Nghệ An: Sau giải cứu, 9 cá thể hổ vẫn chưa “an cư”?
Gần 01 tháng trôi qua, 8 trong tổng số 17 cá thể hổ nuôi trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã chết sau khi được giải cứu. Vụ án cũng đã được khởi tố, tạm giữ các đối tượng liên quan.
Đáng quan tâm là 9 cá thể hổ còn lại hiện vẫn đang trong trạng thái được gửi nuôi tạm tại cơ sở trang trại trên địa bàn huyện Diễn Châu nhưng vấn đề đơn vị nào đáp ứng đủ điều kiện đứng ra đưa về tiếp tục nuôi dưỡng vẫn chưa được công bố.
Chờ ngành chức năng trả lời
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trước đó vào rạng sáng ngày 04/8, Công an Nghệ An đã tiến hành phá chuyên án, bắt giữ vụ nuôi nhốt trái phép 17 cá thể hổ đã trưởng thành trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành.
Theo đó, 14 cá thể hổ có trọng lượng gần 200kg/con được nuôi tại gia đình ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) và Hồ Thị Thanh (31 tuổi) ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Cũng trong sáng 04/8, lực lượng chức năng đã tiến hành bắt quả tang gia đình bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi), trú tại xóm Phú Xuân, xã Đô Thành đang nuôi nhốt 3 con hổ trưởng thành có trọng lượng 225kg - 265kg/con được đào hầm với diện tích 120m2 để nuôi nhốt trong nhà.
Vụ việc sau đó đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An tiến hành phê duyệt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) trú tại xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành theo Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trả lời báo chí xung quanh vụ việc nói trên, Đại tá Nguyễn Đức Hải – Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đây là chuyên án bắt giữ hổ nuôi trái phép lớn nhất từ trước đến nay ở Nghệ An.
Đại tá Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, việc 08 cá thể hổ bị chết sau khi đưa lên xe chuyên dụng di chuyển đến nơi khác là sự việc ngoài ý muốn của lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ.
Còn 9 cá thể hổ còn lại đã được gửi tiếp tục nuôi nhốt tại Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm trên địa bàn xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An với chi phí ăn, chăm sóc khoảng 20 triệu đồng/ngày.
Số cá thể hổ được lực lượng chức năng phát hiện, giải cứu vào ngày 04/8/2021 tại xã Đô Thành, huyện Đô Thành, Nghệ An
Theo Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam thì 9 cá thể hổ này không thể thả về môi trường tự nhiên được vì đã mất khả năng sinh tồn trong thiên nhiên vì đã được nuôi nhốt suốt một thời gian dài. Khả năng săn mồi kém, bị nuôi nhốt một chỗ lâu nên phương án đưa ra là phải tìm kiếm cơ sở bảo tồn đủ điều kiện để tiếp tục chăm sóc.
Liên quan đến số phận 9 cá thể hổ còn sống được dư luận quan tâm về hướng xử lý như thế nào, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trả lời báo chí là địa phương hiện đang chờ phản hồi từ phía Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) để nhờ hỗ trợ, tìm kiếm khu bảo tồn phù hợp.
Còn 8 cá thể hổ đã chết là tang vật, vật chứng vụ án hiện vẫn đang cơ quan chức năng bảo quản, lưu giữ để phục vụ quá trình điều tra.
Đơn vị nào sẽ nhận nuôi hổ?
Gần 01 tháng trôi qua, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khởi tố vụ án, 8 cá thể hổ cũng đã bị chết do sự cố ngoài ý muốn, 9 cá thể loài này còn lại vẫn chưa thể quyết định số phận lâu dài sẽ giao cho đơn vị nào.
Trong khi đó, số lượng cá thể hổ mà cơ quan chức năng đã giải cứu lại không thể thả về môi trường tự nhiên được do chưa đáp ứng được các quy định tại Điều 10, khoản 3 Điều 40 Nghị định 06/2019 và Điều 11 Thông tư 29/2019 của Bộ NN&PTNT quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng.
Trong đó, điều kiện để xác định được nơi cư trú tự nhiên của loài động vật này bị loại trừ do các cá thể hổ nói trên đã được nuôi nhốt suốt thời gian dài.
Mặt khác, tại mục b khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2019 quy định về xử lý mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm sau tịch thu nêu rõ: Ngay sau xử lý mẫu vật theo quy định của pháp luật phải bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để tổ chức chăm sóc và bảo quản mẫu vật.
Đối với mẫu vật sống xử lý theo thứ tự ưu tiên sau: Thả lại môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh và phân bố tự nhiên của loài nếu mẫu vật khỏe mạnh; hoặc chuyển giao cho cơ sở cứu hộ động vật, vườn động vật hoặc vườn thực vật nếu mẫu vật yếu cần cứu hộ hoặc tiêu hủy.
Quy định là vậy nhưng hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa thể công bố địa điểm, cơ sở nào đủ điều kiện để bàn giao 9 cá thể hổ còn sống cho tổ chức, đơn vị nuôi, chăm sóc.
Sau khi giải cứu thì 8 trong số 17 cá thể hổ đã bị chết vì nguyên nhân ngoài ý muốn hiện nay không thể thả về môi trường tự nhiên do khả năng săn mồi, bản năng thích ứng suy giảm
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cũng cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh để tham mưu UBND tỉnh gửi văn bản Cục Kiểm lâm và Tổng cục Lâm nghiệp nhưng đến nay vẫn đang chờ hướng dẫn xử lý.
Và, trong quá trình chờ hướng dẫn thì việc chăm sóc, bảo vệ phải bảo đảm hiệu quả tốt nhất. Với 9 cá thể hổ đang được Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, ước tính mỗi tháng sẽ phải tiêu tốn hết gần 600 triệu đồng. Nguồn tiền được trích từ ngân sách hay từ nguồn khác để nuôi, chăm sóc 9 cá thể hổ đến nay vẫn chưa thể đưa ra đáp số.
Còn theo diểm d khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, với việc chờ trả lời của cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý vụ việc nói trên, đến nay đơn vị chức năng tỉnh Nghệ An vẫn chưa đưa ra phương án cuối cùng để ổn định chăm sóc, thuần dưỡng lâu dài cho 9 cá thể hổ đang gửi tạm tại Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận