Nghệ sĩ với đồng tiền từ thiện: Được hay mất?
Ngày 22/12, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan việc quyên góp từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh do không có dấu hiệu tội phạm.
Trước đó ông Võ Nguyễn Hoài Linh (tức nghệ sĩ Hoài Linh) bị một số người gửi đơn tố cáo đến công an về việc ông Linh có hành vi chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng qua việc kêu gọi từ thiện các tỉnh miền Trung vào tháng 10/2020. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Hoài Linh quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020 là 15.4 tỷ đồng. Nghệ sĩ Hoài Linh có đăng ký kết thúc đợt quyên góp, nhưng sau đó các nhà hảo tâm vẫn tiếp tục gửi tiền vào tài khoản của ông. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nghệ sĩ Hoài Linh bị bệnh nên đã không thể đi miền Trung, dẫn đến chậm trễ giải ngân tiền từ thiện. Sau đó, nghệ sĩ này đã ủy quyền cho người quen đi trao tiền từ thiện ở miền Trung.
Đây được xem là màn “kết thúc có hậu” cho nghệ sĩ Hoài Linh sau một thời gian dài đối diện áp lực dư luận về việc quyên góp tiền từ thiện. Ông được giải oan cho lời tố giác “ăn chặn” tiền của bá tánh giúp đồng bào miền Trung. Tuy nhiên, đây có thể là bài học cay đắng đối với người nổi tiếng - như nghệ sĩ Hoài Linh - về cách ứng xử với với đồng tiền từ thiện. Một khi đích thân anh, với tiếng tăm, hình ảnh có sức ảnh hưởng đối với xã hội, đứng ra kêu gọi, quyên góp thì từ “của nhận” đến “của trao” phải thật sự minh bạch, đúng mục đích, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Bằng không, chỉ cần chệch một trong số ấy hay có dấu hiệu khuất tất, không rõ ràng là rất dễ bị nghi ngờ.
Nghệ sĩ Hoài Linh không có hành vi chiếm đoạt số tiền từ thiện như tố giác nhưng, việc giữ thái độ im lặng - cho dù là vì bệnh tật hay hoàn cảnh dịch bệnh - và hoàn toàn không chủ động đề cập đến số tiền 13 tỷ chậm trao/giải ngân cho đồng bào miền Trung đến hơn 6 tháng là một hành xử thiếu chu đáo, chưa trọn vẹn với người dân nghèo miền Trung, với cả Mạnh Thường Quân đã trông cậy ông, tin tưởng ông. Đành là “của người”, và vì chính là “của người” nên “phúc ta” lại càng cần phải được đối đãi, thể hiện cho thật rõ ràng, thấu đáo, trách nhiệm.
Ở một diễn biến khác trong giới giải trí Việt, cũng những ngày qua, diễn viên điện ảnh Thương Tín đã có những “than phiền” về đồng nghiệp, diễn viên Trịnh Kim Chi “nhập nhằng về tiền bạc” - tức số tiền mà khán giả, nhà hảo tâm quyên góp giúp mua bảo hiểm cho con gái ông. Nam diễn viên một thời còn cho rằng việc quyên góp do: “Trịnh Kim Chi tự động nhảy ra làm, chẳng hỏi ý kiến tôi”.
Với phát ngôn này, Thương Tín không chỉ khiến người trong cuộc - tức diễn viên Trịnh Kim Chi cảm thấy “buồn và bị tổn thương” - mà còn làm cho nhiều khán giả bức xúc. Bởi, hoàn cảnh của ông và gia đình đã từng gây nên nỗi xót thương cho đồng nghiệp nên chính họ đã cùng lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng để ông được điều trị bệnh, gia đình có được một khoản tiền sinh sống qua ngày. Nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, liên quan tới việc xử trí số tiền cho khoản bảo hiểm của con gái nhỏ của ông đã để xảy ra sự “nhập nhằng” về thái độ, cách ứng xử có phần bất nhất, thậm chí là bội bạc ở một người từng thủ những vai diễn hào hoa, khí khái trên màn ảnh.
Chúng ta phần nào thông cảm cho gia cảnh của diễn viên Thương Tín. Nhưng cách ông xuất hiện - từ cuốn hồi ký Một đời giông bão - cho đến thái độ, phát ngôn thông qua một số sự việc gần đây mà hầu hết đều liên quan đến chuyện… tiền nong, lại phơi bày một sự thật - đời thường rất khác, có phần “ghì sát đất” một cách xấu xí hình ảnh thần tượng một thời của bao người.
Đồng tiền, nhất là đồng tiền do các nhà hảo tâm gom góp, trao tặng và cách ứng xử với nó trong hoàn cảnh ngặt - nghèo đã phần nào khúc xạ tính cách lẫn tư cách của người nhận. Trong trường hợp là người có tiếng tăm, tên tuổi, dù một thời hay đương thời thì lại càng được/bị suy xét, soi chiếu ở nhiều khía cạnh hơn. Bởi, dù gì, sự kiêu hãnh của hình ảnh, vị trí khi đặt cạnh những đồng tiền từ thiện sẽ càng kích thích sự tò mò, hiếu kỳ của đám đông. Dẫn tới, từng lời nói, cử chỉ, thái độ, cách ứng xử, sử dụng đồng tiền sau đó lại luôn được đặt trong tầm ngắm, kể cả phán xét.
Vậy, những người trong cuộc đã, đang làm gì thì mọi việc, mọi điều đều gắn với cái “giá” của mỗi hành vi, thái độ, lời nói của chính họ với đồng tiền mà họ hoặc trực tiếp, hay gián tiếp nhận, thụ hưởng. Để có khi, những tưởng như họ “được” - tiền và sự yêu quý, xót xa trước đó - nhưng lại “mất” - lòng kính trọng, sự mến mộ vốn dành riêng cho họ cũng như cho những nhân vật mà họ hóa thân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận