Nghề môi giới bất động sản: “Vào” dễ - “Trụ” khó
Ăn trắng mặc trơn” là cụm từ thường được nhắc đến khi nói về nghề môi giới bất động sản. Song, đây là công việc không hề dễ dàng vì cần rất nhiều thủ thuật để làm hài lòng cả người mua và người bán.
Dấn thân vào thị trường bất động sản từ năm 2016, Vũ Đăng Khoa (30 tuổi, chuyên viên tư vấn bất động sản) cho biết bản thân đã chứng kiến khá nhiều thăng trầm của thị trường. Vừa ra trường, Khoa đã tham gia ngay vào con đường làm môi giới bất động sản. Khi ấy, cậu trai trẻ 23 tuổi chỉ đơn giản nghĩ đây là một nghề giúp kiếm thêm thu nhập nhanh chóng và dễ dàng, công việc đơn giản là đi giới thiệu sản phẩm, chốt đơn và nhận hoa hồng về.
Nhưng cuộc đời nào đâu dễ dàng như vậy. “Chỉ sau vỏn vẹn 3 tháng, mình nhanh chóng bị “đá văng" ra khỏi môi trường khốc liệt ấy", Khoa chia sẻ. Đi làm khi chưa có kinh nghiệm, hiểu biết non nớt về thị trường, tài sản không đủ để trả chi phí marketing, mối quan hệ không có, nguồn khách hàng gần như bằng không,... hàng loạt yếu điểm khiến Vũ Đăng Khoa nhanh chóng kết thúc sự nghiệp làm bất động sản chỉ sau thời gian ngắn dấn thân vào nghề.
Trên thực tế, có rất nhiều người kiếm lời từ việc môi giới đất và giàu lên từ buôn đất. Thế nhưng không phải là tất cả, không phải ai đi làm môi giới bất động sản cũng có thể tạo ra thu nhập. Không chỉ riêng trường hợp của Khoa, hằng năm, có hàng ngàn môi giới bất động sản phải từ bỏ cuộc chơi và chấp nhận bỏ nghề làm việc khác, vì không có "duyên bán đất", sự đào thải của công việc này cũng không thua kém bất kỳ ngành nghề nào khác.
“Lại đi làm “cò đất” à?”
Nhiều người đến giờ vẫn chưa quen với danh xưng “môi giới bất động sản” mà đơn giản gọi và coi những người giới thiệu mua bán đất đai, nhà cửa là “cò đất”. Với việc nhiều kẻ gian lợi dụng những điểm hở của luật pháp cũng như lòng tin của khách hàng để trục lợi cho bản thân. Vì vậy, nhiều người có cái nhìn không thiện cảm về đối tượng hành nghề "cò đất". Nguyễn Văn Linh (SN 1999, Chuyên viên kinh doanh BĐS, CTCP Kinh doanh và Dịch vụ BĐS NewHousing) bén duyên với nghề bất động sản từ những năm còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Ngay trong những ngày đầu tiên đi làm, Linh chứng kiến đồng nghiệp nhanh chóng chốt được căn nhà trị giá hàng tỷ đồng và sang tay ngay vài chục triệu đồng tiền hoa hồng khiến cậu vô cùng hứng khởi, tràn đầy hy vọng vào nghề.
Thế nhưng cuộc sống thì không giống cuộc đời, làm việc mòn mỏi nhưng Linh vẫn chưa chốt được thương vụ nào, đồng lương hỗ trợ chỉ khoảng 1-2 triệu không đủ cho Linh trang trải tiền nhà. Phải bán đi tài sản duy nhất sở hữu thời điểm đó là chiếc xe máy để làm “vốn” cho công việc môi giới, chỉ sau một tháng cậu đã nản chí và nghĩ đến việc dừng lại. Khó khăn trong công việc là thế, những người làm nghề môi giới bất động sản còn phải đối mặt với những áp lực và định kiến từ chính những người thân xung quanh mình.
“Về quê, khi giới thiệu đi làm môi giới bất động sản, có người bác trong họ ngay lập tức nói “Mày lại đi làm "cò đất" à, cái nghề mà đi lừa tiền người ta chứ gì, mày thì biết buôn bán cái gì mà môi giới”. Lúc ấy mình vừa tủi thân vừa buồn, vì nghề mình đang làm lại bị người ta lời ra tiếng vào như vậy. Đấy là người ta nói thẳng, sau lưng còn rất nhiều người xì xào, mình biết nhưng cũng chỉ có thể vờ như không, cho qua chuyện”, Nguyễn Văn Linh ngậm ngùi.
Cú đấm bồi hậu Covid-19
Hết khó khăn này lại đến thách thức khác ập đến, khắc nghiệt là thế nhưng thị trường bất động sản năm 2022 còn gây áp lực nặng nề lên những người làm nghề môi giới bất động sản vì diễn biến xấu chưa từng có. Trải qua 2 năm Covid-19 đầy khó khăn, những người làm nghề môi giới chờ đợi một cơ hội phục hồi vào giai đoạn 2022. Nhưng chưa kịp khởi sắc, hàng loạt vụ việc sai phạm tác động thẳng đến thị trường bất động sản.
“Giai đoạn đỉnh điểm, mỗi ngày mình mất cả triệu đồng để chạy quảng cáo nhưng không thu lại được đồng nào, thậm chí đến thời điểm này mình đang gánh trên vai món nợ khoảng 50 triệu đồng vì nhiều tháng không có thu nhập nhưng vẫn phải duy trì chi phí marketing để tìm kiếm khách hàng”, anh Vũ Xuân Gia, một môi giới tư nhân chia sẻ.
Bản thân anh Gia đã vào nghề được 4 năm, từng có thu nhập trung bình khoảng 60-70 triệu/tháng, trong thời gian dịch Covid-19 căng thẳng thu nhập của anh có giảm một nửa nhưng so với các đồng nghiệp thì đây là một con số tích cực. Chuyển sang năm 2022, anh phải chấp nhận việc “thị trường năm nay còn khó hơn giai đoạn Covid-19 rất nhiều” và “đã nửa năm không biết mặt đồng lương". Những ngày cuối năm, nhiều công ty rục rịch việc lương thưởng nhưng với nghề môi giới bất động sản, nhiều người đã ngậm ngùi chấp nhận 2022 là một năm “kinh tế buồn".
Chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Đất xanh miền Bắc cho biết, doanh nghiệp mới phải cho nghỉ việc khoảng 50% nhân viên bán hàng vì thị trường diễn biến tiêu cực, từ giữa năm đến nay thanh khoản của thị trường lao dốc trầm trọng. “Nhà đầu tư nghi ngại rủi ro không dám xuống tiền giao dịch bất động sản, đến cả những khách hàng có nhu cầu ở thật cần mua nhà cũng e dè vào giai đoạn này”, ông Quyết cho biết.
Chung cảnh ngộ với Đất Xanh miền Bắc, bà Nguyễn Thuỳ Dung, Chủ tịch Phú Hưng Property cho biết doanh nghiệp đã phải cắt bỏ rất nhiều nhân sự giai đoạn cuối năm 2022, đa phần là nhân sự hành chính để tiết giảm chi phí.
Đặc biệt, công ty phải đối mặt với vấn đề đến từ cả phía khách hàng. “Khách hàng đã đặt cọc vốn, nhưng khi thay đổi điều tiết nguồn vốn thì khách không đủ điều kiện vay nên hủy hợp đồng khiến hoạt động kinh doanh của công ty càng trở nên khó khăn", bà Dung thông tin.
Lùi lại để tiến xa hơn
Đối mặt với nhiều khó khăn trên thị trường, Chủ tịch Phú Hưng Property cho rằng mặc dù đối mặt với thách thức nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự nhìn nhận lại mình. Theo đó, trong thời gian thị trường đóng băng, Phú Hưng Property đã có một khoảng lặng để cơ cấu lại tổ chức nhân sự cũng như cơ cấu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. “Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội, giúp chúng tôi có “điểm nghỉ” để đánh giá lại hoạt động kinh doanh của công ty mình. Đồng thời, chúng tôi có thêm thời gian để đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân sự.
Lực lượng môi giới hiện nay phát triển quá nóng, dẫn đến không được đào tạo bài bản, đặc biệt là về đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến khách hàng cho rằng là lừa đảo. Vì vậy, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chúng tôi củng cố kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ môi giới bất động sản của công ty”, bà Nguyễn Thuỳ Dung cho biết.
Trở lại câu chuyện của Vũ Đăng Khoa, sau khi bị “đá văng” ra khỏi nghề môi giới, cậu đã dành cho mình 2 năm “dùi mài kinh sử”. Tích luỹ cho bản thân một số vốn nhất định, mở rộng mối quan hệ, tìm hiểu rõ về thị trường, học tập thêm từ những tiền bối,... Khoa quay lại nghề môi giới bất động sản với một tâm thế hoàn toàn khác.
Sự tự tin, vốn hiểu biết giúp Khoa nhanh chóng bán được căn nhà đầu tiên và dần đạt dược mức thu nhập theo kỳ vọng. Đến thời điểm này, Khoa chia sẻ trung bình 2 tuần sẽ chốt được một căn bất động sản, sản phẩm giá trị nhất anh từng bán được có giá lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Cũng dần khởi sắc sau thời gian dài chật vật, Văn Linh đã chốt được căn nhà trị giá 10,8 tỷ đồng, giúp cậu có khoản thu nhập “đột phá” đầu tiên trong đời. Sau 3 năm làm nghề, Văn Linh đã tích luỹ được cho mình một số vốn nhất định và mua được chiếc xe SH để đi lại. Thời điểm thị trường khó khăn, thanh khoản giảm, Linh vẫn trụ vững nhờ có tài sản tích luỹ trước đó.
Chia sẻ về nghề vào những ngày cuối năm 2022, Linh cho rằng môi giới bất động sản là một nghề rất khó để theo, tuy nhiên ai có duyên và thực sự kiên trì gắn bó với nghề thì thành công sẽ rất sớm. Đặc biệt, nghề môi giới giúp những người làm có cơ hội hoàn thiện bản thân, mở rộng mối quan hệ với tầng lớp những người có tiền – quyền. Thậm chí đem đến cho họ những người bạn thân chí cốt, những người đồng điệu mà chỉ khi đi làm nghề mới có cơ hội gặp gỡ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận