24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nghị định 52 gia hạn nộp thuế có thực sự là “vaccine“ giúp doanh nghiệp chống Covid-19?

Nghị định 52 về gia hạn thuế và tiền thuê đất được xem là liều vaccine giúp doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc và đề xuất để Nghị định có thể phát huy hết ý nghĩa.

Sáng 17/6, tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất", các chuyên gia đều có chung nhận định, Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ được xem là "liều thuốc" quý giá giúp doanh nghiệp "hồi sức" trong bối cảnh bị "đuối sức" do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, Nghị định cần thay đổi một số ý để có thể hỗ trợ thêm nữa cho doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, Nghị định 52 đang vướng mắc ở 3 vấn đề.

Thứ nhất, việc hoãn nộp thuế không phải là miễn thuế, doanh nghiệp cần nắm bắt điểm này để có những tính toán cân đối tài chính và phương án kinh doanh, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế khi khôi phục sản xuất. Nhiều doanh nghiệp lo lắng thời gian này họ cần một lượng tiền để cầm cự kinh doanh hoặc hỗ trợ cho việc sản xuất kinh doanh, nhưng sau khi thời hạn giãn nộp thuế đã hết và thời điểm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế lại rơi vào ngay cuối năm 2021 thì gánh nặng tài chính bị cộng dồn, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn. Đặc biệt, nếu kịch bản xấu nhất là dịch bệnh vẫn phức tạp thì doanh nghiệp lại tiếp tục chịu khó khăn này, vì thế không ít doanh nghiệp ngần ngại việc có nên thụ hưởng chính sách này hay không.
Thứ hai, nếu nhìn rộng hơn thì phải đặt câu hỏi, trong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ban hành, Nghị định 52 có phải là tất cả không? Ông Hiếu cho rằng, Nghị định này không phải là tất cả. Theo ông phân tích, nếu so sánh với các chính sách chung hỗ trợ doanh nghiệp thì Nghị định 52 mới chỉ giải quyết một phần khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ không thụ hưởng chính sách như mục tiêu và ý nghĩa mà chính sách đã ban hành. Ví như về hoãn tiền thuê đất, rất nhiều doanh nghiệp đã trả tiền thuê đất một lần thì đối tượng thụ hưởng chính sách này đã giảm đi. Tương tự, khi kinh doanh đình trệ, doanh nghiệp sẽ không thụ hưởng được thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân…
Thứ ba, điều doanh nghiệp lo ngại nhất khi họ thực hiện công tác thuế là thủ tục hành chính. Nguyên tắc là doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, trung thực về đối tượng kê khai nộp thuế nhưng khi họ nộp thủ tục lên cơ quan thuế, nếu có sai về đối tượng thì sau này họ sẽ bị thanh tra và truy thu thuế. Có thể nói, Nghị định 52 vẫn chưa rõ ràng về các thủ tục pháp lý.

“Tôi cho rằng ngay bây giờ, cơ quan thuế phải suy nghĩ đến việc nếu xảy ra kịch bản xấu với Covid-19 thì có tiếp tục gia hạn nộp thuế hay không? Doanh nghiệp cần các chính sách được đưa ra một cách rõ ràng để có thể thực hiện chiến lược kinh doanh dài hạn 6 tháng, 1 hoặc 2 năm chứ không thể chỉ trong vài tháng”, ông Hiếu nhận định.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế cũng cho rằng, băn khoăn của ông Phan Đức Hiếu nhắc đến cho thấy rằng doanh nghiệp cần có sự lường trước các khó khăn, cần có các tính toán, chuẩn bị về tiền nộp thuế. Tất nhiên, việc gia hạn nộp thuế cũng sẽ theo từng khoản chứ không dồn gộp. Ví như tiền thuê đất, hạn nộp của doanh nghiệp là 31/5 thì được gia hạn 6 tháng tới 31/11 mới phải nộp, trong khi tiền thuê đất đợt 2 là 31/10 sẽ tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng nữa. Điều đó có nghĩa là tiền nộp thuế sẽ được gia hạn theo từng giai đoạn, từng thời điểm để người nộp thuế có thể chủ động về dòng tiền.

Với tính pháp lý của giấy đề nghị gia hạn của người nộp thuế, bà Hà cho rằng, tính chất pháp lý là có và đi theo một nguyên tắc rằng người nộp thuế phải tự khai, tự chịu trách nhiệm. Nghị định 52 cũng thiết kế danh mục ngành hàng mà người nộp thuế có thể tự soi vào đó để xem họ có được thụ hưởng hay không, vì chỉ người nộp thuế, doanh nghiệp nộp thuế mới biết họ kinh doanh như thế nào, họ có thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hay không.

“Nghị định 52 là nghị định đặc biệt, được ban hành trước kỳ nộp thuế và có hiệu lực thực thi ngay lập tức để doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng ngay sự hỗ trợ từ Nghị định”, bà Hà nhận định.

Thực tế cũng cho thấy, khi các chính sách hỗ trợ thuế của Nhà nước được ban hành, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận. Lý giải nguyên nhân, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ năm 2020 đến nay có rất nhiều nhưng với cộng đồng doanh nghiệp, chính sách nào có giá trị, có ý nghĩa thiết thực thì họ sẽ tích cực tham gia hưởng ứng. Giá trị thiết thức không chỉ hiểu đơn giản là tiền, là kinh phí mà đó còn là ý nghĩa về mặt thời gian, thuận tiện, thủ tục nhanh gọn, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp…

Đặc biệt, với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, hoạt động kinh doanh rất đa dạng, những nguồn thu khác nhau nên chính sách giãn thuế không phải là chính sách ưu tiên hàng đầu mà khối doanh nghiệp, hộ cá nhân này mong muốn.

“Chính sách hỗ trợ phải khác với các chính sách chung khác. Chính sách thuế thì phải đảm bảo được sự bình đẳng giữa các đơn vị kinh tế. Còn chính sách hỗ trợ thì phải quan tâm đến kết quả, đó là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất. Muốn như vậy, Nhà nước phải hiểu khối doanh nghiệp vừa và nhỏ này cần những gì, họ hoạt động ra sao? Do đó, chính sách hỗ trợ phải đề cao yếu tố phù hợp”.

Theo đó, ông Tô Hoài Nam đại diện Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất Chính phủ nên áp dụng các chính sách đột phá lâu dài và phù hợp, trong đó khối doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lựa chọn hình thức là nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 - 3% doanh thu của năm đối với doanh nghiệp có doanh thu 3 tỷ/năm. Đồng thời, ông đề xuất miễn giảm một số thủ tục mở sổ sách, kế toán cho khu vực này.

Ông Nam cho hay: “Với Nghị định 52, chúng ta có thể hình dung hình ảnh Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay một khoản tiền là 115.000 tỷ đồng và không tính lãi. Tôi cho rằng, đây là một tính toán thông minh và thật có ý nghĩa. Nhưng như tôi đã phân tích, nó chỉ có ý nghĩa cho những doanh nghiệp được thụ hưởng. Vì thế, tôi cho rằng, Nghị định này cần kéo dài thời hạn nộp thuế thêm 6 tháng nữa và tương ứng như vậy, thời gian nộp thuế đợt mới sẽ tiếp tục kéo dài để Nghị định có thể phát huy hết ý nghĩa hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp”./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả