24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quyền Nguyễn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nghịch lý: Gạo Việt thắng đậm nhưng đại gia ngành gạo kém vui

Gạo Việt được mùa, được giá và xuất khẩu thuận lợi nhưng nhiều đại gia trong ngành gạo lại có hiệu suất kinh doanh không khả quan.

Không liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu, nhiều công ty gạo rơi vào tình trạng càng bán nhiều càng lỗ.

Doanh thu ngàn tỉ, lợi nhuận lượm bạc cắc

Ngành gạo Việt đã có một năm đầy khởi sắc với cả sản lượng lẫn giá cả. Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam (VN) xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, mang về 4,4 tỉ USD, tăng 16% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, giá gạo VN tăng mạnh so với các năm trước, bình quân đạt trên 600 USD/tấn và cao hơn giá gạo Thái Lan, thậm chí có lúc gạo 5% tấm của VN tăng đỉnh điểm lên 680 USD/tấn. Trong khi đó, trước đây gạo Việt chỉ bán ra thị trường thế giới quanh mức 450 USD/tấn.

Gạo VN thắng lớn chủ yếu nhờ vào Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung và kiểm soát giá lương thực trong nước. Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh xuất khẩu tươi sáng, nhiều công ty xuất khẩu gạo vẫn nhìn thấy hiệu quả kinh doanh không đồng điệu, thậm chí lỗ.

Ông lớn trong ngành xuất khẩu gạo là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) có doanh thu lên đến 7.300 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt 22 tỉ đồng trong quý III-2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của công ty trong ba quý đầu năm, khi quý I lỗ đến hơn 7 tỉ đồng, còn quý II chỉ lãi với con số khiêm tốn 682 triệu đồng.

Nguyên nhân kinh doanh gạo không lãi nhiều, thậm chí có thời điểm lỗ do công ty phải trích lập dự phòng nợ xấu lên đến con số hơn 1.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt từ 2.500 tỉ đồng trong chín tháng năm ngoái lên hơn 11.000 tỉ đồng trong chín tháng năm nay đã ăn mòn lợi nhuận của công ty.

Cùng chung tình cảnh, với doanh số hàng trăm tỉ đồng một quý nhưng Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) chỉ có khoản lãi rất mỏng 2,9 tỉ đồng trong quý III-2023, còn hai quý trước đó ghi nhận lỗ đến hơn 50 tỉ đồng. Hay Công ty Lương thực TP.HCM (FCS) có doanh thu cả trăm tỉ đồng mỗi quý nhưng lãi rất mỏng, chỉ vài trăm triệu đồng. Trong giải trình gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ban lãnh đạo FCS cho biết tình hình tài chính rất khó khăn, vốn lưu động luôn âm đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Nhưng có lẽ gây bất ngờ lớn nhất chính là Tập đoàn Lộc Trời với khoản lỗ lên đến hơn 300 tỉ đồng trong quý III-2023. Trước đó, trong quý I, công ty này cũng lỗ 80 tỉ đồng.

Cục Trồng trọt cho biết trong tháng 1-2024 sẽ có trên 1 triệu tấn thóc thu hoạch để đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp và an ninh lương thực.

Điều đáng lưu ý là lũy kế chín tháng đầu năm, trong tổng doanh thu thì Tập đoàn Lộc Trời bán gạo chiếm tỉ lệ rất lớn lên đến 7.500 tỉ đồng nhưng giá vốn hàng bán đã lên đến gần 7.300 tỉ đồng. Như vậy, dù lãi 200 tỉ đồng nhưng nếu tính chi phí hoạt động thì khoản lợi nhuận sẽ rất thấp. Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết chính chi phí lãi vay và lỗ tỉ giá đã khiến công ty thua lỗ lớn trong quý III vừa qua.

Tuy nhiên, cũng có một số công ty gạo ăn nên làm ra. Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) cho biết nhờ xây dựng được vùng lúa nguyên liệu thông qua liên kết với nông dân nên lãi gần 12 tỉ đồng trong quý III-2023, tăng rất mạnh so với cùng kỳ chỉ đạt 832 triệu đồng. Nhưng nếu xét doanh thu gần 1.000 tỉ đồng trong quý này thì biên lợi nhuận của công ty không quá cao.

Ăn đong sẽ khó bền vững

Theo các chuyên gia, việc thiếu liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, cũng như giá gạo bất ngờ tăng mạnh là nguyên nhân đẩy nhiều công ty vào tình thế bất lợi. Không chỉ vậy, nhiều công ty gạo có hiệu quả kinh doanh thấp còn do họ ký hợp đồng sớm với giá chốt cứng, sau đó mới đi gom hàng từ nông dân. Nhưng khi giá gạo thế giới bất ngờ tăng mạnh đã đẩy giá gạo nội địa tăng theo. Lúc này, các công ty đi mua gạo từ nông dân cao hơn cả giá đã ký hợp đồng trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp càng bán càng lỗ.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, năm nay giá gạo Việt bất ngờ tăng khoảng 200 USD so với các năm trước đó. Cứ tưởng giá gạo xuất khẩu cao sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp nhưng có khi lại không thuận lợi. Nhiều công ty hiện không dám xuất khẩu tiếp vì đã vào cuối mùa thu hoạch và giá gạo trong nước cũng cao. Còn nếu tiếp tục mua từ nông dân để xuất khẩu thì lo ngại chưa chắc đủ để trả lãi vay ngân hàng.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, cũng nhìn nhận việc các công ty gạo lỗ hay lãi là vấn đề thị trường. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng năm nay biến động giá gạo rất nhanh đã tác động đến những đơn vị ký hợp đồng sớm với giá thấp. Đơn vị nào có liên kết với nông dân trong việc sản xuất lúa gạo thì đảm bảo được nguồn cung và có giá thu mua gạo ổn định để xuất khẩu có lãi. Ngược lại, công ty nào không có sẵn hàng tồn, không có liên kết với nông dân, kinh doanh theo kiểu ăn đong, ký hợp đồng trước rồi mới đi gom gạo sẽ bị thiệt hại.

“Để có hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi, đánh giá, phân tích tình hình, thời điểm ký hợp đồng và xác định giá thế giới cũng như nguồn cung trong nước trước khi ký hợp đồng. Qua đó, tránh bị động vì giá gạo tăng quá nhanh như năm 2023” - ông Cường khuyến nghị.

Ở góc độ nhà kinh doanh, ông Lê Tiến Thịnh, Chủ tịch Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, cho biết để có sự tăng trưởng kinh doanh, công ty sẽ đẩy mạnh giao dịch gạo chất lượng cao, nguồn cung - cầu ổn định vào các thị trường trọng điểm. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho hay sẽ tiếp tục mở rộng vùng liên kết lúa gạo với nông dân nhằm đảm bảo các chủ thể trong chuỗi cung ứng đều thu được lợi nhuận trước bối cảnh giá gạo thế giới tăng mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
15.17 +0.05 (+0.33%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả