24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

‘Ngoại giao bẫy nợ’ giúp đưa Trung Quốc và châu Phi đến gần nhau hơn

Những khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào châu Phi, hay còn gọi là ‘ngoại giao bẫy nợ’, đã khiến Trung Quốc nắm giữ một vai trò quan trọng ở châu Phi.

Theo Đại học Johns Hopkins của Mỹ, 20 năm qua, Trung Quốc đã cho các quốc gia và công ty châu Phi vay khoảng 150 tỷ USD. Các khoản cho vay đã có động lực sau kế hoạch đầu tư ào ạt vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của Trung Quốc đưa ra vào năm 2013 theo dự án Con đường tơ lụa mới.

Sau đó, các khoản vay được cho là đã bắt đầu chậm lại cách đây 3 năm khi giá cả hàng hóa giảm và tiếp tục giảm trong thời gian đại dịch Covid-19. James Barnett, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson ở Washington, cho biết mặc dù các khoản vay không tăng nhanh nữa nhưng nhiều nước đã vay “nhiều đến mức thành vấn đề”.

Sự đầu tư ào ạt của Trung Quốc

Các số liệu dựa trên hồ sơ tổng hợp từ tổ chức Jubilee Debt của Anh, theo đó, Trung Quốc chiếm từ 18 đến 24% các khoản tín dụng cho châu Phi trong giai đoạn 2006-2017, ngang bằng với tổng mức cho vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ở mức 20%.

Theo Harvard Business Review, năm cao điểm nhất 2016, Trung Quốc chiếm gần nửa tổng số các khoản vay mà các nước châu Phi tiếp nhận. Con số này thậm chí có thể cao hơn, vì có tới 50% các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho các nước đang phát triển không được báo cáo.

Zambia đã tạm ngừng thanh toán các khoản vay của mình trong hai tuần, trong khi Kenya ngày 23/11 đã yêu cầu IMF hỗ trợ. Angola và Ethiopia cùng các nước khác gặp khó khăn với các khoản vay, trong đó Trung Quốc nắm giữ một phần lớn.

Ông James Barnett nhận định, châu Phi nợ Trung Quốc ban đầu không phải do Trung Quốc cho vay mạnh tay, mà là do châu Phi gặp khó khăn trong việc vay vốn quốc tế mà nguyên nhân là do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không ưu tiên châu Phi như cách Trung Quốc làm. "Bạn có thể nói về ngoại giao bẫy nợ nhưng không sẵn sàng đặt tiền lên bàn. Nó đẩy châu Phi thậm chí gần hơn với Trung Quốc", ông James Barnett nhấn mạnh.

Những lợi thế cho “chủ nợ”

Các khoản vay lớn của Trung Quốc đã giúp những gã khổng lồ như Huawei và ZTE có vị trí thống trị ở châu Phi.

Với việc nâng cấp mạng di động của châu Phi lên 5G, ZTE đang dẫn đầu với mức giá rất cạnh tranh. Có một mối lo ngại có thể xảy ra là các mạng này sẽ mở cửa hậu, những con ngựa thành Troy, cho Trung Quốc. Barnett chỉ rõ, Luật An ninh mạng của Trung Quốc từ năm 2017 buộc các công ty phải tiết lộ thông tin. Có những đồn đoán nghi ngờ rằng Huawei đã giúp chính phủ Uganda do thám phe đối lập chính trị.

Hai năm trước, nhật báo Le Monde Afrique của Pháp tiết lộ vụ rò rỉ dữ liệu thường xuyên từ trụ sở Liên minh châu Phi (AU) đặt tại Addis Adeba, thủ đô của Ethiopia đến Thượng Hải. Đây là một công trình Trung Quốc đã tài trợ 200 triệu USD. Sau khi bị phát giác, micro và thiết bị nghe lén đã được phát hiện trong tòa nhà; Huawei là nhà cung cấp chính của hệ thống công nghệ thông tin tại đây.

Nhà nghiên cứu Danielle Cave tại Viện Chính sách Chiến lược Australia nói với BBC: “Điều này không có nghĩa là công ty đã góp phần vào việc đánh cắp dữ liệu. Tuy nhiên, với vai trò của Huawei, thật khó tin rằng công ty này không biết gì về việc đánh cắp dữ liệu diễn ra hàng ngày trong suốt 5 năm".

Trung Quốc cũng đã xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti, một quốc gia nhỏ trên Biển Đỏ có hơn 2/3 các khoản vay là của Trung Quốc. Theo ông James Barnett, Trung Quốc muốn bảo vệ lợi ích của mình ở châu Phi bởi có ít nhất 2 triệu người Trung Quốc sống trên lục địa này. Tuy nhiên, các khoản đầu tư có thể khiến Bắc Kinh càng dễ bị nghi hoặc hơn.

‘Ngoại giao bẫy nợ’ giúp đưa Trung Quốc và châu Phi đến gần nhau hơn
Các khoản vay lớn của Trung Quốc đã giúp những gã khổng lồ như Huawei và ZTE có vị trí thống trị ở châu Phi. (Nguồn: The Wall Street Journal)

Cạnh tranh với EU và Mỹ

Trong khi đó, EU và Mỹ muốn làm chậm lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi. Ông James Barnett cho biết: "Chính quyền Tổng thống Trump đã nói về việc hỗ trợ hàng tỷ USD để ngăn chặn bước tiến của Huawei và ZTE ở các nước đang phát triển. Mỹ không có công ty mạng riêng nhưng đang cố gắng kêu gọi các nước châu Phi chuyển sang Ericsson và Nokia".

Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhanh chân có một khởi đầu thuận lợi trong lĩnh vực này. Ước tính, Bắc Kinh đã bán được 65% tổng số điện thoại di động ở châu Phi, trong khi Huawei thống trị cả mạng di động và băng thông rộng di động. Vài tỷ USD là không đủ để ngăn cản bước tiến của Trung Quốc.

Nếu các công ty phương Tây muốn vào châu Phi, họ phải chuẩn bị làm việc lâu dài. Vẫn theo ông James Barnett, châu Phi là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh trên thế giới. Về mặt nhân khẩu học, châu lục này ước tính sẽ có 2 tỷ dân vào năm 2050. Đó là một dân số trẻ với nhu cầu ngày càng tăng của mạng lưới và bí quyết công nghệ.

Chuyên gia về châu Phi Peter Stein lý giải cho đối tác thương mại song phương lớn nhất châu Phi của Trung Quốc rằng: "Phần lớn có lẽ là do loại hàng hóa và dịch vụ mà Trung Quốc chào mời đáp ứng tốt hơn, nhất là về giá cả so với chào mời của châu Âu và Mỹ."

Về sức mạnh của Huawei, ông Peter Stein nói rằng, có những sản phẩm có giá trị tốt và là cơ hội tuyệt vời để chào mời khách hàng châu Phi những cơ hội tài chính tốt với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đằng sau. Ông Peter Stein tin rằng các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào châu Phi không hẳn là tiêu cực. Thực tế là Trung Quốc tài trợ cho cầu, đường, cảng và sân bay ở các nước châu Phi thì châu Âu hay Mỹ cũng được hưởng lợi vì nó có lợi cho thương mại quốc tế, tạo cơ hội cho các công ty châu Âu hoặc Mỹ.

Trên phương diện lợi ích, ông Peter Stein phân tích: "Tất nhiên, Trung Quốc có thể thực hiện hành vi tống tiền chính trị sau khi xây dựng cảng và sân bay nhưng tôi không thấy họ đã làm như vậy. Các khoản vay làm cho một số quốc gia bị tổn thương nhưng khi họ gặp vấn đề, Trung Quốc đã nới hạn dài hơn và tự do phân bổ".

Ông Peter Stein tin rằng Trung Quốc cũng đang tìm kiếm một đồng minh chính trị trong quan hệ quốc tế, khi quan hệ với các nước láng giềng ngày càng trở nên phức tạp. Châu Phi có 54 thành viên trong Liên hợp quốc (LHQ) và ba thành viên trong Hội đồng Bảo an LHQ. Trung Quốc cũng đã thuyết phục tất cả các nước châu Phi ngoại trừ vương quốc nhỏ Eswatini ở miền nam châu Phi chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả