Nghịch lý "vô cùng bất thường" của đồng Ruble Nga
Đồng nội tệ của Nga đã được Bloomberg đánh giá là đồng tiền tốt nhất thế giới năm 2022 – mà nguyên dân là do đồng Ruble đứng vững trước sức ép nghẹt thở của phương Tây và đang mạnh lên đáng kể.
Tưởng chừng các lệnh trừng phạt tới tấp của phương Tây sẽ khiến cho đồng Ruble mất giá thảm hại, có thể giảm tới mức 200 Ruble đổi 1 USD như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden, song mọi thứ lại diễn ra ngược lại. Các chuyên gia gọi những gì đang xảy ra là điều “vô cùng bất thường”, nhưng nó đã phát triển như thế nào?
Theo Bloomberg, tính từ đầu năm đến nay, đồng Ruble đã tăng 11% và trở thành đồng tiền dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong số 31 đồng tiền chủ chốt. Và kể từ ngày 10/3 vừa qua, khi tỷ giá với đồng USD và đồng Euro ở mức cao ngất ngưởng, lần lượt đổi được 121,5 và 132,4 Ruble, thì tỷ giá hối đoái này đã giảm mạnh vào ngày 5/5, xuống mức thấp nhất trong hai năm là 65,3 Ruble đổi 1 USD và 69,7 Ruble đổi 1 Euro. Trong 4 ngày giao dịch liên tiếp, đồng Ruble chủ yếu được duy trì ở mức dưới 70 Ruble đổi 1 USD. Tính đến sáng 13/5, đồng Ruble lại tăng mạnh so với đồng USD (lên 62,63 Ruble) và so với đồng Euro (lên tới 64,94 Ruble).
Bloomberg lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đã áp dụng các biện pháp tương tự như Nga song lại không thể đạt được kết quả như vậy: các đồng Lira và Peso giảm giá kỷ lục và không thể phục hồi.
Bí mật những gì đang xảy ra với đồng Ruble là gì? Đó là các can thiệp của Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Liên bang Nga, đã tạo điều kiện cho đồng Ruble mạnh lên. Song điều đó không có nghĩa là tỷ giá hối đoái với đồng Ruble là thực. Tỷ giá hối đoái với đồng Ruble bắt đầu bị gọi là giả tạo sau khi chính phủ buộc các nhà xuất khẩu phải bán 80% nguồn thu ngoại hối của họ trên thị trường và đưa ra quy tắc bán khí đốt cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bằng đồng Ruble. Đầu tiên là 10 doanh nghiệp và sau đó là 20 công ty châu Âu bắt đầu mua khí đốt của Nga bằng đồng Ruble. Cho đến nay, chỉ có 2 nước khước từ thanh toán bằng Ruble là Ba Lan và Bulgaria, vốn không phải là những khách hàng lớn về khí đốt của Nga và hợp đồng với họ đã kết thúc trong năm nay. Điều này cho thấy một lượng lớn ngoại tệ đã được chuyển đổi thành Ruble trên thị trường giao dịch của Nga.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Vladimir Chernov tại ngân hàng Freedom Finance bình luận: “Tỷ giá hối đoái với đồng Ruble, cũng như trước đây, diễn ra trên sàn giao dịch tuân theo mọi quy luật kinh tế, và phụ thuộc vào cung-cầu. Không có gì thay đổi trong vấn đề này, vì vậy tỷ giá vẫn là thực và dựa vào đó đã diễn ra các giao dịch”. Vitaly Manzhos, Giám đốc rủi ro cấp cao của Algo Capital, nhận định: “Tình huống cực kỳ bất thường đã phát triển trên thị trường ngoại hối trong nước. Tỷ giá hối đoái của đồng USD và đồng Euro được hình thành theo quy luật thị trường, nhưng trong môi trường mà nhu cầu ngoại tệ bị hạn chế một cách giả tạo thông qua một số biện pháp hạn chế”. Theo ông, trong bối cảnh đó, một mặt nhu cầu ngoại tệ giảm, mặt khác nhu cầu Ruble lại tăng mạnh giúp cho đồng tiền Nga vững giá. Manzhos lý giải: “Theo nghĩa chung nhất, hồi tháng 3 vừa qua, kế hoạch hình thành tỷ giá đồng Ruble được phát triển trong nhiều năm đã bị bãi bỏ. Trước hết, điều này là do quy tắc ngân sách bị bãi bỏ. Do đó, một lượng lớn người mua ngoại tệ thường xuyên đột ngột rời khỏi thị trường”. Ngoài ra, những người không cư trú cũng bị cấm bán tài sản bằng đồng Ruble và nhu cầu đầu cơ về ngoại tệ bị đóng băng (do mức chiết khấu 12% khi mua ngoại tệ). Một yếu tố quan trọng là do việc giảm mạnh nhập khẩu từ EU và Mỹ, khiến nhu cầu USD và Euro một lần nữa giảm mạnh. Ít người cần chúng, vì không có gì để mua. Theo Manzhos, “ở đây không chỉ có sự chậm trễ tạm thời về hậu cần mà còn là việc sức mua trong nước giảm. Ngoài ra, vào thời điểm đồng Ruble suy yếu, một phần hàng đã được mua và nhập khẩu với giá cao. Giờ chúng ta có một kho các mặt hàng được định giá quá cao và không bán chạy. Nhưng để đưa những lô hàng mới giá rẻ hơn vào, cần phải bán kho hàng cũ”.
Mặt khác, nhu cầu đối với đồng Ruble tăng do nhu cầu bán thu nhập ngoại hối của các nhà xuất khẩu, việc chuyển đổi thanh toán bằng khí đốt thành đồng Ruble và một số biện pháp khác. Chuyên gia Chernov cho biết: “Vì Nga có kế hoạch chuyển sang thành toán bằng đồng nội tệ với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Iran và các nước trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), nên đồng Ruble sẽ tiếp tục còn cần tới với khối lượng lớn”. Cuối cùng, đồng Ruble càng mạnh hơn thì tỷ lệ lạm phát càng giảm. Mức tăng giá hàng tuần đã giảm xuống 0,1%, gần với tỷ lệ mục tiêu lạm phát tuần của Ngân hàng Trung ương Nga. Chuyên gia Chernov nói thêm: “Ở Nga, lạm phát giảm chủ yếu chịu ảnh hưởng của việc Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất chủ chốt lên 20%. Sau khi giá tất cả các khoản vay tăng lên, lạm phát bắt đầu giảm, điều này phần nào cũng nâng đỡ đồng Ruble”.
Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đã không thành công trong việc ổn định các đồng nội tệ của mình, mặc dù chính phủ các nước này cũng hạn chế việc di chuyển vốn. “Tuy nhiên, họ đã không sắp xếp việc bán ngoại tệ như vậy trên sàn giao dịch, như các nhà xuất khẩu của chúng ta đang làm hiện nay”, chuyên gia Chernov lý giải. Nhưng nhìn chung, bản chất cuộc khủng hoảng ở hai nước này rất khác so với những gì đang diễn ra ở Nga. “So sánh trực tiếp động lực của đồng Ruble Nga, Lira của Thổ Nhĩ Kỳ và Peso của Argentina (như Bloomberg đã làm) là không chính xác. Sự suy yếu của đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina trong những năm gần đây hoàn toàn là do các vấn đề kinh tế của họ. Họ không phải chịu các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài, và họ cũng không áp đặt các biện pháp trừng phạt ngược lại. Ở Nga, động cơ chính khiến đồng Ruble giảm giá mạnh là do địa chính trị chứ không phải do tình hình kinh tế nước này xấu đi”, ông Manzhos nhận xét.
Điều gì xảy ra tiếp theo với đồng Ruble? Manzhos nói rằng tỷ giá hối đoái với đồng Ruble trong những tháng tới là không thể dự đoán, vì nó chỉ phụ thuộc một phần vào các yếu tố kinh tế và phụ thuộc nhiều hơn vào các quyết định của cơ quan quản lý, điều này không thể đoán trước được. Vì vậy các chuyên gia giờ đây sẽ dự đoán tỷ giá hối đoái của đồng Ruble như thế nào là hợp lý với nền kinh tế và ngân sách, bởi về lý thuyết, Ngân hàng Trung ương Nga cần nỗ lực đạt được điều đó. Theo ông Chernov, chừng nào quy định buộc bán 80% nguồn thu ngoại tệ có hiệu lực, đồng Ruble sẽ tiếp tục mạnh lên. Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo điều chỉnh quy định này xuống mức 50% nguồn thu ngoại hối.
Ngân sách của Nga năm 2022 dựa trên tỷ giá hối đoái 72,1 Ruble/USD và giá dầu Urals ở mức 44,2 USD/thùng, tức là ngân sách cần phải nhận được 3.186 Ruble cho mỗi thùng dầu. “Với giá thành hiện nay của Urals là 78,71 USD/thùng, ngân sách của chúng ta có thể chấp nhận tỷ giá hối đoái với đồng USD là 40 Ruble. Tuy nhiên, dầu của Nga hiện đang được bán với mức chiết khấu lớn, khoảng 30-35 USD, có nghĩa là tỷ giá hối đoái với đồng USD ở mức 66-74 Ruble như hiện này là phù hợp để lấp đầy ngân sách theo kế hoạch”, ông Chernov phân tích.
Do đó, dự báo của ông cho những tháng tới với tỷ giá hối đoái đồng Ruble nằm trong khoảng 65-75 Ruble. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng nếu dầu mỏ tăng giá, điều có thể xảy ra trong vài ngày tới sau lệnh cấm vận xuất khẩu các sản phẩm dầu của Nga sang các nước EU, tỷ giá hối đoái của đồng USD thấp hơn sẽ phù hợp đối với Nga. “Ví dụ, với giá dầu Brent tăng lên mức 120 USD/thùng, việc lấp đầy ngân sách theo kế hoạch của Nga sẽ được đảm bảo với tỷ giá với đồng USD ở mức 53-57 Ruble. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, sau đó Ngân hàng Trung ương Nga sẽ hủy bỏ quy định bán nguồn thu ngoại hối của các nhà xuất khẩu để đảm bảo thu vượt ngân sách ở mức với tỷ giá với USD là 65-74 Ruble”, ông kết luận./
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận