Ngũ Kim Fortress: Kiểm toán từ chối ý kiến, hơn 650 tỷ giá trị tồn kho bị thiếu qua kiểm kê
Sau quãng thời gian dài chờ đợi, đến ngày 21/11/2023, cổ đông của CTCP Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam (OTC: FTV) đã tiếp cận được BCTC kiểm toán năm 2022 với khoản lỗ ròng gần 24 tỷ đồng. Song, kiểm toán lại từ chối đưa ra ý kiến.
BCTC năm 2022 của Ngũ Kim Fortress trước và sau kiểm toán
Đvt: Tỷ đồng
Doanh thu năm 2022 đạt 648 tỷ đồng, không thay đổi so với BCTC tự lập và giảm 11% so với năm 2021. Công ty giải trình doanh thu giảm do tình hình kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu giảm.
Do giá nguyên vật liệu thấp hơn, kéo giảm giá vốn hàng bán, lãi gộp của Công ty đạt 109 tỷ đồng (chuyển từ lỗ 55 tỷ đồng trên BCTC tự lập), hơn gấp đôi năm 2021. Biên lãi gộp năm 2022 là 16.6% và năm 2021 là 6.7%.
Về chi phí, đáng chú ý là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, do trích lập dự phòng khoản phải thu của khách hàng Formosa Đài Loan hơn 25 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng đáng kể, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá tăng.
Sau kiểm toán, lỗ sau thuế của Công ty gần 24 tỷ đồng, tức giảm lỗ hơn 129 tỷ đồng so với mức lỗ 153 tỷ đồng trên BCTC tự lập.
650 tỷ đồng hàng tồn kho bốc hơi, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến
Năm 2022, Công ty có quy mô tài sản hơn 1,466 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021. Hàng tồn kho giảm mạnh, từ 930 tỷ đồng năm 2021 xuống còn gần 250 tỷ đồng năm 2022. Các vấn đề trong việc giảm giá trị hàng tồn kho chính là cơ sở từ chối đưa ra ý kiến của kiểm toán.
Cụ thể, tại thuyết minh số 9 và số 10 của BCTC hợp nhất, Ban Tổng Giám đốc Công ty ghi nhận khoản chênh lệch thiếu thuần khi thực hiện kiểm kê hàng tồn kho với giá trị trên 650 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày của báo cáo này, Công ty chưa xác định được nguyên nhân, thời điểm cũng như ảnh hưởng của các nghĩa vụ liên quan do sự thiết hụt hàng tồn kho nêu trên.
Kiểm toán cho biết dựa trên những thông tin hiện có, không thể xác định hoặc kiểm tra bằng các thủ tục thay thế khác đối với số dư tài khoản hàng tồn kho cũng như số dư và khả năng thu hồi của số dư tài sản thiếu chờ xử lý, được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2022, số tiền lần lượt hơn 283 tỷ đồng và hơn 650 tỷ đồng cùng các điều chỉnh nếu có đối với số dư hàng tồn kho các năm trước.
Mặt khác, Công ty có một số hàng tồn kho bị khách hàng hủy đơn đặt hàng trong năm 2022 và chưa có phương án tiêu thụ thay thế, số tiền hơn 4 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022. Ban Tổng Giám đốc cho biết đang tiếp tục tìm phương án tiêu thụ thay thế nên chưa trích lập dự phòng cho số hàng tồn kho này. Kiểm toán cũng không thể thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế để kiểm tra giá trị có thể thực hiện được đối với số hàng tồn kho này và theo đó không xác định được liệu Công ty có cần trích lập dự phòng cho số hàng tồn kho nói trên tại ngày 31/12/2022 hay không.
Một cơ sở từ chối cho ý kiến khác từ đơn vị kiểm toán là Công ty phát sinh lỗ thuần trên BCTC hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 và ngày 31/12/2021, số tiền lần lượt gần 24 tỷ đồng và 33 tỷ đồng. Song song đó, nếu số dư tài sản thiếu chờ xử lý tại ngày 31/12/2022 (hơn 650 tỷ đồng) không thể thu hồi được, thì tài sản ngắn hạn của Công ty sẽ giảm một khoản là 650 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn sẽ vượt tổng tài sản ngắn hạn gần 198 tỷ đồng và lỗ lũy kế của Công ty tại ngày này gần 358 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng không thu thập được cam kết về hỗ trợ tài chính cho Công ty từ các cổ đông lớn. Do đó, không thể xác định được tính hợp lý của việc sử dụng giả định hoạt động liên tục khi lập BCTC này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận