Ngỡ ngàng vì đơn hàng dệt may giảm 30%
Tình trạng khan hiếm đơn hàng đang diễn ra khá phổ biến, ngay tại những doanh nghiệp lớn trong ngành, trái ngược hoàn toàn những kỳ vọng trước đó, theo Tổng thư ký Hiệp hội dệt may ngày 19-7.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may (Vitas) tại buổi họp báo 6 tháng cho rằng, hiện nay tình trạng đơn hàng của các doanh nghiệp không khả quan so với năm 2018. Khan hiếm đơn hàng diễn ra khá phổ biến, ngay cả với doanh nghiệp lớn trong ngành.
“Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018”, ông Cẩm nói.
Đây là hiện tượng khó giải thích bởi nhiều chuyên gia cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ giúp các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang tham gia nhiều thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA), những hiệp định sẽ thúc đẩy ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào các thị trường nội khối.
“Bản thân chúng tôi cũng ngỡ ngàng”, ông Cẩm nói vì thời điểm đầu năm tín hiệu thị trường dệt may rất tốt.
Số liệu của Vitas cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng ước đạt 17,97 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,71%.
Thị trường xuất khẩu vải và may mặc lớn nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm vẫn là Mỹ, đạt 7,22 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,84% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới gần một nửa tổng giá trị hàng may mặc xuất khẩu trong cùng thời kỳ. Tiếp đến là các nước CPTPP, đạt 2,57 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,13%; EU đạt 2,05 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,46%.
Trước diễn biến như vậy, ông Cẩm cho rằng: “Các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỉ đô la Mỹ cả năm 2019”.
Giải thích một cách khá cảm tính về hiện tượng này, ông Cẩm cho hay: “Có thể các đơn hàng chuyển sang thị trường khác có lợi ích cao hơn, trong khi lợi ích từ các thỏa thuận thương mại mà Việt Nam ký mới chỉ ở dạng tiềm năng".
Hiện nay, EVFTA, dù mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, nhưng vẫn ở thì tương lai. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất hàng dệt may sang thị trường EU vẫn bị đánh thuế bình quân khoảng 9,5%. Hơn nữa, EU không phải thị trường mà Việt Nam có thế mạnh khi xếp sau cả Campuchia về kim ngạch xuất khẩu, đạt khoảng 5,2 tỉ đô la Mỹ năm 2018.
“EVFTA có nhiều cơ hội, nhưng chưa có thật, có thể hết năm nay mới có hiệu lực”, ông Cẩm nói. Do đó, trước mắt các đơn hàng chuyển sang thị trường khác có tiềm năng hơn.
Mời đọc thêm:
Dệt may lúng túng trước CPTPP và EVFTA
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận