điện của Dự thảo Quyết định là chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn giá điện sản xuất của doanh nghiệp. Điện cho sản xuất có thời điểm bằng 52% giá bình quân trong khi giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân.

"Tình trạng bù chéo giá điện giữa các hộ tiêu dùng điện vẫn chưa khắc phục triệt để, vẫn còn sự bù chéo giữa các hộ sử dụng nhiều và hộ sử dụng ít, điều này không phù hợp. Giá điện sinh hoạt vẫn đang phải bù chéo cho giá điện sản xuất, kinh doanh và với giá điện sinh hoạt giữa các vùng miền", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá.

Người dân phải trả giá điện cao hơn sản xuất

Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết tiếp thu ý kiến trên, Bộ đề xuất áp dụng việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo các giai đoạn khác nhau, thực hiện theo lộ trình nhằm thực hiện quy định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với các bước phát triển của thị trường điện lực.

Trong giai đoạn hiện nay, "khi nền kinh tế đang được phục hồi sau đại dịch COVID-19 thì Bộ Công Thương đề xuất các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện ở mức tối thiểu, một mặt vẫn đảm bảo giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách nhưng không gây ra tác động quá lớn tới người dân và doanh nghiệp" - Bộ Công Thương cho biết.

Đồng phản ánh, Hội Điện lực Việt Nam ý kiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần phải đảm bảo giá điện sinh hoạt không cao hơn giá điện cho sản xuất và dịch vụ du lịch, tức không lấy giá điện sinh hoạt để bù cho giá điện sản xuất và dịch vụ du lịch.

Thêm vào đó, cần mạnh dạn đưa “chi phí sử dụng” (thực chất là chi phí sử dụng công suất) vào các bậc thang của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như Hàn Quốc đang áp dụng.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết cơ quan này đang thực hiện cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, sửa đổi giá bán điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt ở mức tối thiểu, đảm bảo tránh gây biến động quá lớn trong việc thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhưng vẫn giải quyết được những vấn đề cấp thiết mà dư luận và người dân đặt ra trong thời gian qua.

Giai đoạn 2 là trong các năm tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với EVN theo dõi, cập nhật số liệu, đánh giá ảnh hưởng của phương án đề xuất tại Đề án (theo nguyên tắc giá phản ánh chi phí) tới tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân, xây dựng lộ trình áp dụng theo từng giai đoạn phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong đó, Bộ Công Thương có xem xét việc áp dụng giá bán điện phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất kinh doanh điện của nhóm khách hàng sử dụng điện cũng như thử nghiệm đề xuất giá bán điện 2 thành phần theo đúng công suất và điện năng để áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp 110 kV trở lên để có đánh giá kỹ lưỡng trước khi áp dụng chính thức.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, việc giá điện sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh kêu gọi thu hút đầu tư xanh, công nghệ tiên tiến, ít tiêu hao năng lượng… Thực tế, yếu tố công bằng, minh bạch được đặt ra từ mấy năm qua vẫn chưa thay đổi trong biểu giá đề xuất, người tiêu dùng vẫn đang trả tiền điện bù cho sản xuất theo biểu giá mới.

Vì vậy, cần xem xét hiện tượng cơ cấu biểu giá điện còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại. Tránh tình trạng người dân sử dụng điện phải bù chéo cho sản xuất nhưng lại sử dụng công nghệ lạc hậu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại