24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thùy Linh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngoại giao vaccine: Trung Quốc hụt hơi, Mỹ chờ thời

Bất chấp những điều kiện có vẻ như thuận lợi, khả năng của Trung Quốc trong việc tuân thủ các cam kết và gặt hái những lợi ích lâu dài từ chiến lược ngoại giao vaccine vẫn chưa được đảm bảo.

Đặt kỳ vọng cao hơn thực tế

Trung Quốc có vẻ như đang giành chiến thắng trong chính sách ngoại giao vaccine ở giai đoạn đầu, thành công trong việc củng cố sức mạnh mềm và mở rộng ảnh hưởng quốc tế. Bắc Kinh đã xuất khẩu 114 triệu liều vaccine ra nước ngoài và cam kết giúp đỡ Ấn Độ, Nga, cùng nhiều quốc gia khác trên vai trò là nhà tài trợ.

Bắc Kinh đang nhận được những tín hiệu đầy khích lệ khi hai loại vaccine do nước này sản xuất nhiều khả năng sẽ được WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào tháng 4/2021. Hiện nay, những lo ngại ngày càng gia tăng về tính hiệu quả và an toàn của vaccine AstraZeneca – vaccine chính được phân phối theo chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX và số ca bệnh gia tăng chóng mặt tại Ấn Độ đang làm suy yếu những đối thủ cạnh tranh vaccine hàng đầu của Trung Quốc.

Bất chấp những điều kiện có vẻ như thuận lợi này, khả năng của Trung Quốc trong việc tuân thủ các cam kết và gặt hái những lợi ích lâu dài từ chiến lược ngoại giao vaccine vẫn chưa được đảm bảo. Trong cuộc đua ngoại giao vaccine trên toàn cầu, thành công của Trung Quốc phụ thuộc vào 3 điều kiện: nguồn cung, tốc độ và nhu cầu. Thật không may cho Bắc Kinh, những lợi thế mà nước này đạt được thời gian đầu trên cả 3 lĩnh vực đó đang dần suy giảm.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đặt mục tiêu đến tháng 6/2021 tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho 40% dân số, tương đương 560 triệu người. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn việc khuyến khích người dân tiêm chủng. Ước tính, Trung Quốc cần phải sản xuất khoảng 1,12 tỷ liều vaccine và phân phối chúng với tốc độ 11,5 triệu liều/ngày. Xét đến năng lực sản xuất vaccine hiện tại, Trung Quốc rất khó đáp ứng mục tiêu nói trên.

Công ty Sinovac Biotech và Tập đoàn được phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) chỉ có thể sản xuất được 5 triệu liều vaccine mỗi ngày. Sự thiếu hụt vaccine đã được báo cáo tại ít nhất 5 tỉnh của Trung Quốc. Trong khi đó, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Brazil, tình trạng chuyển giao chậm trễ và sự thiếu hụt vaccine Trung Quốc đã khiến chiến dịch tiêm chủng của các nước này bị ảnh hưởng. Sự chậm trễ này không chỉ gây khó chịu cho những người phải chờ đợi mà còn làm dấy lên lo ngại về việc liệu Bắc Kinh có đang “tự thổi phồng” năng lực điều chế vaccine để thúc đẩy các mục tiêu về chính sách đối ngoại hay không.

Nỗ lực cứu vãn hình ảnh của Bắc Kinh

Về phần mình, Trung Quốc dường như đã nhận ra khoảng cách giữa cam kết và hiện thực, vì thế nước này đã thúc đẩy các nỗ lực sản xuất vaccine. Sinovac đang gia tăng năng lực sản xuất hàng năm lên đến 2 tỷ liều, còn Sinopharm đang đặt mục tiêu sản xuất 1,1 tỷ liều mỗi năm. Mặc dù nỗ lực này đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp Trung Quốc đảm bảo nguồn cung ổn định và lâu dài, nhưng việc tăng cường sản xuất cần có thời gian và không thể giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt vaccine ngay lập tức.

Giới phân tích cho rằng, năng lực sản xuất vaccine của Trung Quốc chắc chắn sẽ sụt giảm trong 2 hoặc 3 tháng tới và điều này buộc Bắc Kinh phải thay đổi chiến lược quản lý vaccine. Nếu vấn đề tiếp diễn, Trung Quốc sẽ không thể thực hiện mục tiêu tiêm chủng đã đặt ra cho đến cuối tháng 6 trong khi đó Mỹ nhiều khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng ở thời điểm này.

Do việc tiêm chủng trong nước cần đến một số lượng lớn vaccine nên Bắc Kinh sẽ phải thu hẹp mô hình ngoại giao vaccine trong những tháng tới, bằng cách trì hoãn chuyển giao hàng hóa, tạm dừng viện trợ, hoặc thực hiện đồng thời 2 cách.

Mặc dù việc trì hoãn chỉ là tạm thời nhưng điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách ngoại giao vaccine lâu dài của Trung Quốc khi các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ chuyển từ khách hàng sang nhà cung cấp vaccine.

Lợi thế lớn nhất trong chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc nằm ở tốc độ. Bằng cách cung cấp vaccine sớm, Bắc Kinh có thể củng cố quyền lực mềm ở thời điểm mà các nước tiếp nhận không có khả năng tiếp cận với vaccine của phương Tây. Hơn nữa, hành động nhanh chóng của Trung Quốc không chỉ giúp nước này cạnh tranh hiệu quả với Mỹ mà còn với các nước khác như Nga và Ấn Độ trong cuộc đua ngoại giao vaccine.

VOV.VN - Ấn Độ và Trung Quốc gửi tặng những liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước khác vì chính sách ngoại giao. Giờ cả 2 nước đều đối mặt với sức ép phải giữ lại nguồn cung cho người dân trong nước.

Mỹ chờ đợi thời cơ chính muồi

Trong bối cảnh Mỹ đang tiến nhanh tới tình trạng bão hòa về vaccine (có nghĩa là bất cứ người Mỹ nào muốn tiêm vaccine điều có thể tiêm được), nước này đã tăng cường nỗ lực sản xuất vaccine và hỗ trợ các quốc gia khác. Các loại vaccine do 3 hãng dược phẩm của Mỹ sản xuất gồm Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer đã nhận được sự phê chuẩn của WHO. Riêng 2 loại vaccine Moderna và Pfizer đã được chứng minh hiệu quả trong ngăn chặn nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Mỹ cũng đã mua hàng triệu liều vaccine của AstraZeneca và nhiều loại vaccine khác, với số lượng vaccine không dùng hết, nước này có thể cho vay hoặc tặng các quốc gia có nhu cầu. Với những nước chưa triển khai tiêm phòng vaccine Trung Quốc, việc gia tăng khả năng tiếp cận với vaccine của phương Tây có thể khiến họ không mua hoặc mua ít vaccine của Trung Quốc.

Sự ưa chuộng trên toàn cầu đối với vaccine phương Tây có thể trở nên mạnh mẽ hơn khi hoài nghi về tính hiệu quả của vaccine Trung Quốc gia tăng. Chẳng hạn, Trung Quốc thông báo hiệu quả của vaccine Sinopharm đạt 79% nhưng một nghiên cứu tại Peru cho biết con số này chỉ ở mức 33%.

Đối với vaccine Sinovac, các nhà nghiên cứu Brazil thời gian gần đây nhận thấy nó chỉ đạt hiệu quả 50,7% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng có triệu chứng. Hơn nữa vẫn chưa rõ liệu các loại vaccine của Trung Quốc có ngăn chặn thành công các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hay không.

Bất chấp việc triển khai tiêm phòng rộng rãi vaccine của Trung Quốc ở Chile và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), số ca bệnh tại hai quốc gia này vẫn tiếp tục gia tăng. Đối với những nước đang hứng chịu làn sóng biến chủng mới nguy hiểm hơn hoặc dễ lây nhiễm hơn, sự hoài nghi này có thể khiến họ tránh né vaccine của Trung Quốc, từ đó, làm suy yếu các lợi ích từ chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh.

Dù Trung Quốc sớm dẫn đầu trong cuộc đua ngoại giao vaccine, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chặng đường đua của nước này đang bị thu hẹp dần. Năng lực sản xuất vaccine của Trung Quốc có thể được tăng cường vào nửa cuối năm nay nhưng đến thời điểm đó Bắc Kinh sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh mẽ hơn và nước này cũng khó gây dựng được ảnh hưởng lớn như hiện tại./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả