Ngọn đồi kỳ lạ giá phòng 6-8 triệu đồng mỗi đêm ở Sa Pa: Tiện nghi tối giản, vì sao đắt đỏ tới vậy?
Khu nghỉ dưỡng kỳ lạ đón hàng nghìn lượt khách mỗi năm và được gọi tên trong danh sách “21 nơi phải nghỉ lại nếu bạn quan tâm đến hành tinh này”. Vậy nó có gì?
Trên ngọn đồi hình nón, thuộc bản Lếch Dao, xã Thanh Bình, cách trung tâm thị trấn Sa Pa gần 20km, là nơi tọa lạc của một khu nghỉ dưỡng kỳ lạ. Giá thành cho một đêm lưu trú ở đây không hề rẻ, theo các nền tảng đặt phòng, nó dao động từ 6 - 8 triệu đồng. Đây cũng là mức giá có thể nói là đắt đỏ nhất khu vực này. Khu nghỉ mang tên Topas Ecolodge.
Khi đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự khác biệt ngay từ những bước chân đầu tiên: Một khu nghỉ đắt đỏ, 5 sao song tiện ích lại vô cùng tối giản, hạn chế. Song sau hơn 20 năm hoạt động, không những không bị lãng quên, mỗi năm Topas vẫn đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Nhiều hơn là trải nghiệm dịch vụ đẳng cấp và sang trọng, du khách đến đây để tận hưởng, khám phá và hòa mình với thiên nhiên mang vẻ đẹp nguyên sơ của Sa Pa.
Đặc biệt hơn cả, điểm xuất phát của Topas Ecolodge không hoàn toàn là từ những người nước ngoài. Nó được ‘thai nghén’ bởi chính người Việt, từ một gia đình ở chính Sa Pa.
Ảnh Topas Ecolodge
Năm 2002, Lê Thiện tròn 17 tuổi. Chàng trai trẻ vừa hoàn thành việc đăng ký nhập học tại Hà Nội thì bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại.
“Con có về nhà được không?” - cha Thiện hỏi.
Linh cảm có điều không lành, Thiện bắt ngay chuyến xe hơn 300km, gần nửa ngày, về Sa Pa. Sau đó là khoảng thời gian ngắn ngủi cuối cùng Thiện được nói chuyện với cha mình. Thiện không học đại học nữa, mà bắt tay thực hiện những ước nguyện dang dở của ông.
Những năm đầu thập kỷ 1990, gia đình Thiện là một đơn vị lữ hành nhỏ. Ngày đó du lịch Sa Pa còn hoang sơ và tính tự phát cao, gia đình Thiện thực hiện những tour cho du khách thích đi phượt rừng núi Hoàng Liên Sơn, chủ yếu là người nước ngoài.
Cha Thiện nhìn thấy rõ nhiều mặt trái trong cách khai thác du lịch thiếu bền vững của nhiều đơn vị và cá nhân khác. Ông cũng tin rằng sau này du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Sa Pa sẽ phát triển. Chỉ có điều làm sao để làm du lịch giữa thiên nhiên mà không gây tổn hại đến thiên nhiên?
Từ đó ông ấp ủ một giấc mơ lớn: Xây dựng một khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, đưa con người hòa mình với thiên nhiên, và cũng tạo thêm việc làm cho cộng đồng xung quanh. Giấc mơ ấp ủ là vậy nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện hóa nó. Gia đình này bắt đầu tìm kiếm, kết nối với các đối tác thông qua các quỹ nước ngoài.
Topas Ecolodge là một khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, đưa con người hòa mình với thiên nhiên, và cũng tạo thêm việc làm cho cộng đồng xung quanh (Ảnh Topas Ecolodge)
Và thế là cái bắt tay đã được thực hiện với những vị khách Tây đến từ Đan Mạch - Topas Travel - vào vài năm sau đó, thông qua DANIDA - cơ quan hợp tác phát triển của Đan Mạch trực thuộc Bộ Ngoại giao Đan Mạch.
Topas Travel là một công ty du lịch được thành lập vào năm 1973, thuộc tập đoàn Topas Explorer Group, có trụ sở chính tại Đan Mạch. Mục đích chính của Topas Travel là cung cấp những trải nghiệm du lịch khám phá mạo hiểm. Khi đặt chân đến Sa Pa, họ cũng tìm hiểu vùng đất Hoàng Liên Sơn, và gặp cha Thiện.
Tư duy bền vững của những người làm du lịch từ quốc gia Bắc Âu bắt gặp lý tưởng của một người đàn ông làm du lịch bản địa. Họ tiếp tục tổ chức và mở rộng hệ thống tour, đồng thời tranh thủ thăm dò, tìm kiếm một mảnh đất phù hợp với ý tưởng chung. Quá trình diễn ra từ khoảng năm 1996 - 1997, song sau nhiều năm, họ vẫn không tìm được “mảnh đất vàng ưng ý”.
Mãi đến khi Thiện trở về vào thời điểm năm 2002 ấy, trong một lần đi dẫn tour cho một đoàn khách, Lê Thiện, bất ngờ tìm thấy một ngọn đồi trống, 4 bề nhìn ra rừng núi bát ngát. Chàng thanh niên tin rằng, đây chính là mảnh đất phù hợp nhất với ý tưởng mà gia đình mình và những người bạn Đan Mạch ấp ủ. Vì vậy, mảnh đất này được lựa chọn, dù trước đó họ đã có phương án khác.
Khi đặt chân tới ngọn đồi, các chuyên gia Đan Mạch từ Topas Travel đã phải thốt lên kinh ngạc. "Thiên nhiên hoang dã cùng quang cảnh hùng vĩ núi non trùng điệp của vùng đất này đã giành được tình yêu của chúng tôi ngay từ những giây phút đầu tiên".
Qua rất nhiều năm chuẩn bị nguồn lực và các phương án, đến tận tháng 6/2003, dự án Topas Ecolodge mới chính thức khởi công theo thiết kế dựa trên ý tưởng từ các chuyên gia Đan Mạch và bản vẽ của một kiến trúc sư cũng ở chính đất Lào Cai.
Nhớ về khoảng thời gian xây dựng khu nghỉ, anh Thiện bồi hồi: "Thời ấy đường xá ở Sa Pa đi lại còn khó khăn lắm, đường nhỏ, khúc khuỷu, nhiều đoạn dốc. Vào những ngày mưa thì đầy bùn đất. Chúng tôi lại muốn tận dụng chính những nguyên liệu gần gũi với địa phương như đá granit, các phương pháp thi công cũng phải đặc biệt cẩn thận, để không ảnh hưởng nhiều, ảnh hưởng xấu tới cảnh quan. Đã có không ít những anh thợ chở đá lên đồi để chúng tôi xây dựng khu nghỉ đã phải bỏ cuộc, thậm chí dừng giữa đường, vừa khóc vừa nói là thôi không đi được nữa đâu…”
Gần tròn 2 năm, tháng 4/2005, Topas Ecolodge chính thức mở cửa đón khách.
Khu nghỉ dưỡng 5 sao trên quả đồi chính thức đón những vị khách đầu tiên vào tháng 4/2005 (Ảnh Topas Ecolodge)
Năm 2017, tạp chí lừng danh thế giới National Geographic (NatGeo) bình chọn Topas Ecolodge ở vị trí đầu tiên, trong danh sách “21 nơi phải nghỉ lại nếu bạn quan tâm đến hành tinh này”. Không phải vì tiện ích, vì dịch vụ, mà vì những trải nghiệm thiên nhiên mà nơi đây mang lại.
Đặt những bước chân đầu tiên vào Topas nhiều người sẽ lập tức bất ngờ bởi khu nghỉ… quá tiết kiệm. Sự tiết kiệm được thể hiện đầu tiên thông qua số lượng thiết bị điện rất ít ỏi trong mỗi phòng nghỉ. Mỗi phòng chỉ có các thiết bị cơ bản như điều hòa, két an toàn, máy sấy tóc, đèn chiếu sáng; không có tv, tủ lạnh. Thậm chí, ở từng phòng cũng không có bộ phát mạng riêng biệt.
Thời gian đầu, đội ngũ lãnh đạo Topas cũng đã lắp đặt và cố gắng sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, nhưng sau một thời gian, do đặc điểm khí hậu khiến cho sản lượng điện rất thấp. Họ buộc phải dựa chính vào các trạm thuỷ điện trong thung lũng.
Ở Topas, điện được tiết kiệm tối ưu bằng việc hạn chế các thiết bị điện tại phòng riêng của du khách (Ảnh Topas Ecolodge)
Tất nhiên, không phải vì cơ sở vật chất ở đây kém, mà do triết lý về tiết kiệm điện mà khu nghỉ đặt ra ngay từ những ngày thành lập. Thay vì dành thời gian cho các thiết bị điện tử, làm việc hay vui chơi những thú vui ảo qua chiếc màn hình, du khách sẽ “bắt buộc” phải để mắt mình nghỉ ngơi, chữa lành bằng khung cảnh núi rừng Hoàng Liên Sơn qua ô cửa sổ và ban công riêng ở từng phòng nghỉ. Điều này cũng được coi là một trong những thách thức lớn với đội ngũ vận hành và chăm sóc khách hàng khu nghỉ, nhất là trong thời buổi 4.0 như hiện nay.
Những tưởng những bất tiện trên sẽ khiến Topas Ecolodge “mất điểm” với đại đa phần du khách, nhưng không. Trái lại, trên TripAdvisors, khu nghỉ nhận được gần 1.500 lượt đánh giá từ khách lưu trú, đạt 4.5/5 sao về độ hài lòng của du khách. Trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram hay X, lượng khách check-in tại đây đạt tới con số gần 20.000, từ không chỉ du khách Việt mà còn từ những vị khách đến từ Pháp, Anh, Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản…
Video Topas Ecolodge xuất hiện trên một trang blog du lịch Mỹ, thu về hàng triệu lượt xem và nhiều bình luận từ người dùng trên khắp thế giới về nơi này. Những con số trên đã chứng minh bên cạnh dịch vụ, tiện nghi, Topas Ecolodge thể hiện yếu tố “5 sao” của mình dựa trên chính thiên nhiên bao bọc quanh nó và tầm nhìn thân thiện với thiên nhiên.
Thay vì ngồi bên các thiết bị điện tử, du khách đến với Topas Ecolodge sẽ được hoà mình vào thiên nhiên một cách thật sự (Ảnh Topas Ecolodge)
Nữ du khách tên Nhung (Hà Nội) nhận xét sau kỳ nghỉ của cô tại đây vào năm 2021: "Đây là một nơi tuyệt vời để tận hưởng thiên nhiên. Một nơi yên tĩnh, trong lành, tách biệt khỏi những ồn ào, náo nhiệt ở thành phố. Một điểm mình rất thích ở Topas đó là phòng ngủ được thiết kế tối giản, không có TV và wifi giúp chúng mình gần với thiên nhiên hơn rất nhiều. Không còn nhịp sống hối hả nữa, mình như được sống chậm lại để cảm nhận hết vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam". "Đây chính là nơi tận hưởng cuộc sống mà không cần internet", một du khách khác đến từ TP.HCM để lại bình luận.
"Chúng tôi đã từng lo ngại về việc ở trong khu nghỉ có vị trí biệt lập như thế này. Nhưng sau khi ở đây chúng tôi hoàn toàn cảm thấy mình đã đưa ra quyết định đúng đắn. Khung cảnh ở đây thật ngoạn mục. Tôi đã thực sự hành phúc khi chỉ ngồi trên ban công và nhìn ra cửa sổ. Hay có những chuyến đi bộ, đạp xe vòng quanh, qua những cánh đồng lúa. Ở đây chúng tôi được thực sự trò chuyện với nhau", Kristen - nữ du khách đến từ Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ nói thêm.
Trước năm Covid thứ nhất, Topas thường xuyên hết phòng do lượng lớn khách hàng đến từ Âu Mỹ. Sau 3 năm đại dịch, đội ngũ lãnh đạo và nhân viên khu nghỉ chứng kiến sự tăng trưởng bất ngờ của các du khách Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Topas Ecolodge đến nay luôn không ngừng phát triển và mở rộng.
Từ 33 phòng nghỉ trên 1 quả đồi duy nhất, đến năm 2022, Topas đã nâng số lượng phòng lên thành 50 phòng, sang đến cả quả đồi thứ 2. Số lượng nhà hàng cũng được tăng lên từ 2 - 3, trong đó có 1 nhà hàng ngoài trời. Bể bơi vô cực ban đầu vốn dĩ chỉ là bể bơi đơn song giờ đây cũng được nâng cấp trở thành bể bơi đôi.
Từ chỉ nằm trên 1 quả đồi, khu nghỉ hiện nay đã mở rộng quy mô sang quả đồi thứ 2...
Bể bơi vô cực từ bể bơi đơn cũng được nâng cấp thành bể bơi đôi (Ảnh Topas Ecolodge)
Ngoài tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên là điểm đặc biệt khác để du khách trải nghiệm Topas Ecolodge tham gia vào các “giá trị bền vững”. Chẳng hạn, khi một du khách làm vỡ một chiếc cốc thuỷ tinh, hay không may một mảng kính lớn trên những ô cửa sổ bị vỡ, chúng sẽ không đi ra bãi rác.
Có một khu vực tái chế, trong đó có vài chiếc máy nghiền kính, kính vỡ được nghiền ra thành cát mịn sau này có thể được sử dụng làm bê tông trong xây dựng và bảo trì. Rác thải từ nhà bếp, nhà hàng, hay từ phòng nghỉ sẽ được phân loại, chuyển đến cho các hộ dân địa phương trong vòng tròn liên kết với khu nghỉ, để dùng nuôi gia súc, hoặc tái sử dụng một cách phù hợp.
"Chúng tôi tin rằng cả môi trường và cộng đồng địa phương đều nên nhận được lợi ích từ việc kinh doanh của mình. Thay vì đóng góp một khoản tài trợ, hoặc trồng một số diện tích cây xanh, chúng tôi cam kết tạo ra những lợi ích bền vững thật sự mang tính lâu dài và dựa trên nhu cầu từ những người địa phương trong bản. Sự bền vững đã luôn hiện diện trong suy nghĩ của chúng tôi trong suốt quá trình hình thành và phát triển Topas Ecolodge. 101 nguyên tắc phát triển bền vững là bản chất từ cốt lõi bên trong của chúng tôi", đại diện Topas Ecolodge chia sẻ.
Anh Phạm Hải, 38 tuổi, vốn là người miền xuôi lên, từng làm nghề cắt đá xây dựng. Năm 2003, anh Hải tình gặp gỡ một kiến trúc sư trong đội ngũ thực hiện Topas Ecolodge tại Ninh Bình, thế là “bén duyên” với Topas.
“Lúc đó, anh ấy hỏi tôi có muốn lên Sa Pa làm không. Tôi cũng chỉ nghĩ đơn thuần là lên làm xây dựng cho công trình này. Sau khi công trình làm xong, các anh cũng hỏi tôi có muốn ở lại học thêm để làm du lịch không. Thế là tôi đồng ý…”.
Sau hơn 20 năm gắn bó, giờ đây anh Hải là một trong những hướng dẫn viên “cứng” nhất ở Topas Ecolodge. Anh đã có một gia đình êm ấm, 2 em bé kháu khỉnh, vợ anh hiện cũng là nhân viên tại khu nghỉ. Anh Hải chia sẻ anh khá tự hào vì không nghĩ một người vốn làm thợ xây dựng giờ đây lại có thể chuyển sang làm du lịch bài bản, tại một khu nghỉ 5 sao nổi tiếng, có thể giao lưu với người nước ngoài bằng tiếng Anh mà không gặp trở ngại nào cả.
Topas Ecolodge hiện có gần 100 nhân sự chính thức, chủ yếu là người bản địa. Họ được đào tạo họ được nâng cao dần nghiệp vụ bài bản như anh Hải. Nhưng mạng lưới kết nối của khu nghỉ không giới hạn ở vấn đề việc làm. Topas sử dụng nông sản từ người dân xung quanh làm nguồn thực phẩm chính.
"Hầu hết thực phẩm của chúng tôi đều được mua từ chợ và các cửa hàng địa phương hoặc nhập trực tiếp từ các nông hộ trên núi. Chính vì vậy, thực đơn của chúng tôi luôn bao gồm rau củ, trái cây theo mùa và thịt cá tươi ngon. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng tự tạo cho mình một khu vườn hữu cơ ngay sau khu nghỉ để nuôi gà và trồng thảo dược cùng các loại rau củ thiết yếu", trích tuyên bố chính thức của Topas Ecolodge.
“Bền vững, đầy cảnh sắc, gắn kết với cộng đồng địa phương, khu nghỉ dưỡng nằm ẩn sâu vào một trong những nơi hoang dã nhất hành tinh”, đó là những mỹ từ mà NatGeo sử dụng để nói về Topas Ecolodge trong bài giới thiệu và chắc chắn được coi như một tuyên ngôn khẳng định vẻ đẹp cũng như những giá trị bền vững mà khu nghĩ đã, đang và vẫn sẽ duy trì trong xuyên suốt quá trình hoạt động.
Một góc vườn hữu cơ tại Topas Ecolodge (Ảnh Topas Ecolodge)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận