Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc: Thông tin ngày càng bất cân xứng
Bất cân xứng thông tin về Trung Quốc đang là điều khiến các nhà nghiên cứu chính sách kinh tế đau đầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế của Trung Quốc trong khi những thông tin, số liệu về Trung Quốc luôn được cho là "nhạy cảm".
Bất cân xứng
Báo cáo nghiên cứu: “Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứuKinh tế và Chính sách(VEPR) thực hiện, được công bố hôm 22.7, đáp ứng sự quan tâm của dư luận, nhưng vẫn có "những điểm đọc chưa đã".
Nghiên cứu về một đối tác lớn là cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Thế nhưng, “tiếp cận số liệu về Trung Quốc là rất khó”, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR,cho biết.
Không tiếp cận được số liệu, TS. Thành nói rằng: “Chúng tôi buộc phải đổi hướng nghiên cứu, đi sâu vào hai ngành năng lượng và hạ tầng giao thông, thay vì bốn ngành như dự định ban đầu”.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên VEPR bị cơ quan chức năng từ chối cung cấp số liệu. Năm 2017, khi nghiên cứu sơ bộ về đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, tổ chức này cũng từng bị các cơ quan liên quan khước từ cung cấp số liệu.
“Khi đó, chúng tôi đã liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin số liệu về vốn FDI Trung Quốc tại Việt Nam và số liệu vay ODA, vay thương mại của Trung Quốc, nhưng không được cung cấp. Họ cho đây là những vấn đề nhạy cảm”.
Theo TS. Thành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hàng năm đều có báo cáo Chính phủ về thực trạng thu hút FDI. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phải dựa vào quan hệ cá nhân để có được báo cáo đó. Nó không được cung cấp cho các cơ quan nghiên cứu ngoài ngành.
TS. Thành nói rằng: “Cách các cơ quan quản lý nhà nước lưu giữ số liệu thống kê về Trung Quốc đang khiến cho thông tin ngày càng bất cân xứng và việc tiếp cận số liệu để nghiên cứu ngày càng khó khăn”.
Đi đường vòng
Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt Nam tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2019, với tổng số vốn đầu tư của Hongkong là 5,3 tỷ và Trung Quốc là 2,2 tỷ USD.Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt Nam năm 2017 chỉ 3,7 tỷ USD và năm 2018 là 5,8 tỷ USD.
Sự hiện diện của dòng vốn Trung Quốc tại Việt Nam là rõ ràng. Nhưng, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách(VEPR), PGS.TS Nguyễn Đức Thành, cho rằng, số liệu về vốn từ Trung Quốc “chưa minh bạch”, vốn ODA Trung Quốc là một ví dụ.
Từ thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đến tháng 8.2018, thời điểm xung đột thương mại Mỹ - Trung nổ ra, mới công bố báo cáo trình Thủ tướng về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025, trong đó có cảnh báo về vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc.
Những khó khăn về số liệu, về nguồn lực tài chính đã buộc nhóm nghiên cứu của VEPR phải “đi đường vòng”. Cánh làm này đã cho những kết luận khác với Cục Đầu tư nước ngoài và Tổng cục Thống kê về dữ liệu Trung Quốc.
Theo quan sát của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Kôngchủ yếu đầu tư vào các ngành dệt may, da giày, săm lốp ô tô và luyện kim, điện tử. Điển hình là dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của VEPR lại ghi nhận vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, bao gồm cả Makao và Hongkong, trải rộng trên các lĩnh vực, nhưng tập trung hơn vào năng lượng, chế biến chế tạo và thông qua các hợp đồng tổng thầu EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, theo nghị định 59/2015/NĐ-CP).
Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Một số người cảm nhận rằng đầu tư của Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam để tránh tác động xung đột thương mại Mỹ - Trung là “đáng quan ngại”.
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi: Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam thực sự đáng quan ngại, lý do dẫn đến quan ngại và có tính đến trường hợp nguồn vốn này không đáng phải quang ngại.
Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, những vấn đề dư luận quan ngại không đến từ FDI của Trung Quốc tại Việt Nam mà đến từ những vấn đề ngoài FDI.Nhận định này đồng nhất với những nghiên cứu quốc tế mới đây, khi đánh đồng hai yếu tố này, tạo ra sự nhập nhèm về khái niệm vốn từ Trung Quốc.
Do đó, nghiên cứu của VEPR, trong suốt một năm qua, đã tập trung vào những tác động đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam liên quan đến chính trị - xã hội hơn là khía cạnh kinh tế.
Nghiên cứu ưu tiên những vấn đề dư luận quan tâm nhất: Vốn Trung Quốc gắn với ô nhiễm môi trường, dự án đội vốn và kéo dài, lao động Trung Quốc sẽ ở khắp Việt Nam, lao động Trung Quốc sẽ kết hôn với người bản địa để tạo ra một thế hệ mới…
Thúc đẩy nghiên cứu về đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, Viện trưởng Thành tin rằng, kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp thiết thực cho hoạt động tham vấn chính sách về thu hút FDI Trung Quốc tại Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận