24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Như
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngổn ngang cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công

Theo Bộ Tài chính, tính đến hiện nay trong tổng số gần 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trên địa bàn cả nước, Chính phủ đã chọn ra được 338 đơn vị để đưa vào danh mục cần chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Trong số này có 213 đơn vị đã được phê duyệt và đưa vào danh mục chuyển đổi. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 38 đơn vị phê duyệt xong phương án chuyển đổi và 31 đơn vị hoàn thành chuyển đổi, chiếm khoảng 14,5%.

Chậm và vướng về tài chính, tài sản

Theo nhận định của Bộ Tài chính, sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, chất lượng cung cấp các dịch vụ công của các ĐVSNCL cơ bản có sự nâng cao. Tổng tài sản của các đơn vị tăng 27%, doanh thu tăng 58%, lợi nhuận tăng 52% và thu nhập của người lao động tăng hơn 30% so với thời điểm trước chuyển đổi.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương thì việc chuyển đổi ĐVSNCL sang công ty cổ phần đang có quá nhiều bất cập, vướng mắc, thậm chí bế tắc trong quá trình xử lý các tài sản, tài chính tại các đơn vị. Cụ thể, Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hiện nay là văn bản pháp lý trực tiếp cao nhất để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi ĐVSNCL, nhưng chưa có hướng dẫn xử lý các nguồn kinh phí như: số dư quỹ cải cách tiền lương, quỹ bổ sung thu nhập, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp… Các văn bản pháp lý hiện tại cũng chưa hướng dẫn chi tiết về cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng các tài sản cơ sở hạ tầng như: rừng, cảng, chợ, bến xe… nên các ĐVNSCL sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần chưa thể tiếp quản và sử dụng.

Ngoài ra, hiện nay đối với các ĐVSNCL, pháp luật chưa có những quy định ràng buộc về cơ chế giám sát tình hình cung cấp dịch vụ công sau cổ phần hóa, thiếu các chế tài đối với nhà đầu tư chiến lược, đồng thời chưa có quy định về việc bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại ĐVSNCL cũng như kết hợp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ… Vì thế sau khi cổ phần hóa, các ĐVSNCL rất khó khăn trong việc mở rộng quy mô và kiểm soát, xử lý các nguồn lực tài chính.

Riêng về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các ĐVSNCL chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, các đơn vị đã hoàn thành chuyển đổi cho rằng, mặc dù khi cổ phần hóa, các đơn vị được miễn phí trước bạ khi chuyển đổi các tài sản, miễn phí cấp giấy chứng nhận đăng ký DN mới và cho cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội hóa.

Tuy nhiên, do những vướng mắc về pháp lý tài sản, hạch toán kinh phí nên các ưu đãi này cũng khó thực hiện. Bên cạnh đó, việc chưa có hướng dẫn về chính sách dôi dư lao động sau cổ phần hóa, nhất là cán bộ lãnh đạo cũng khiến các đơn vị dè dặt trong quá trình chuyển đổi.

Thoáng nhưng phải chặt chẽ

Nhận thức được những bất cập vừa qua trong hoạt động chuyển đổi các ĐVSNCL sang mô hình công ty cổ phần, mới đây Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Nghị định nhằm thay thế cho Quyết định số 22/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Điểm đáng ghi nhận của dự thảo văn bản mới này là cơ chế phân cấp trong việc phê duyệt phương án cổ phần hóa được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt danh mục chuyển đổi ĐVSNCL theo từng giai đoạn. Sau đó, UBND cấp tỉnh, thành phố và các bộ, ngành sẽ trực tiếp quyết định và chịu trách nhiệm về phương án chuyển đổi.

Đối với các bất cập về xử lý tài sản, tài chính của từng đơn vị, Dự thảo Nghị định cũng đã thống nhất, sau khi chuyển đổi các đơn vị phải xây dựng phương án sử dụng đất phù hợp với lĩnh vực hoạt động. Trường hợp không còn nhu cầu sử dụng đất hoặc phương án sử dụng đất sau khi chuyển đổi không phù hợp thì phải trả lại Nhà nước để đấu giá theo quy định của pháp luật.

Để hỗ trợ các ĐVSNCL thu hút được nguồn vốn xã hội hóa, Dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung hình thức bán toàn bộ Nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Song song đó, phạm vi danh mục các ĐVSNCL cần cổ phần hóa cũng được mở rộng tới các đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã… để chủ động chuyển đổi.

Riêng ở góc độ kiểm soát, một trong những nội dung được cho là chặt chẽ của Dự thảo Nghị định là bắt buộc các ĐVSNCL sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động phải chuyển từ mọi hình thức sử dụng đất sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Với cách làm này, những diện tích đất không sử dụng hết sẽ được cơ quan chức năng thu về để đấu giá.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định bắt buộc phải có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước trong quá trình xác định giá trị ĐVSNCL trước khi cổ phần hóa. Việc này mặc dù chỉ yêu cầu thực hiện đối với những đơn vị quy mô lớn nhưng rõ ràng sẽ kiểm soát, định giá tốt hơn đối với hàng loạt tài sản công lớn đang nằm trong hệ thống các ĐVSNCL.

Cuối cùng, ở phía người lao động, Dự thảo Nghị định mở ra cơ chế khá thoáng đối với các ĐVSNCL sau khi cổ phần hóa khi cho phép các đơn vị giữ lại các công trình phúc lợi (nhà trẻ, bệnh xá), đồng thời quy định rõ chính sách bán cổ phần cho người lao động bằng 60% giá thị trường. Người lao động có thể mua từ 2.000 – 8.000 cổ phần của ĐVSNCL sau khi chuyển đổi sẽ là cơ hội để các đơn vị trở thành những công ty cổ phần dịch vụ công một cách thực chất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả