Nghị quyết 120 góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp
Trong 3 năm qua, việc ban hành và triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP đã từng bước mang lại những kết quả khả quan cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Điểm sáng từ định hướng “thuận thiên”
Ngày 13/3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn. Đồng thời tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, đã đạt được những kết quả rất tích cực, thiết lập những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng, cất cánh trong thời gian tới.
Cụ thể, Nghị quyết 120 đã góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà, nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới, gỡ nút thắt về chính sách đất đai tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư. Đồng thời chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên.
Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL là 4,19 triệu hecta (chiếm 54,3% diện tích cả nước), tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới (gạo ST25 liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới).
Năm 2020, toàn vùng có khoảng 335.400 hecta cây ăn quả, chiếm 36,3% diện tích cả nước, gồm các cây trồng chủ yếu như: Thanh long, xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, dứa… Nhiều giống cây ăn quả khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng ĐBSCL đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.
Người dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL rất phấn khởi vì trong năm 2020, đã đóng góp quan trọng vào thành công của xuất khẩu gạo cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm trước). Diện tích nuôi cá tra đạt 6.000 hecta, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn, nhu cầu giống thả nuôi khoảng 3 - 4 tỷ con. Diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 669.000 hecta, chiếm 92,9% diện tích cả nước.
Đầu tư 388.000 tỷ đồng cho ĐBSCL giai đoạn 2021-2025
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tiếp tục ưu tiên cho vùng ĐBSCL, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án tại 13 tỉnh miền Tây dự kiến đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, nguồn vốn địa phương là khoảng 162.000 tỷ, vốn từ Trung ương là khoảng 82.000 tỷ; nguồn vốn nước ngoài là 22.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án đạt khoảng 121.000 tỷ đồng. Do đó, tổng số vốn ngân sách đầu tư dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 của vùng khoảng 388.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng sẽ đầu tư đường băng số 2 cho sân bay Phú Quốc; xây cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Đại Ngãi, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến An Hữu - Cao Lãnh, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; hoàn thiện hệ thống thủy lợi tứ giác Long Xuyên; nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng.
Các công trình thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, như dự án hoàn thiện các hệ thống thủy lợi Bảo Định, Gò Công, Tân Trụ; kè bảo vệ và chống sạt lở luồng sông Hậu; các công trình chuyển nước cho bán đảo Cà Mau; các công trình trữ nước, chống xâm nhập mặn…
Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 cho vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng, quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD.
Số tiền này sẽ dành để hoàn thành được các công trình như đường ven biển đối với các tỉnh có biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng tứ giác Long Xuyên, một số công trình giao thông liên tỉnh có tính lan tỏa, động lực...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh số vốn trên mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các địa phương, chưa thể kết nối liên tục các tuyến ven biển, còn nhiều nơi như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau vẫn phải đi phà hoặc vòng sang cầu hiện đã quá tải. Do đó, để có thêm nguồn lực, Bộ KH&ĐT đã làm việc và nhận được nhiều đề xuất cung cấp khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển như Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Các đối tác này cam kết sẽ đầu tư thêm 480 triệu USD.
Ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP. Đây là Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển ĐBSCL. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận