Người Argentina tằn tiện khi lạm phát vượt 140%
Túi tiền co lại vì lạm phát phi mã khiến nhiều người Argentina không dám mua đồ mới, thậm chí bán bớt quần áo để trang trải cuộc sống.
Trong khi cả thế giới đang dần kiểm soát được lạm phát sau đại dịch, Argentina lại đi theo hướng ngược lại. Lạm phát tại đây chạm 142,7% trong tháng 10, theo thông báo của cơ quan thống kê Argentina hôm 13/11. Nếu so với tháng trước đó, lạm phát là hơn 8%.
"Giờ đây anh không thể đến trung tâm thương mại và mua thứ mình thích như trước kia nữa. Giá cả hiện tại không thể tin nổi", Aylen Chiclana - một sinh viên 22 tuổi tại Buenos Aires cho biết trên Reuters.
Một chiếc quần jeans mới ở đây hiện được bán với giá gấp đôi năm ngoái và tương đương hơn một phần ba lương tháng tối thiểu của người Argentina.
Từ nhiều năm nay, người Argentina đã phải đối mặt với lạm phát cao. Các nhà kinh tế học cho rằng nguyên nhân là chính sách in tiền và người dân mất niềm tin vào đồng peso. Lạm phát đã tăng tốc trong suốt năm ngoái, hiện lên cao nhất kể từ năm 1991 - khi nước này mới thoát lạm phát phi mã.
Nền kinh tế lớn nhì Nam Mỹ vì thế đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. 20% dân số Argentina đang sống trong nghèo khó. Rủi ro suy thoái đang làm lung lay cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra tại đây.
Sự giận dữ của người dân đã khiến ứng cử viên Javier Milei vượt lên trên Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa trong cuộc đua đến ghế Tổng thống. Massa được nhận định đã thất bại trong cuộc chiến chống lạm phát.
Milei thì có phong cách gợi nhớ đến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cho rằng các lãnh đạo Argentina đã đẩy đất nước vào các cuộc khủng hoảng liên tiếp. Milei tin rằng thay đồng peso bằng USD có thể hạ nhiệt lạm phát.
Beatriz Lauricio - một giáo viên về hưu 62 tuổi - cho biết vợ chồng bà thường phải đến một chợ quần áo vào cuối tuần để bán bớt đồ cũ và có tiền trang trải cuộc sống. "Chúng tôi là tầng lớp trung lưu, chính xác là ở cận dưới của trung lưu. Chúng tôi có việc làm, nhưng vẫn phải đến chợ", bà nói. Chồng bà hiện là nhân viên hãng xe bus.
Cuối tuần trước, khi việc họp chợ bị hủy vì thời tiết xấu, tài chính của hai người đã "sụp đổ". "Chúng tôi không làm việc này để có tiền du lịch, mà là để sống qua ngày", bà nói.
María Silvina Perasso - người tổ chức hội chợ này ở Tigre, ngoại ô Buenos Aires - cho biết rất nhiều người đến đây mua đồ vì giá đang tăng nhanh hơn lương. Lương tối thiểu tháng ở đây là 132.000 peso. Con số này tương đương 377 USD theo tỷ giá chính thức, nhưng theo giá chợ đen thì chỉ bằng nửa.
"Ở đây, họ mua quần áo với giá chỉ 5-10% so với cửa hàng. Vì thế, họ có thể mua nhiều thứ khác cho gia đình", bà nói.
Lạm phát ở Argentina cũng có cùng nguyên nhân với thế giới. Đó là chiến sự tại Ukraine, căng thẳng chuỗi cung ứng và chi tiêu công tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cho rằng vấn đề còn nằm ở chính nước này.
Quốc gia này đang chi nhiều hơn thu. Y tế, giáo dục, năng lượng, dịch vụ công ở đây được trợ giá mạnh tay hoặc miễn phí. Vì thế, để bù đắp thiếu hụt, họ lại tăng in peso. Đến năm 2022, Bộ trưởng Kinh tế nước này - Sergio Massa - mới cam kết không yêu cầu ngân hàng trung ương in thêm tiền để phục vụ chi tiêu công.
Theo khảo sát Ngân hàng Trung ương Argentina công bố hôm 13/11, các nhà kinh tế học dự báo lạm phát tại Argentina sẽ lên 185% cuối năm nay, cao hơn dự báo trước đó là 180%. GDP dự kiến giảm 2% năm nay và 1,6% năm 2024.
María Teresa Ortiz (68 tuổi) đang sống nhờ lương hưu và công việc may vá, với thu nhập 400 peso (1 USD) một giờ. Bà đến chợ mua quần áo vì không thể mua ở đâu khác.
"Chúng tôi không thể mua đồ mới, từ giày thể thao, dép xỏ ngón, quần jeans, áo phông hay áo sơ mi. Thế nên bạn phải ra chợ để mua thôi", bà giải thích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận