24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tiến Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nghệ An: Thương mại dịch vụ hồi phục sau đại dịch

Dịch Covid-19 kéo dài đã khiến hoạt động của lĩnh vực thương mại - dịch vụ tại Nghệ An giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp kích cầu kịp thời từ phía doanh nghiệp, gần đây lĩnh vực kinh tế này đã có sự hồi phục đón đầu các cơ hội.

Mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng trở lại

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, trong 3 tháng đầu năm 2021, một số lĩnh vực kinh tế ở địa phương này bắt đầu giai đoạn bình thường và đã có những tia hy vọng mới. Đó là trong quý I, có tới 398 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 4,57% với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký 3.771,03 tỷ đồng, tăng 48,54% so với cùng kỳ; có thêm 297 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 118 doanh nghiệp so với cùng kỳ).

Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I ước đạt 17.934 tỷ đồng, tăng 11,37% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.780,5 tỷ đồng, tăng 25,78% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch ước đạt 1.067.089 lượt, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải ước đạt 2.881,65 tỷ đồng, tăng 14,81% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 163.346 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm; tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 227.160 tỷ đồng, tăng 0,5%... Nhận định của báo cáo này cho thấy, thời điểm hậu giãn cách, nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục trở lại.

Cùng với đó, thị trường bán lẻ dần lấy lại được đà phục hồi. Cuộc cạnh tranh để nắm giữ thị phần thị trường bán lẻ cũng rõ nét và mạnh mẽ hơn. Sức mua các mặt hàng tiêu dùng của người dân đã dần tăng trở lại. Mặc dù chưa đạt được mức độ sôi động như thời điểm trước dịch, tuy nhiên, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa ở tất cả các nhóm ngành hàng đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Tại các khu chợ dân sinh trên địa bàn như chợ đầu mối, chợ Vinh, các trung tâm thương mại… hoạt động mua sắm có dấu hiệu tăng trở lại. Các hoạt động du lịch, nhất là du lịch nội tỉnh cũng đã có dấu hiệu tăng trở lại, dù còn chậm và ít do các đường bay thương mại quốc tế chưa mở lại.

Trong quý II/2021, để thúc đẩy chi tiêu trong mua sắm, ngoài các chương trình kích cầu tiêu dùng thường xuyên của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, mới đây, Sở Công Thương Nghệ An tập trung đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, ứng dụng thương mại điện tử, mở thêm các điểm bán hàng OCOP, tăng cường trao đổi hàng hoá OCOP với các địa phương trong cả nước…

Đặt doanh nghiệp vào trung tâm quá trình phục hồi

Chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Nghệ An, phát triển mạnh mẽ nhất là hình thức mua bán online ngày càng “được lòng” người tiêu dùng. Bên cạnh các cửa hàng tiện lợi kinh doanh các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các cửa hàng tiện lợi chuyên về một nhóm ngành hàng, tiêu biểu là nhóm ngành hàng thực phẩm theo hướng thực phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng hình thành ngày càng nhiều hơn.

Chuỗi siêu thị Vinmart đưa vào hoạt động, có mặt trên hầu hết các tuyến phố ở TP. Vinh (Nghệ An) cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ Việt cũng như hàng hoá của các doanh nghiệp trong nước dần được lòng người tiêu dùng. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của các thương hiệu địa phương đã cho ra đời các sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng và sản phẩm OCOP.

Một số dự án công trình trọng điểm, trong đó có nhiều dự án thương mại - dịch vụ với tổng vốn các dự án lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, như các dự án lớn về chợ, trung tâm thương mại lớn như: Dự án chợ Tân Kỳ; Dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Đô Lương, chợ thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), chợ thị xã Hoàng Mai, trung tâm thương mại Lan Chi (Đô Lương)… Nhiều dự án đi vào hoạt động như: trung tâm thương mại Vincom ở xã Vân Diên (Nam Đàn); trung tâm thương mại Hương Giang, trung tâm thương mại Hub City, Vinh Center tại TP. Vinh; chợ Sen tại xã Vân Diên (Nam Đàn); tổng kho xăng dầu DKC tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc)… Với những hạ tầng thương mại đã có sẵn cùng nhiều dự án thương mại trọng điểm động lực sẽ triển khai sắp tới, thị trường bán lẻ Nghệ An hoàn toàn có cơ hội bứt phá và tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thời gian qua, để cùng doanh nghiệp vượt khó, tỉnh Nghệ An xác định thúc đẩy thị trường tiêu thụ nội địa, tạo cơ chế nhanh gọn, kịp thời giúp doanh nghiệp phục hồi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường chờ thời cơ tăng tốc. Cũng theo ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương đòi hỏi các nhà “cầm quân” phải có những giải pháp đồng bộ hơn, quyết liệt hơn. Bởi chỉ cần chậm chân, ngại chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ đánh mất thời điểm vàng. Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu nên trong tất cả các kịch bản mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại, doanh nghiệp cần xây dựng quy trình sản xuất an toàn, cần tính tới kịch bản nếu dịch bệnh quay trở lại, phải tìm hướng sản xuất, kinh doanh bền vững.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả