menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Ngọc Mai

Nghèo còn mắc cái eo

Vào cái hôm ồn ào đề xuất lao động có thể đóng bù phần nợ bảo hiểm để được hưởng các chế độ, quyền lợi, cô Thi nhắn tôi “nghe chừng có được không, để cô xoay xở đóng luôn?”.

Tôi gọi lại giải thích rằng đây mới chỉ là phương án đề xuất, sẽ phải được Quốc hội thông qua nữa. Cô nói ừ thì biết thế, nhưng mà cô sốt ruột lắm vì "treo mãi thế này sợ chết vẫn chưa được nhận lương hưu".

Cô Thi có hơn 20 năm làm công nhân may, hết tuổi lao động cách đây 5 năm. Ngày làm thủ tục hưởng chế độ, cô được thông báo quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của cô là đủ 20 năm nhưng số tiền thực đóng thiếu mất 13 tháng. Như vậy, cô không đủ điều kiện về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu.

13 tháng đó rơi vào quãng thời gian cô làm việc cho một công ty may ở Hóc Môn, cách đây hơn 10 năm. Ông chủ người Hàn Quốc trốn biệt tích, để lại tất cả khoản nợ gồm tiền thuê xưởng, nguyên phụ liệu, lương, bảo hiểm xã hội của gần 500 công nhân.

Cô Thi và đồng nghiệp lúc bấy giờ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, ốm đau thai sản cũng bị "treo", dù hàng tháng vẫn bị trích lương đều đặn "đóng cho quỹ". Sau 10 năm, cô than thở "đã nghèo còn mắc cái eo", chịu thiệt lần nữa khi phải mòn mỏi chờ lương hưu, vì một tình thế mà cô hoàn toàn không có lỗi.

Giữa năm ngoái, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra hướng dẫn: lao động bị nợ bảo hiểm xã hội sẽ được giải quyết theo hướng "đóng đến đâu hưởng đến đó", tức thời gian nợ được khoanh lại. Người lao động có thể tham gia bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện cho các tháng còn thiếu để được nhận lương hưu. Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận cách này. Vì số tiền một cục bỏ ra để đóng là khá lớn, trong khi lương hưu hàng tháng nhận được có thể chỉ hơn một triệu đồng, do không được nâng lên bằng lương cơ sở (1,8 triệu đồng) như người có cả quá trình tham gia bắt buộc. Hội bạn già của cô còn "nói gở": đóng xong, xui rủi ra đường xe tông hoặc ốm đau, "trời gọi" sớm, thì coi như lỗ. Tuổi già lắm bệnh như chuối chín cây.

Theo thống kê của ngành lao động, hiện có hơn 213.000 lao động bị nợ bảo hiểm xã hội nhưng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động. Khoản nợ hơn 4.000 tỷ này "gần như không có khả năng thu hồi".

Nói tới nói lui, tôi và cô Thi hiểu với nhau rằng, nhà quản lý bảo hiểm xã hội hẳn cũng bế tắc, bất đắc dĩ lắm mới phải đưa ra cách này, như một biện pháp tình thế nhằm giải quyết "quyền lợi treo" cho hơn 213.000 lao động. Nhưng rõ ràng là bất ổn. Cô Thi, dù "muốn đóng quách đi cho xong", để còn yên tâm hưởng lương hưu, vẫn ôm một bụng ấm ức: Lỗi là ở doanh nghiệp và nhà quản lý, giờ thiệt hại cô chịu; ngày còn đi làm cô đã bị trừ lương để đóng một phần bảo hiểm, giờ lại đóng nữa, mà đóng tất, chứ không phải một phần - để nhận quyền lợi đương nhiên mình phải được hưởng.

Tổng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay của người lao động và chủ sử dụng là 32% tiền lương tháng, trong đó, doanh nghiệp đóng 21,5% và lao động chịu 10,5%. Như vậy, trong tổng số tiền đóng vào quỹ, người lao động chịu gần 33%.

Theo đề xuất trên, sau hai lần đóng, những người như cô Thi phải chịu đến 130%, bao gồm khoản nợ và số tiền bị doanh nghiệp trích lương, chiếm giữ.

Trong khi đó, Công ước 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quy định phần đóng vào của người lao động không được vượt quá 50% tổng số tiền sử dụng vào việc bảo vệ họ và gia đình. Điều khoản ra đời nhằm đảm bảo gánh nặng tài chính không đổ dồn lên vai người lao động và gia đình họ, đồng thời duy trì sự công bằng trong hệ thống an sinh xã hội.

Vậy còn cách nào khác, ngoài đề xuất không phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và đẩy phần thiệt thòi về phía người lao động như trên không?

Nợ bảo hiểm xã hội là vấn đề không chỉ riêng ở Việt Nam. Vì vậy, ở nhiều quốc gia, bên cạnh các biện pháp mạnh tay xử lý doanh nghiệp nợ, quyết liệt thu hồi khoản tiền bị chiếm giữ trái phép, họ vẫn có thêm mô hình quỹ bảo vệ quyền lợi người lao động, phòng trường hợp bất khả kháng, như doanh nghiệp phá sản.

Cơ quan quản lý loại quỹ này sẽ chuẩn bị các nguồn dự phòng, có thể đến từ ngân sách, tiền phạt thu được từ các doanh nghiệp vi phạm, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức...

Khi xây dựng quỹ, để giảm gánh nặng đóng góp cho doanh nghiệp, các chính phủ sẽ cân nhắc thiết kế một hệ thống bảo hiểm xã hội tích hợp, trong đó một phần đóng góp từ bảo hiểm xã hội có thể được phân bổ vào quỹ bảo vệ quyền lợi người lao động.

Chính phủ có thể cung cấp ưu đãi thuế hoặc hình thức hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp có đóng góp vào các quỹ này.

Tất nhiên, quỹ cũng quy định chặt chẽ các trường hợp được sử dụng tiền từ nguồn này, đảm bảo hỗ trợ người lao động khi cần đồng thời tránh việc lạm dụng quỹ.

Nợ xấu là điều khó tránh trong bất kỳ ngành nghề, tổ chức nào, bảo hiểm cũng không ngoại lệ. Nhưng mọi giải pháp đưa ra để giải quyết hệ lụy nợ xấu phải được cân nhắc kỹ với nguyên tắc quan trọng: cơ quan quản lý cần nhận trách nhiệm về mình, không thể đẩy phần khó, phần thiệt về phía lao động.

Người lao động thêm tin tưởng hay càng bất an với hệ thống an sinh - phần nhiều phụ thuộc vào tư duy quản lý và cách điều hành thông qua chính sách của nhà chức trách.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả