Nghịch lý tăng giá bốc dỡ container tại cảng: Lợi bất cấp hại!
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nói chung, nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển thời điểm này là chưa phù hợp.
Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) mới đây có có công văn gửi đếnThủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực các cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) tăng 10% mỗi năm trong 3 năm liên tục từ ngày 1/7/2021; các cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải tăng ít nhất 20% so với mức tối thiểu đã được quy định tại Thông tư 54 từ ngày 1/7/2021 và lộ trình tăng 10% cho 3 năm sau đến 2023.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nói chung, nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ cảng biển thời điểm này là chưa phù hợp. Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container phải bảo đảm chi phí logistics không gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về ổn định mức giá dịch vụ trong giai đoạn hiện nay.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, Hiệp hội có hai đối tượng bị tác động bởi đề xuất này nếu được thông qua. Theo đó, các doanh nghiệp cảng biển sẽ được tăng nguồn thu, tái đầu tư cho hạ tầng.
Tuy nhiên, phần lớn hơn là các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ gồm doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ đối mặt nguy cơ bị các hãng tàu tăng phụ phí THC. Đây là loại phí làm hàng tại cảng được các hãng tàu căn cứ giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng.
Trên thực tế, các hãng tàu nước ngoài đang thu từ khách hàng xuất nhập khẩu Việt Nam nhiều khoản phụ thu, trong đó giá THC rất cao, là 114-173 USD/container (tùy 20 feet hay 40 feet), ngang bằng các nước trong khu vực.
Đặc biệt, theo các doanh nghiệp và chuyên gia, việc tăng phí trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề tới các doanh nghiệp là không phù hợp. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động nặng nề đến cả nền kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ban ngành tập trung ổn định mức giá dịch vụ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 11/CT-TTg.
Đồng quan điểm, khi có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam về đề xuất của VISABA, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã cho rằng, hiện tại để hỗ trợ các doanh nghiệp đang chịu tác động bởi dịch bệnh, theo chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, không tăng các loại giá, phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cũng chỉ rõ, vấn đề cốt lõi phải thẳng thắn nhìn nhận hiện nay là các cảng đang tập trung cạnh tranh vào giá thay vì chất lượng dịch vụ, đây là quan điểm sai lầm. Do đó, thay vì yêu cầu tăng giá sàn giá bốc dỡ container thì các cảng hoàn toàn có thể tự tăng giá nếu đảm bảo được chất lượng dịch vụ tốt hơn như giải phóng hàng hoá nhanh hơn…
Trên thực tế, theo Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT, các doanh nghiệp cảng biển hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cao hơn mức giá tối thiểu mà không cần điều chỉnh Thông tư 54. Cụ thể, khung giá quy định khu vực I cho phép thu từ 33-53 USD/cont 20’, khu vực Cái Mép và Lạch Huyện là 52-60 USD/cont 20’. Nhưng trên thực tế hiện nay, các cảng biển Việt Nam hiện nay đều đang áp dụng mức giá bằng giá tối thiểu.
Ở diễn biến khác, trong khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề vì đứt gãy chuỗi cung ứng thì nhiều doanh nghiệp cảng vẫn có lãi. Mới đây nhất, quý I/2021, Cảng Hải Phòng ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 173 tỷ đồng, Cảng Đà Nẵng và Cảng Quy Nhơn cũng ghi nhận lợi nhuận tăng lần lượt từ 7% và 27% nhờ doanh thu từ khai thác cảng cải thiện trong những tháng đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận