Nghị sĩ Nga đề xuất tập kích căn cứ Mỹ ở châu Âu
Thượng nghị sĩ Klintsevich nói Nga nên phá hủy căn cứ Mỹ sau khi nước này thông báo chuyển cho Ukraine pháo phản lực HIMARS.
Trong video trích từ chương trình truyền hình của Nga đăng trên mạng xã hội ngày 2/6, thượng nghị sĩ Frant Klintsevich nói "đã tới lúc chúng ta cần có động thái cảnh báo họ về việc chuyển giao những hệ thống như vậy", đề cập tới Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS) mà Mỹ thông báo sẽ chuyển cho Ukraine.
Theo thượng nghị sĩ Klintsevich, Nga cần sử dụng vũ khí tầm xa chính xác cao tập kích những nơi bốc dỡ các lô hàng vũ khí để cảnh cáo. "Đã tới lúc phá hủy các căn cứ của Mỹ tại châu Âu", ông Klintsevich nói. "Đó là ý kiến cá nhân của tôi. Nga cần làm như vậy nếu không ai lắng nghe chúng ta và người dân Nga bị đe dọa trên lãnh thổ của mình".
Ông Klintsevich nói Liên Xô từng bắn rơi tới 1.270 máy bay Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, dù giữa hai nước khi đó không xảy ra chiến tranh. Thượng nghị sĩ Nga cũng khẳng định dù Liên Xô đã bắn rơi máy bay Mỹ, "thế giới khi đó không tới hồi kết".
Ông Klintsevich nói tuyên bố của Ukraine rằng chỉ sử dụng tổ hợp HIMARS để phòng thủ là vô nghĩa. "Không thể đàm phán với Mỹ và Ukraine trong điều kiện này", ông Klintsevich cho biết.
"Chúng ta đang nói chuyện với vị thế khoan dung và đưa ra các tín hiệu khi cảnh báo không thể vượt qua lằn ranh đỏ. Thật không may, họ coi sự khoan dung và chính trực của chúng ta là điểm yếu".
Bình luận được thượng nghị sĩ Ramstein đưa ra sau khi Mỹ thông báo sẽ chuyển cho Ukraine pháo phản lực HIMARS với tầm bắn khoảng 80 km. HIMARS được đánh giá là vũ khí quan trọng mà Ukraine yêu cầu Mỹ viện trợ để ngăn Nga tiến quân ở các mặt trận vùng Donbass.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 2/6 cho biết Kiev đã đảm bảo với họ rằng sẽ không sử dụng HIMARS để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nhằm tránh leo thang căng thẳng.
Trong khi đó, Nga nhiều lần cảnh báo động thái tiếp thêm vũ khí cho Ukraine của Mỹ và phương Tây sẽ chỉ làm kéo dài xung đột, đồng thời tuyên bố nhắm mục tiêu các lô vũ khí này khi chúng tới lãnh thổ Ukraine.
Mỹ duy trì lượng đáng kể căn cứ ở châu Âu, trong đó có 119 căn cứ ở Đức tính đến năm 2021. Căn cứ rộng nhất của Mỹ tại Đức là căn cứ không quân Ramstein với diện tích 12 km2.
Nhiều quốc gia tại châu Âu mà Mỹ đặt căn cứ là thành viên liên minh quân sự NATO. Nếu Nga tập kích các căn cứ Mỹ tại châu Âu, điều đó có thể kích hoạt điều khoản phòng vệ lẫn nhau của NATO.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận