Ngày thứ 4 chiến sự: Nga tiến quân, Ukraine kháng cự quyết liệt, EU tung đòn hiếm
Ngày thứ 4 Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, cuộc giao tranh lan sang Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Các nước phương Tây tiếp tục tung nhiều đòn mới để phản ứng hành động của Nga.
Tình hình thực địa khó lường
Trong ngày 27.2, ngày thứ 4 kể từ khi Nga đưa quân đến tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, các thông tin trên thực địa tiếp tục nhiễu loạn do Nga, Ukraine và nguồn tin từ các nước phương Tây.
Tại thủ đô Kiev, tiếng còi báo động oanh tạc vang lên vào khoảng 8 giờ sáng và sau đó vài phút có một tiếng nổ lớn ở phía tây trung tâm thành phố. Khoảng 20 phút sau, có thêm 2 tiếng nổ nữa được nghe thấy.
Trong khi đó, tại Kharkov, nằm ở đông bắc Ukraine, gần các vùng Luhansk và Donetsk và cách thủ đô Kiev hơn 400 km, lực lượng Nga đã tiến đến vào sáng 27.2. Đây là thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Truyền thông Mỹ phân tích các hình ảnh và video cho thấy giao tranh đã xảy ra tại Kharkov. Cố vấn Anton Gerashchenko của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cũng xác nhận giao tranh xảy ra tại trung tâm thành phố này.
Trong một thông báo sau đó cùng ngày, Thống đốc Oleg Sinegubov của vùng Kharkov cho hay các lực lượng của Ukraine vẫn duy trì kiểm soát hoàn toàn đối với thành phố Kharkov, đã đẩy lùi lực lượng Nga. Tuy nhiên, cũng có thông tin rằng Kharkov vẫn bị lực lượng Nga bao vây tứ phía.
Ngoài ra, trong ngày 27.2, Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố quân đội nước này đã bao vây "hoàn toàn" thành phố Kherson ở miền nam Ukraine và thành phố Berdyansk ở phía đông nam.
Thiệt hại lớn
Cùng ngày, Nga và Ukraine đưa thông tin về thiệt hại của đối phương sau 4 ngày. Cụ thể, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar ngày 27.2 nói rằng quân đội Nga mất 4.300 binh sĩ, 146 xe tăng, 27 máy bay và 26 trực thăng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24.2 đến nay. Tuy nhiên bà cũng nhấn mạnh con số trên đang được làm rõ.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin trên và cũng chưa công bố thiệt hại chi tiết phía Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cùng ngày 27.2 thông báo với các phóng viên rằng lực lượng Nga đã vô hiệu hóa 975 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, trong đó có 23 căn cứ chỉ huy và trung tâm liên lạc của lực lượng vũ trang Ukraine, 3 trạm radar, 31 hệ thống phòng không S-300, 48 thiết bị radar...
Ngoài ra, Nga nói đã bắn rơi 8 máy bay chiến đấu, 7 trực thăng, 11 phương tiện không người lái, 2 bệ phóng tên lửa Tochka-U. Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga còn khẳng định đã loại bỏ 223 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 28 máy bay phản lực (trên bộ), 39 hệ thống tên lửa phóng loạt, 86 vũ khí pháo binh và súng cối, 143 đơn vị xe chiến thuật đặc biệt của Ukraine, theo TASS. Phía Ukraine chưa bình luận về các số liệu trên.
Chuẩn bị đàm phán ở biên giới Ukraine- Belarus
Giữa lúc tình hình giao tranh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, hy vọng xuất hiện khi hai bên chấp nhận đàm phán. Cụ thể, Đài RT ngày 27.2 đưa tin Ukraine đã đồng ý gửi phái đoàn đến Belarus để đàm phán với Nga và trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho hay Kiev đã xác nhận về việc sẽ tham gia đối thoại tại vùng Gomel ở Belarus, giáp Ukraine.
Ông cho hay 2 bên đang quyết định về hậu cần và địa điểm chính xác, với “an ninh tối đa” cho phía Ukraine. Thông tin mới nhất, cuộc đàm phán có thể diễn ra vào sáng 28.2 (giờ địa phương).
Trước đó, phái đoàn Nga đến Gomel vào ngày 27.2, nhưng Kiev muốn đàm phán ở địa điểm trung lập, khi cho rằng quân đội Nga đã dùng lãnh thổ Belarus để đưa quân sang Ukraine, dù Belarus bác bỏ.
Một quan chức chính phủ Ukraine cho hay đại diện nước này sẵn sàng đàm phán với Nga về chiến dịch quân sự mà không có tối hậu thư, đồng thời chỉ trích quyết định của Nga về việc cử phái đoàn đến Belarus để đàm phán là động thái “tuyên truyền”. Sau đó, phái đoàn Nga cho hay họ sẽ chờ đến 15 giờ ngày 27.2 (giờ địa phương).
Tuy nhiên, theo phát ngôn viên Natalia Eismont của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky đã điện đàm với ông Lukashenko.
Sau cuộc điện đàm trên, ông Lukashenko đã điện đàm với Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Nga đồng ý sẽ dời thời hạn đàm phán với Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky xác nhận đã điện đàm với nhà lãnh đạo Belarus. “Các chính trị gia đồng ý rằng phái đoàn Ukraine sẽ gặp phái đoàn Nga vô điều kiện tại biên giới Ukraine-Belarus, gần sông Pripyat. Ông Lukashenko nhận trách nhiệm đảm bảo rằng mọi máy bay và tên lửa đóng tại lãnh thổ Belarus sẽ ở mặt đất trong thời gian phái đoàn Ukraine đi, gặp và trở về”, theo thông cáo của văn phòng Tổng thống Ukraine.
Báo động lực lượng răn đe hạt nhân Nga
Hãng Reuters ngày 27.2 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin lệnh cho quân đội đặt lực lượng răn đe của Nga, đề cập các đơn vị trong đó có vũ trang hạt nhân, vào tình trạng cảnh giác cao.
“Như các bạn có thể thấy, không chỉ những nước phương Tây có các biện pháp thiếu thân thiện đối đất nước chúng ta về kinh tế - tôi muốn nói đến các lệnh cấm vận phi pháp mà mọi người biết rõ – mà còn giới lãnh đạo các nước dẫn đầu NATO có những phát biểu hung hăng đề cập đất nước chúng ta”, ông Putin phát biểu trên truyền hình.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sau đó chỉ trích quyết định của Tổng thống Nga Putin về việc đặt lực lượng răn đe hạt nhân vào tình trạng cảnh báo là hành vi “vô trách nhiệm”.
Phản ứng trước động thái trên, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng điều đó thể hiện một sự leo thang “hoàn toàn không thể chấp nhận”. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho hay bà cực lực lên án quyết định của ông Putin.
Động thái của phương Tây
Khuya 27.2 (giờ Việt Nam), Hãng AP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo liên minh 27 nước này sẽ đóng cửa không phận với các hãng hàng không Nga, chi tiền mua vũ khí cho Ukraine và cấm một số hãng truyền thông ủng hộ Điện Kremlin.
Theo bà, đây sẽ là lần đầu tiên Liên minh châu Âu (EU) “chi tiền mua và phân phối vũ khí và các thiết bị khác cho một nước đang bị tấn công”.
Cũng trong ngày 27.2, Mỹ cho biết đang gửi gần 54 triệu USD viện trợ nhân đạo mới cho Ukraine.
Nhiều nước cam kết gửi vũ khí đến Ukraine, trong đó có Đức khi thay đổi lớn trong chính sách không xuất khẩu vũ khí sang các khu vực có chiến sự hay xung đột của Berlin. Cụ thể, Đức đã cam kết chuyển 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger cho Ukraine.
Bộ Quốc phòng Bồ Đào Nha cũng cho biết sẽ gửi thiết bị quân sự cho Ukraine gồm áo chống đạn, mũ bảo hiểm, kính nhìn đêm, lựu đạn và đạn dược...
Về cấm vận, các lãnh đạo của Mỹ, Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý và Ủy ban châu Âu đã đưa ra tuyên bố chung, thông báo sẽ áp đặt thêm các lệnh cấm vận nhằm “cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế” và nền kinh tế của các bên này. Lệnh cấm vận sẽ được thi hành trong những ngày tới, đáng chú ý là việc loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống SWIFT.
SWIFT là từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, được thành lập vào năm 1973 và có trụ sở tại Bỉ. Đây là hệ thống truyền tin nhắn giao dịch và lệnh chuyển tiền chính trên toàn cầu, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc bị loại khỏi SWIFT được coi là “vũ khí hạt nhân tài chính”, sẽ khiến các ngân hàng khó có thể chuyển tiền vào hoặc ra nước ngoài, gây cú sốc cho cả các công ty Nga lẫn khách hàng nước ngoài, theo CNN.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận