Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam lại "kêu cứu" vì toàn bộ hoạt động rơi vào "tê liệt"
Lùm xùm xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa thể khép lại do việc thoái vốn của nhà đầu tư chiến lược – Tổng Công ty Vận tải Thủy (Vivaso) cần phải được thực hiện theo đúng lộ trình. Song lộ trình là đến thời điểm nào buộc phải xong thì hiện tại vẫn chưa có.
Quá trình từ cổ phần hóa đến thoái vốn
Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu được Bộ VHTT&DL triển khai từ năm 2015. Đến giữa tháng 6-2017 thì Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam chính thức ra đời (thay thế Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam) với nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy (Vivaso). Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau khi đi vào hoạt động, các nghệ sĩ của Hãng đã bức xúc trước việc Vivaso không đảm bảo công việc lẫn đời sống cho nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên trong Hãng, thậm chí không đưa ra bất cứ định hướng làm phim nào.
Trước kiến nghị của đông đảo nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên Hãng và sự quan tâm của dư luận, Thanh tra Chính Phủ đã tiến hành kiểm tra, xác minh và công bố kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vào ngày 20-9-2018. Theo kết luận của Thanh tra Chính Phủ thì việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là phù hợp với chủ trương của Nhà nước và cần thiết để huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình trạng doanh nghiệp nhiều năm liền thua lỗ triền miên, dẫn đến gần bờ vực của phá sản. Tuy nhiên quá trình này lại để xảy ra nhiều sai phạm. Trên cơ sở này, Thanh tra Chính Phủ kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ một số việc, trong đó có việc chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo đúng quy định để nhà đầu tư chiến lược – Vivaso xin rút vốn trước thời hạn.
2 tháng sau khi có kết luận của Thanh tra Chính Phủ, trước sự băn khoăn, thắc mắc của các nghệ sĩ đã và đang công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, đại diện Bộ VHTT&DL khẳng định việc để Vivaso xin rút vốn trước thời hạn vẫn đang được Bộ làm từng bước theo kế hoạch, có sự giám sát chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành liên quan và Thanh tra Chính Phủ.
Ngày 2-4-2019, Văn phòng Chính Phủ có công văn số 116/TB-VCCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam.Trong nội dung công văn có nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ VHTT&DL hoàn trả lại tiền và nhận lại cổ phần từ nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng phương án củng cố, phát triển Hãng phim truyện Việt Nam, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
Được biết, Bộ VHTT&DL hiện đang nắm giữ 28% cổ phần của Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, 72% cổ phần còn lại do Vivaso nắm giữ.
Nghệ sĩ than bị nợ và cắt…đủ thứ?
Nhà quay phim NSƯT Vũ Đức Tùng – người từng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, một trong hai người đại diện cho phần vốn Nhà nước – cho biết, cho tới thời điểm này, tình hình sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của Hãng đang ngày càng trở nên cực kỳ bi đát. Theo đó, toàn bộ nghệ sĩ khối nghệ thuật và cán bộ công nhân viên khối kỹ thuật – những thành viên nòng cốt của Hãng đã bị cắt lương và bảo hiểm xã hội từ hơn 1 năm nay và gần đây, đến hết ngày 30-6-2019 thì bị cắt nốt chế độ bảo hiểm y tế. Hiện tại số lượng cán bộ, nghệ sĩ đang công tác tại Hãng còn khoảng 50 người (bằng một nửa trước khi cổ phần hóa).
Một số nghệ sĩ như: đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải, quay phim Nguyễn Việt Hùng…bày tỏ băn khoăn về việc không biết đến bao giờ thì quá trình thoái vốn của Vivaso mới hoàn tất. Cũng theo các nghệ sĩ này, họ từng nhiều lần đem băn khoăn này đi hỏi Bộ VHTT&DL song đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Điều này dẫn tới việc, trong lúc này Hãng không có người chính danh bảo vệ quyền lợi cho người lao động và tiến hành các công việc chung.
Lần gần nhất, tập thể nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của Hãng đã có đơn đề nghị gửi Bộ VHTT&DL vào ngày 1-7-2019 đề nghị được đối chất trực tiếp về việc này với lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Công ty CP đầu tư & phát triển phim Việt Nam trước ngày 15-7-2019. Tuy nhiên nguyện vọng này cho đến nay chưa được đáp ứng.
Đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải chia sẻ, dự án phim điện ảnh “Người yêu ơi” (kịch bản Đỗ Bích Thủy) được duyệt sản xuất với kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đây cũng là dự án đầu tiên được duyệt sản xuất sau khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, mặc dù đã hoàn tất khâu “casting” tuyển diễn viên và tìm bối cảnh xong vẫn chưa thể bấm máy do chưa được “rót” kinh phí. Đạo diễn cho biết, trong cuộc làm việc vào tháng 7-2019 vừa qua, Bộ VHTT&DL và Cục Điện ảnh có nói sẽ chuyển kế hoạch sản xuất phim sang năm 2020.
Liên quan đến việc này, chủ nhiệm phim Lê Hồng Sơn nói thêm, ông cũng như nhiều nghệ sĩ khác rất muốn việc Vivaso thoái vốn sớm được hoàn tất, Hãng có người chính danh đại diện để có thể tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ có thể tiếp tục làm việc. Nghệ sĩ Lê Hồng Sơn bày tỏ, ông cũng rất muốn kéo việc về cho Hãng, cụ thể là đang có dự án làm phim bên ngoài, chủ đầu tư sẵn sàng “rót” tiền để làm nhưng ông không biết làm sao để mang về Hãng một cách “danh chính, ngôn thuận” .
Nhà quay phim Nguyễn Việt Hùng chia sẻ, anh từng đề xuất lãnh đạo Vivaso làm kênh Youtube riêng cho hãng, trước mắt là sản xuất phim ngắn, sau đó mở rộng quảng bá trên mạng xã hội, hợp tác với các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương, phát các dự án phim trên nền tảng đài truyền hình….Tuy nhiên, cũng như những ý kiến đề xuất của những người khác, câu trả lời chung của Vivaso chỉ là: “cứ làm đi” nhưng không quan tâm đến việc sẽ phải triển khai làm thế nào, hỗ trợ về mặt tài chính và pháp lý ra sao.
Vivaso khẳng định không làm sai, lý giải nguyên nhân “không có việc làm”
Trước những thắc mắc và phản ứng từ phía nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên Hãng, lãnh đạo Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam – đại diện Vivaso từng có văn bản số 65/CV-VFS trả lời trực tiếp nhà quay phim NSƯT Vũ Đức Tùng xung quanh các kiến nghị về quyền lợi của người lao động. Cụ thể, đại diện đơn vị này cho biết đã ban hành quy định về việc thực hiện chấm công bằng dấu vân tay từ ngày 11-10-2017. Do vậy, những người không đến làm việc, không có bảng chấm công sẽ không có cơ sở để trả lương. Căn cứ vào bảng chấm công này, công ty sẽ đóng bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định hiện hành – tức là không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong tháng có số ngày làm việc và hưởng tiền lương ít hơn 14 ngày.
Phía Vivaso cũng khẳng định, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị đình trệ, doanh thu không đáng kể, người lao động không có việc làm là do “nội bộ mất đoàn kết”.
Về việc dự án phim “Người yêu ơi”, đại diện Vivaso cho biết, ngày 27-2-2018 Bộ VHTT&DL đã có quyết định số 509/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt giá cho công ty thực hiện bộ phim truyện này, công ty cũng đã đầu tư thiết bị quay phim, đi chọn bối cảnh, casting diễn viên…nhưng do nội bộ mất đoàn kết, khiếu kiện nên đến nay Bộ chưa giao vốn để thực hiện.
Cũng theo đại diện Vivaso, ngày 19-12-2018 (tức là sau thời điểm có kết luận của Thanh tra Chính phủ, kiến nghị về việc cho Vivaso rút vốn trước thời hạn), Ban lãnh đạo công ty vẫn có cuộc họp với các xưởng sản xuất, khoán cho các xưởng tự tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, hàng tháng báo cáo doanh thu về phòng tài vụ làm cơ sở trả lương cho các bộ phận khoán. Nhưng đến nay chưa có đơn vị nào nộp báo cáo doanh thu nên không có cơ sở để trả lương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận