24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nghĩa vụ của con gái cố Chủ tịch Trần Bắc Hà trong phiên toà phúc thẩm vụ án BIDV

Sáng 28/6, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Đây là vụ án liên quan đến cố Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV- Trần Bắc Hà. 

HĐXX phúc thẩm gồm ba thẩm phán do Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn - Chánh toà Toà kinh tế (TAND cấp cao tại Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử. Có 7 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo cùng các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án này.

Ba bị cáo có đơn kháng cáo gồm: Đinh Văn Dũng, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (viết tắt là Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng, cựu Giám đốc TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng (viết tắt là Công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn, cựu Giám đốc Công ty Hà Nam, thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng. Trong đơn kháng cáo, bị cáo Đinh Văn Dũng đã kêu oan. Hai bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Đoàn Hồng Dũng bị tuyên phạt 18 năm tù, bị cáo Đinh Văn Dũng bị tuyên phạt 12 năm tù và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn bị tuyên phạt 3 năm tù cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Bản án sơ thẩm xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV-Chi nhánh Hà Tĩnh, BIDV- Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền 1.664 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Bình Hà gây thiệt hại 799 tỷ đồng, Công ty Trung Dũng gây thiệt hại 865 tỷ đồng cho BIDV. Bản án sơ thẩm xác định, ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra sai phạm dẫn đến hậu quả mất vốn của BIDV. Ba bị cáo Đoàn Hồng Dũng, Đinh Văn Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn là những người trong công ty vay vốn, nhưng cố ý lợi dụng sơ hở của BIDV để sử dụng tiền vay sai mục đích, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ngoài các bị cáo kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà) cũng có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, sau thời gian bị bệnh nan y, bà Ngô Kim Lan qua đời vào tháng 4.

Quá trình xét xử phúc thẩm, HĐXX xác định, chị Trần Lan Phương (con ruột bà Ngô Kim Lan và ông Trần Bắc Hà) là người thừa kế quyền và nghĩa vụ kháng cáo của mẹ. Đối với các tài sản đã kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà và có liên quan đến quyền lợi của ông Trần Bắc Hà, Toà án cấp sơ thẩm quyết định tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch. Điều này nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ hoàn trả nợ của Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng đối với BIDV.

Do ông Trần Bắc Hà đã mất nên các nghĩa vụ về tài sản của ông Trần Bắc Hà được thực hiện theo quy định của Điều 615 Bộ Luật dân sự. Nghĩa vụ hoàn trả nợ giữa Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng với những người thừa kế của ông Trần Bắc Hà được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Đối với các tài sản có liên quan đến bà Ngô Kim Lan, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch một số tài sản đứng tên ông Trần Bắc Hà và bà Ngô Kim Lan. Một số tài sản khác đứng tên bà Ngô Kim Lan, bản án sơ thẩm xác định, trong giai đoạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, bà Ngô Kim Lan và các luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà có yêu cầu đề nghị giải tỏa tài sản kê biên, phong tỏa đứng tên bà.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy, bà Ngô Kim Lan và ông Trần Bắc Hà là vợ chồng, các tài sản đứng tên bà Ngô Kim Lan bị kê biên, phong tỏa đều là các tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân và ông Trần Bắc Hà có quyền lợi liên quan đến các tài sản trên. Vì thế, Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận các yêu cầu của bà Ngô Kim Lan và các luật sư bảo vệ quyền lợi của bà, quyết định tiếp tục kê biên, phong tỏa các tài sản đó để đảm bảo thi hành án.

Đối với chị Trần Lan Phương, bản án sơ thẩm khẳng định, quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã ngăn chặn giao dịch liên quan đến hơn 1,6 tỷ đồng và 95.206 USD số dư trên tài khoản của chị Trần Lan Phương. Tài liệu điều tra cho thấy, chưa có cơ sở khẳng định các tài sản trên có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của ông Trần Bắc Hà và Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà đang bỏ trốn).

Toà án cấp sơ thẩm cho rằng, cần giải tỏa việc phong tỏa các tài sản trên để đảm bảo quyền lợi cho chị Trần Lan Phương. Bất động sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, đứng sở hữu bà Ngô Kim Lan bị kê biên gồm: Bất động sản tại số 60A Bà Huyện Thanh Quan, TP Hồ Chí Minh và bất động sản tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn kê biên 5 bất động sản khác đứng tên đồng sở hữu ông Trần Bắc Hà và bà Ngô Kim Lan.

Phiên toà xét xử vụ án này dự kiến diễn ra trong ba ngày, từ 28/6 đến 30/6.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả