Nghị quyết 128/NQ-CP: Chất 'xúc tác' cho dòng chảy thương mại
Nhìn lại chặng đường sau 1 năm triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" có thể khẳng định, đây là chất xúc tác giúp ngành công thương xây dựng nên những chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo dòng chảy thương mại vững chắc trong việc điều tiết thị trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng như được tiếp thêm sức mạnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định nếu như trước đó, ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 cùng những biện pháp giãn cách để chống dịch, khiến nền kinh tế "ngủ đông" thì Nghị quyết 128/NQ-CP là kim chỉ nam để mở cửa hồi phục tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh việc kịp thời chuyển đổi từ chiến lược "zero-COVID" sang sống chung với dịch, mặt khác Việt Nam triển khai tiêm chủng thần tốc, đã tạo cơ hội mở cửa sớm nhất nền kinh tế. Điều đó đưa nền kinh tế nhanh hồi phục và tăng trưởng ngay từ quý IV/2021.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng, với tư cách là một bộ quản lý liên quan cả đến khâu sản xuất, khâu cung ứng vật tư, nguyên liệu đến đầu ra của sản phẩm, Bộ Công Thương đã triển khai những hoạt động theo hướng chủ động, cải cách và đổi mới để thúc đẩy cho việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.
Nhìn lại công tác xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, dịch COVID-19 đã tấn công hầu hết các quốc gia trên thế giới; trong đó, có Việt Nam khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực gặp khó khăn và xúc tiến thương mại cũng từ đó bị ngưng trệ.
Trước bối cảnh này, xúc tiến thương mại trực tuyến được xem là hướng đi tất yếu và nhận được sự ủng hộ từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường. Đặc biệt, Nghị quyết 128/NQ-CP được ví như cánh cửa mở ra giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch và xây dựng quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Theo ông Vũ Bá Phú, trong suốt 1 năm qua ngoài việc chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 5 ứng dụng, phần mềm bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý khách hàng (CRM); hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ; cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (www.itrace247.com); cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hoá (https://vietnam.tradeportal.org); nền tảng đào tạo xúc tiến thương mại trực tuyến (E-learning).
Còn theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới nhưng thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh.
Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm lại đây và tăng 14,2% so với 9 tháng năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch COVID-19).
Điều này thể hiện chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả bởi phù hợp nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, việc điều hành kịp thời và linh hoạt của Chính phủ đã giúp hồi sinh lại nền kinh tế.
Thống kê từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD. Đây là số liệu đặc biệt ý nghĩa khi nhiều nền kinh tế thế giới; trong đó, có các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Đây là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B - Business-to-Business) trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để dần đưa sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã cơ cấu lại mặt hàng xuất nhập khẩu, thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường ngoài nước, tránh phụ thuộc vào một số thị trường trong tình hình mới.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các đơn vị trực thuộc tập trung nghiên cứu thị hiếu, dung lượng thị trường, khả năng sản xuất trong nước đối với mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và được ưu đãi nhiều về thuế; triển khai hỗ trợ phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tham gia sâu trong các chuỗi giá trị.
Đáng lưu ý, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, đã tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy thương mại, đầu tư, đặc biệt hình thành chuỗi cung ứng mới. Ngoài ra, Việt Nam ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của 10 nền kinh tế ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã có các FTA là cơ hội thuận lợi cho tất cả các nước tham gia cũng như doanh nghiệp của các nước trong Hiệp định cơ cấu, định vị lại các chuỗi cung ứng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu sau khi chấm dứt đại dịch COVID-19.
Không dừng lại ở đó, Bộ Công Thương còn tập trung phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước; đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ…hình thành các chuỗi liên kết thuần Việt Nam đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế.
Do đó, có thể khẳng định với vai trò chất xúc tác cho những thay đổi đang diễn ra trong chuỗi cung ứng, Nghị quyết 128/NQ-CP đã giúp thúc đẩy chuyển mạng lưới cung ứng và sản xuất tới quốc gia gần hơn trong khu vực, số hóa sâu rộng hơn, có mạng lưới và phương thức sản xuất bền vững hơn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, mặc dù dịch COVID-19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới sẽ tăng trong dịp cuối năm.
Hơn nữa, tiêu dùng hàng hóa ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy có chậm lại nhưng chưa giảm mạnh sẽ tác động thuận lợi đến sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong thời gian tới.
Việc các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... (do chi phí năng lượng tăng cao) và nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước và một số ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp rắp linh kiện điện tử, chế biến gỗ…
Trong khi đó, chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao cho khu vực kinh tế trong nước; chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu; giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, hoàn thuế VAT chậm ảnh hưởng đến xoay vòng vốn, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng…
Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường và giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả, cung cầu, tập trung cho các Chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong những dịp lễ Noel, Tết sắp tới. Khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt qua đó tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đặc biệt, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu;khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết và phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh số hóa trong giải quyết các thủ tục: thông quan, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)… tạo thuận lợi hóa cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ; thủ tục hành chính cũng như hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành; chú trọng kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận