Nghiên cứu thêm gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà
Thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng và các bộ liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển NƠXH, song, gói này chưa đảm bảo đủ ưu đãi với người mua nhà là người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Liên quan tới việc đề xuất thêm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, với nhiều ưu đãi hơn cho người mua nhà, tại buổi họp báo mới đây, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin, Thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng và các bộ đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội.
Gói này được triển khai trên tinh thần các ngân hàng chủ động cân đối, ngân sách không hỗ trợ nên ưu đãi lãi vay ngắn, 3 năm cho chủ đầu tư, 5 năm cho người mua. Gói này chưa đảm bảo đủ ưu đãi với người mua nhà là người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Vì thế, để tăng ưu đãi Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, trong đó có 15.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ người thu nhập thấp, công nhân mua nhà ở xã hội. Qua đó giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà. Ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng giám đốc G-Home, chuyên gia về nhà ở xã hội phân tích:
"Gói 120.000 tỷ hiện nay chưa đi vào được cuộc sống bởi bản chất chỉ là kêu gọi ngân hàng chứ chưa có nguồn để bù đắp phần lãi suất giảm hơn so với cho vay thương mại của ngân hàng. Hiện gói 30.000 tỷ sẽ rất khả thi. Muốn 1 gói đi vào cuộc sống phải tìm ra được nguồn bù đắp được lãi suất đó. Ví dụ 30.000 tỷ bù đắp 1% thôi thì 1 tháng nó đã là bao nhiêu rồi. Chúng ta có thể thấy đó là 1 con số cũng lớn rồi, vậy cần có nguồn để bù đắp".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ Chính phủ để giúp người thu nhập thấp và công nhân mua nhà ở xã hội là một động thái tích cực nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp.
Phân tích cụ thể hơn về gói này, ông Huy cho biết: "Với 15.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ: Nguồn vốn này có thể mang tính thanh khoản cao nhờ vào đặc tính ổn định và tin cậy của trái phiếu Chính phủ. Trái phiếu Chính phủ thường có sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân do tính an toàn và độ rủi ro thấp. Điều này giúp việc huy động vốn trở nên khả thi hơn. Còn 15.000 tỷ đồng từ trái phiếu chính quyền địa phương: Nguồn vốn này có thể tập trung vào các thành phố lớn và trực thuộc trung ương, nơi nhu cầu về nhà ở xã hội là rất cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Các thành phố này thường có khả năng thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn do quy mô kinh tế và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, sự thành công của việc phát hành trái phiếu phụ thuộc vào sức hấp dẫn của dự án cụ thể và chính sách hỗ trợ từ địa phương".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là giải pháp cần thiết để tăng nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội nhưng cần đảm bảo mức lãi suất cho vay thấp nhằm thu hút người tham gia. Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc xây dựng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mà một nửa là nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ thì lãi suất cho vay của gói này cũng phải phụ thuộc việc phát hành trái phiếu rẻ hay đắt.
Về vấn đề này , ông Thịnh lưu ý: "Để có nguồn vốn này, Nhà nước cũng cần xem xét có lãi suất phù hợp trên cơ sở phát hành trái phiếu cũng như là việc huy động nguồn lực từ các địa phương, đó là lãi suất phải có mức phù hợp với yêu cầu mà huy động được từ các nguồn lực này. Và sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo ra nguồn lực cho vay đối với những người mua nhà ở xã hội cũng có ý nghĩa quan trọng".
Thực tế, theo chuyên gia về nhà ở xã hội Nguyễn Hoàng Nam, vốn là rào cản lớn nhất đối với người thu nhập thấp, công nhân có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà. Do đó, điểm nghẽn này cần được tháo gỡ: "Theo ghi nhận của chúng tôi thì có đến 90% người có nhu cầu tiếp cận nhà ở xã hội đều khó khăn về vốn. Nếu chúng ta có nguồn vốn cho vay lâu dài và ổn định, tôi chưa dám nói cái vốn vay đó sẽ phải rất thấp nhưng nếu nó lâu dài và ổn định thì sẽ khuyến khích cho ngừoi dân sử dụng nhà ở xã hội nhiều hơn".
Bên cạnh đó, để gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này thực sự hỗ trợ được người thu nhập thấp và đạt hiệu quả cao, theo ông Nguyễn Quang Huy, cần chú trọng một số yếu tố như sẵn có dự án nhà ở xã hội để giải ngân, mở rộng tiêu chí lựa chọn khách hàng, hay rút gọn quy trình thẩm định và giải ngân: "Việc giải ngân chỉ có thể thực hiện khi có các dự án NOXH đủ điều kiện bán hàng. Điều này phụ thuộc vào tiến độ hoàn thiện pháp lý của dự án, tiến độ thi công và các tiêu chí khác để đủ điều kiện bán. Tiêu chí lựa chọn người mua nhà ở xã hội cần được mở rộng và linh hoạt hơn để bao phủ nhiều đối tượng hơn.
Quy trình thẩm định khách hàng vay vốn và giải ngân cần được tinh giản và nhanh chóng để phù hợp với tốc độ phát triển của thị trường. Điều này giúp người mua nhà có thể nhận được hỗ trợ tài chính kịp thời, tránh tình trạng trì trệ gây ảnh hưởng đến nhu cầu thực tế".
Có thể nói, gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội là một biện pháp cần thiết và có nhiều tiềm năng nếu được thực hiện đúng cách. Nếu việc thiết kế chính sách hợp lý, nh bạch và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, gói hỗ trợ này có thể giúp người thu nhập thấp và công nhân tiếp cận vốn rẻ, đáp ứng nhu cầu nhà ở, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường nhà ở xã hội tại Việt Nam.
(Theo vovgiaothong.vn)
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận