Nghịch lý cho vay tăng cao, huy động đạt thấp do vốn nhàn rỗi nói lời "chia tay" ngân hàng ?
Nhiều ngân hàng đang tiến hành hạ lãi suất cho vay khiến mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, lãi suất vay mượn vốn giữa các ngân hàng tăng nhẹ, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng lên.
Dữ liệu thống kê thị trường được chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố hôm nay (13.4) cho thấy, lãi suất trên thị trường vay mượn vốn giữa các ngân hàng trong tuần qua đồng loạt tăng nhẹ trở lại ở hàng loạt kỳ hạn.
Trong đó lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đều có mức tăng lần lượt là 0,05%, 0,05% và 0,04% lên mức 0,3%, 0,4% và 0,47%/năm.
Trong khi đó Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính tới hết quý I/2021, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,93%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,31% cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng tín dụng trong quý I cũng cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình 2,78% trong quý I của 7 năm trở lại đây, kể từ năm 2015 tới nay.
Ngược lại, tăng trưởng huy động vốn tính tới ngày 19.3.2021 mới chỉ đạt 0,54%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức trung bình 2,28% trong quý I của 7 năm trở lại đây.
"Tín hiệu này cho thấy nếu dư nợ tín dụng và huy động vốn duy trì mức tăng trưởng như hiện tại, nhiều khả năng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ không còn quá dư thừa trong năm 2021 như năm trước đó" - BVSC đánh giá.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho hay, nguồn vốn lại đổ rất mạnh vào các lĩnh vực đầu tư khác như bảo hiểm, đầu tư trái phiếu và đầu tư cổ phiếu.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng tới 11%, đặc biệt tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt tới gần 55.600 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỉ đồng/phiên, tương đương mức tăng tới 155% so với bình quân năm trước.
Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp được đánh giá là nguyên nhân khiến dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác ngoài kênh tiền gửi ngân hàng như bất động sản hay chứng khoán.
Ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng nguyên nhân sốt đất thời gian qua cũng một phần là do người dân có dòng tiền nhàn rỗi và kỳ vọng về giá bất động sản tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục tích cực.
Biểu lãi suất huy động tiền đồng (VND) tại các ngân hàng hiện nay cho thấy, lãi suất tiết kiệm VND đối với kỳ hạn dưới 6 tháng được áp dụng 3-4%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 3,5-5,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến 4,6-6%/năm.
Theo đó, dù một số ngân hàng thương mại gần đây có điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,1-0,4%/năm, mặt bằng lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2021 vẫn thấp hơn khoảng 2%/năm so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh kênh đầu tư chứng khoán, thực tế theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 3.2021, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng đạt mức tăng khoảng 2,13%, tức là cao hơn đáng kể tốc độ tăng tín dụng hiện nay (2,04%).
Đây là con số gây nhiều bất ngờ bởi bất động sản là lĩnh vực cho vay được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát gắt gao. Đặc biệt đối với các đối tượng kinh doanh bất động sản và đầu cơ bất động sản, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ và hạn chế, kể cả có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 19/3, tăng trưởng tín dụng là 1,47% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 0,54% của tiền gửi. Như vậy, các ngân hàng thương mại có thể chủ động giảm huy động để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay để đảm bảo mức sinh lời.
Còn theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất tiền gửi đã giảm 2-2,5 điểm % trong năm 2020 song lãi suất cho vay chỉ giảm 1-1,5 điểm %. Việc này khiến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%.
SSI cho rằng, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng thương mại sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3,5%.
“Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý II/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 30-50 điểm % trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định”, SSI nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận