Nghị quyết về bồi thường thiệt hại cho Ukraine vấp phải phản đối từ dư luận Nga
Nga phản đối việc thông qua văn kiện, coi đây là "một nỗ lực vô hiệu để hợp pháp hóa những gì không được hợp pháp hóa theo quan điểm của luật pháp quốc tế”.
Ngày 14/11, tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về Ukraine, các đại biểu tham dự đã thông qua nghị quyết về cơ chế bồi thường thiệt hại do Nga gây ra cho Ukraine, 94 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ văn kiện, 14 quốc gia bỏ phiếu chống, 73 quốc gia bỏ phiếu trắng. Dư luận Nga phản đối việc này.
Cuộc họp do Canada, Guatemala, Hà Lan và Ukraine khởi xướng. Theo dữ liệu cuối cùng, ngoài Nga, Bahamas, Belarus, Zimbabwe, Iran, Triều Tiên, Trung Quốc, Cuba, Mali, Nicaragua, Syria, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea và Ethiopia đều phản đối nghị quyết này. Trong số những quốc gia bỏ phiếu trắng bao gồm Ấn Độ, Indonesia, UAE, Saudi Arabia, Serbia và Nam Phi.
Trong tài liệu nêu rõ, “Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thừa nhận sự cần thiết phải tạo ra, một cơ chế quốc tế để bồi thường thiệt hại, mất mát hoặc tổn hại do các hành động bất hợp pháp của Liên bang Nga đối với Ukraine theo quan điểm của luật pháp quốc tế. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khuyến nghị rằng các quốc gia thành viên, với sự hợp tác của Ukraine, tạo ra một sổ đăng ký quốc tế về thiệt hại, sẽ là bằng chứng được lập thành văn bản về những thiệt hại, tổn thất và thương tích đã được tuyên bố, phát sinh do các hành động bất hợp pháp quốc tế của Liên bang Nga ở Ukraine hoặc chống lại nước này, cũng như để thúc đẩy và phối hợp thu thập dữ liệu”.
Moscow phản đối việc thông qua văn kiện, coi đây là "một nỗ lực vô hiệu để hợp pháp hóa những gì không được hợp pháp hóa theo quan điểm của luật pháp quốc tế”. Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nhấn mạnh rằng, các nước phương Tây đang cố gắng sử dụng tài sản có chủ quyền của Nga mà họ đã phong tỏa để tiếp tục cung cấp và thanh toán cho số vũ khí đã được chuyển tới Kiev. Ông coi đây là "vụ cướp trắng trợn". Đại diện thường trực của Nga cũng cảnh báo rằng, việc thông qua nghị quyết có thể là "boomerang" đáp trả những người khởi xướng. Theo ông, một quyết định như vậy sẽ chỉ làm gia tăng bất ổn và căng thẳng trên thế giới.
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev nhấn mạnh, văn bản này “vô hiệu về mặt pháp lý” và trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc. Còn Người đứng đầu ủy ban quốc tế của Duma Quốc gia và lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Leonid Slutsky cũng gọi dự thảo nghị quyết là hợp pháp hóa “vụ cướp” ở cấp độ giữa các quốc gia. Ông giải thích rằng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không được phép yêu cầu bất kỳ sự bồi thường nào.
Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước phương Tây đã siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của nước này, hơn 300 tỷ USD, đã bị đóng băng. Vào tháng 4, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina, tuyên bố rằng, chính quyền Nga sẽ phản đối quyết định của các nhà chức trách châu Âu trước tòa./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận