Nghịch lý nhà ở công nhân không dành cho công nhân
Được quy hoạch phát triển dự án dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhưng đối tượng bán chính của các chủ đầu tư lại là những khách hàng nhà giàu, mua nhà, đất để đầu tư lướt sóng kiếm lời. Đó là thực trạng diễn ra tại nhiều dự án ở khu vực phía Nam.
Chuyện nhà công nhân giá rẻ
Ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Thành phố mới chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 15.000 người. Do đó, phần lớn các công nhân đều phải tự tìm thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở. Tuy nhiên, hầu hết các khu nhà trọ tự phát đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho công nhân.
Đặc biệt, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM đưa ra một ví dụ cụ thể của việc thiếu nghiêm trọng nhà ở cho công nhân đó là tại Công ty Pouyen (quận Bình Tân), có tới 70.000 lao động, nhưng không có bất cứ khu nhà ở dành cho người lao động nào được đầu tư.
Không chỉ ở TP.HCM, ngay như các tỉnh lân cận có mật độ khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng thiếu nghiêm trọng nhà ở cho công nhân.
Ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Trưởng phòng Đầu tư, Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An cho biết, trên địa bàn tỉnh Long An có tới 31 khu công nghiệp và một khu kinh tế. Tuy nhiên, hiện chỉ có 4 nhà lưu trú công nhân, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6.000 lao động. Ông Tình cũng nêu thêm thực trạng nhiều khu công nghiệp được quy hoạch từ 13 - 14 năm nay nhưng không thu hút được nhà đầu tư do không dành quỹ đất để đầu tư khu nhà ở cho người lao động.
Chẳng hạn, Khu công nghiệp Đức Hoà 3 rộng 1.800 ha nhưng không quy hoạch khu dân cư hoặc khu nhà ở nào cho công nhân, người lao động hay chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các nhà máy nên mấy năm nay gần như không thu hút được đầu tư.
Trong khi đó, tỉnh Long An nhiều năm qua có kế hoạch cụ thể về việc xây khu công nghiệp sẽ có thêm khu đất rộng nhiều ha tùy vào lượng công nhân và diện tích khu công nghiệp để xây nhà ở cho công nhân ngay cạnh khu công nghiệp. Đơn cử, Khu công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước thì có Khu nhà ở tái định cư Cầu Tràm, Khu công nghiệp Nhật Chánh có hơn 30 ha đất làm nhà ở tái định cư ngay tại khu cổng công nghiệp, Khu công nghiệp Đức Hòa 3 cũng có lượng lớn đất dành cho việc xây nhà cho công nhân.
Nhà cho công nhân nghèo hay nhà đầu tư?
Điều đáng chú ý là hiện nay nhiều dự án bất động sản về danh nghĩa đều hướng tới người lao động tại các khu công nghiệp, nhưng lại đang được các chủ đầu tư phát triển thành dự án bất động sản thương mại để bán cho chủ yếu cho các nhà đầu tư.
Đơn cử như ở dự án Khu dân cư Cầu Tràm nằm trong Khu công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước, tỉnh Long An do Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ xây dựng và Xuất nhập khẩu Trung Thành làm chủ đầu tư với gần 800 nền đất và 250 căn nhà chung cư giá rẻ. Mục đích tỉnh Long An cấp phép dự án này là nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Cầu Tràm, thế nhưng tới năm 2018 doanh nghiệp chủ đầu tư đã tiến hành bán dự án này theo hình thức dự án thương mại, giá bán từ 1,4 - 1,6 tỷ đồng/nền đất, biệt thự…
Đối tượng chào bán chính là nhà đầu tư thứ cấp, mua nhiều nền cùng một lúc sẽ được chiết khấu giảm giá và cam kết đầu tư có lời.
“Khu này nhiều công nhân, nếu anh mua đầu tư xây nhà cho công nhân thuê sẽ lời nhiều”, Hưng, một nhân viên môi giới của Công ty cổ phần Bất động sản BNC (Công ty BNC) là đơn vị phát triển dự án chào mời phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản mua đất dự án này.
Hay như tại dự án Khu nhà tái định cư khu công nghiệp Nhật Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án này được chia cho hai chủ đầu tư. Thứ nhất là Công ty cổ phần Thanh Yến mở bán từ năm 2014 tới nay với giá trên 14 triệu đồng/m2. Hiện phân khu này đã được bán hết nhưng 70% không có người ở, khách hàng chủ yếu vẫn chỉ là nhà đầu tư mua đi bán lại kiếm lời.
Còn hơn 14 ha đất tái định cư còn lại do Công ty cổ phần Liên Minh làm chủ đầu tư. Quỹ đất này hiện đang được Công ty Liên Minh chào bán lại để doanh nghiệp phát triển theo hình thức dự án thương mại mà không xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, dù nó đã hình thành từ năm 2007 tới nay.
Một trường hợp khác là dự án tái định cư cho công nhân Khu công nghiệp Đức Hòa 3. Cụ thể, theo quyết định phê duyệt năm 2008 của UBND tỉnh Long An, Khu công nghiệp Đức Hòa 3 - Việt Hóa do Công ty TNHH một thành viên Phát triển kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Phú Mỹ Vinh làm chủ đầu tư có diện tích khoảng 83,2 ha.
Trong đó, cơ cấu phân khu dành cho chức năng ở gần 6 ha, bao gồm đất biệt thự cho chuyên gia là 3,4 ha và đất nhà ở cho công nhân 2,56 ha. Tháng 3/2018, UBND tỉnh Long An có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở chuyên gia Khu công nghiệp Đức Hòa 3 - Việt Hóa phục vụ cho chuyên gia làm việc trong khu công nghiệp này và các khu lân cận.
Tuy nhiên, thực tế hiện phần đất trên của dự án này được phân lô, bán đại trà cho người đầu tư với tên thương mại Vista Land.
Bà Thúy, một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp tại TP.HCM kể cho phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản rằng, năm 2016 bà mua 5 căn hộ chung cư giá rẻ cho công nhân tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với giá 198 triệu đồng/căn 30 m2. Cuối năm 2018 dự án được chủ đầu tư giao nhà cho khách hàng và khi đó bà bán lại cho công nhân ở thực với giá hơn 300 triệu đồng/căn.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding, khá phổ biến hiện tượng chủ đầu tư thông báo phát triển nhà ở cho công nhân, nhưng thực tế thì hầu như khách hàng chính là nhà đầu tư thứ cấp mua để bán lại. Điều này dễ nhìn thấy ở việc khi tới các dự án nhà ở công nhân thì lượng công nhân ở là rất ít, đất để trống cho cỏ mọc là chính.
“Danh nghĩa là bán cho công nhân, nhưng khi mở bán thì đối tượng để chủ đầu tư quảng cáo và nhân viên môi giới nhắm tới bán hàng cho nhà đầu tư thứ cấp. Chứ đa số công nhân, người lao động lấy đâu ra ngay lập tức hơn 1 tỷ đồng để mua nhà ở”, ông Hậu nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận