Nghiên cứu kinh tế ban đêm: Việt Nam nên học ai?
Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ, nếu phát triển kinh tế ban đêm khiên cưỡng kiểu phong trào, coi chừng lợi bất cập hại.
Yêu cầu các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm của Trung Quốc đang nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia và dư luận.
Nhiều người rất băn khoăn về chỉ đạo này. Học ai, học như thế nào là chuyện của các doanh nghiệp và các ngành. Chỉ đạo như vậy, khác nào bao cấp tư duy, gây lãng phí như thời bao cấp. Thất bại lại đổ do chỉ đạo.
Là người lăn lộn, xông xáo, nếm mật nằm gai cùng với sự phát triển của du lịch Việt Nam từ những ngày đầu đổi mới, ông Nguyễn Văn Mỹ chỉ ra những lý do Việt Nam nên học ai làm kinh tế ban đêm.
Năm 2017, 1,4 tỷ dân Trung Quốc đón 60,7 triệu khách quốc tế, xếp thứ tư thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp.
Chia theo tỷ lệ dân số thì bình quân 23 người Trung Quốc đón được 1 khách quốc tế. Tỷ lệ này của Việt Nam là 6/1. Điều đáng nói, dù xếp thứ tư thế giới về lượng khách, song về doanh thu, Trung Quốc không có mặt trong top 10 của thế giới.
Trong khi đó, Thái Lan chỉ đón 35,4 triệu khách, đứng thứ 10 thế giới về lượng khách nhưng doanh thu đứng thứ 4 thế giới với 57,5 tỷ USD (sau Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp).
Năm 2018, lượng khách quốc tế đến Thái Lan là 42 triệu khách, nên có khả năng Thái Lan sẽ vượt qua Pháp, đứng thứ 3 thế giới về doanh thu.
"Trung Quốc có nhiều thứ hay nhưng cũng lắm thứ khác người, không khéo ta học phải toàn cái dở. Hơn nữa, trước khi nghĩ đến phát triển kinh tế ban đêm, cần tự hỏi Việt Nam đã có sản phẩm gì để phục vụ khách hàng?
Đừng nghĩ kinh tế ban đêm là du khách sẽ chơi cả đêm. Bây giờ mở các dịch vụ đến 10h đêm chúng ta đã thiếu sản phẩm cho du khách, nếu mở suốt đêm, liệu có sản phẩm đáp ứng nhu cầu?", ông Nguyễn Văn Mỹ đặt câu hỏi.
Vị chuyên gia cho rằng, nếu muốn học hỏi cách làm du lịch, Việt Nam hãy học hỏi ngay Thái Lan cách làm dịch vụ và moi tiền của du khách, học Lào, Campuchia cách làm du lịch đêm.
Tài nguyên du lịch Thái Lan, từ biển đến sông nước, từ hang động đến cao nguyên, từ ẩm thực đến lịch sử đều thua xa Việt Nam nhưng ăn đứt Việt Nam mấy lần cách làm dịch vụ. Bangkok chỉ cách Việt Nam hơn một giờ bay, còn Bắc Kinh phải hơn bốn giờ, chưa kể thời tiết, khí hậu, ẩm thực quá khác biệt.
Tại Campuchia có chợ đêm Siem Reap làm rất tốt. Dân số Siem Reap chưa tới 1 triệu người nhưng chợ đêm có bán kính gần 1km với hàng ngàn gian hàng, bán đủ thứ cho du khách lựa chọn hay có chợ container, chợ cũ rất thú vị. Năm 2018, Campuchia đón 6,2 triệu du khách dù dân số chỉ gần 16 triệu người, trung bình cứ 2,5 người dân đón 1 khách quốc tế.
Lào là một trường hợp thú vị khác. Đó là một quốc gia không có biển, dân số chỉ hơn 7 triệu người, thua xa Việt Nam về chất lượng dịch vụ, giao thông nhưng năm 2018 đón 4,2 triệu du khách.
Từ những ví dụ trên, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, học là cần thiết, nhưng học ai, học cái gì mới là điều quan trọng.
Quay trở lại với du lịch Việt Nam, vị chuyên gia khẳng định không phải cái gì Việt Nam cũng thua thiên hạ. Tại Việt Nam, mạng internet phổ cập và miễn phí toàn quốc. Phương tiện vận chuyển hành khách liên tỉnh, đặc biệt là ở miền Nam rất tốt: xe giường nằm, có dịch vụ đưa đón tận nhà.
Mô hình homestay chuẩn ASEAN được triển khai tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam với nhiều điển hình sáng tạo, gắn với xây dựng nông thôn mới, không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng. Homestay của Thái Lan, Malaysia, Singapore... thua xa homestay Việt Nam.
Dĩ nhiên, ông Mỹ lưu ý đây là những homestay chuẩn ASEAN, không phải các homestay đang lạm phát đại trà tự phát hoặc được tư vấn bởi các “chuyên gia phòng lạnh”.
Theo kế hoạch, từ 6 - 10/1/2020, Đại học Griffth (Úc) và Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) của Liên hợp quốc sẽ cử các nhà học thuật đến khảo sát, thực địa và tọa đàm về mô hình homestay do Công ty Tư vấn – Dịch vụ và Phát triển Du lịch CBT (gọi tắt là CBT) tư vấn, huấn luyện. Sẽ có những điều chỉnh lý luận về homestay của thế giới từ kinh nghiệm thực tiễn Việt Nam.
Từ những thực tế trên, ông Nguyễn Văn Mỹ khẳng định, muốn làm kinh tế ban đêm, trước hết Việt Nam phải làm kinh tế ban ngày cho tốt, phát triển kinh tế ban đêm phải từ từ và làm cho tới, không vội vàng kiểu đi tắt đón đầu, đốt giai đoạn.
"Nếu cứ khuyến khích kinh tế ban đêm, chạy theo thành tích coi chừng lợi bất cập hại. Khi phát triển kinh tế ban đêm, du khách không thuê khách sạn để đi chơi cả đêm, khi ấy không chừng du lịch Việt Nam lại thất thu", ông Nguyễn Văn Mỹ nửa đùa nửa thật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận