Nghị định 86 về kinh doanh vận tải sửa đổi vì sao chậm được ban hành?
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải đã được sửa đổi đến lần thứ 12, nhưng tới nay vẫn chưa được ban hành.
Đại biểu Trần Kim Yến, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ GTVT nêu việc chậm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 và một số nội dung quy định tại dự thảo nghị định mới liên quan đến quản lý xe taxi, xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử.
“Nhiều cử tri, nhất là cử tri thành viên hiệp hội taxi hoặc đang là lái xe thuộc các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét việc chậm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 86. Theo các cử tri, việc chậm ban hành nghị định thay thế dù đã được lấy ý kiến nhiều lần (25/26 thành viên Chính phủ thống nhất) tạo sự bất bình đẳng giữa xe taxi truyền thống và taxi công nghệ (Grab), gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước”, đại biểu Trần Kim Yến nêu.
Trả lời lo ngại này của đại biểu Quốc hội, Bộ GTVT cho hay, ngày 4.11, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu, trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ban hành nghị định để tổ chức triển khai, thực hiện. Đến thời điểm hiện nay, bản dự thảo nghị định hoàn thiện đã được Bộ trưởng GTVT ký tắt và gửi Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ.
Vì sao một dự thảo nghị định lại phải trải qua tới 12 lần dự thảo sửa đổi trong hơn 3 năm, có thời điểm được 25/26 thành viên Chính phủ đồng ý nhưng vẫn chưa được thông qua?
Lý giải cho điều này, theo Bộ GTVT, việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 được bắt đầu thực hiện từ năm 2016 và được Bộ GTVT thực hiện đảm bảo đúng trình tự. Trong dự thảo trình lần thứ 10, Bộ GTVT đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ, trong đó 25/26 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đã thống nhất biểu quyết thông qua.
Tuy nhiên, sau thời điểm dự thảo thứ 10 (bỏ quy định xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn trên nóc), Bộ GTVT cũng như Văn phòng Chính phủ tiếp tục nhận được các ý kiến kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, Hiệp hội Taxi TP.HCM và một số doanh nghiệp taxi lớn, một số Sở GTVT góp ý về việc quản lý xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền truyền thống, xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (xe công nghệ) và xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử.
Phải bình đẳng giữa 2 loại hình
Trên thực tế, việc dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 chậm được ban hành mấu chốt lớn nhất là việc chưa tạo được sự bình đẳng trong quản lý xe taxi công nghệ và taxi truyền thống hiện nay, gây phản ứng từ đại diện cả doanh nghiệp hai phía.
Mới đây, các hiệp hội vận tải, taxi Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã cùng ký văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mong muốn quy định mới về kinh doanh vận tải cần bình đẳng giữa taxi truyền thống và công nghệ.
“Điểm mấu chốt Bộ GTVT trình 11 lần không ban hành được nghị định thay thế Nghị định 86 nguyên nhân nằm ở nhóm lợi ích. Khi đã có nhóm lợi ích thì không thể có được khung pháp lý công bằng trong kinh doanh vận tải”, văn bản nêu.
Theo các hiệp hội, trong suốt 5 năm không có nghị định mới ban hành khiến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải không được đảm bảo. Bản chất các đơn vị như Grab thu tiền từ hoạt động kinh doanh vận tải, vì vậy, phải đưa về đúng với bản chất kinh doanh vận tải, có sự tương đồng trong quản lý với loại hình taxi.
Trong dự thảo lần thứ 12 trình Chính phủ, Bộ GTVT đã chấp thuận cho xe taxi truyền thống và cả xe công nghệ không phải gắn chữ "TAXI" trên nóc xe như dự thảo trước, mà có thể dán cụm từ "XE TAXI" làm bằng vật liệu phản quang. Đây là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong các dự thảo, "cởi trói" cho taxi, bởi trước đó Bộ GTVT luôn nhất quán quan điểm xe taxi phải gắn mào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận