Ngày đầu áp dụng quy định cấm lôi kéo người khác uống rượu bia, dân mạng xôn xao bàn luận
Quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia được áp dụng từ hôm nay (1/1/2020) là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của dân mạng.
Sau khi Luật được ban hành và các quy định mới nổi bật được phổ biến, đại đa số bộ phận người dân đều tán thành. Bia, rượu từ lâu đã trở thành một phần trong văn hóa "nhậu" của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết "vui có chừng, dừng đúng lúc", thậm chí khi bạn bè rủ rê, lôi kéo thì dù say nhưng "vui vẫn uống". Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp gây nên các vụ tai nạn thảm khốc, người tham gia giao thông do quá chén mà không điều khiển được tốc độ.
Nhìn lại năm 2019, xã hội Việt Nam phải chứng kiến hàng loạt các vụ tai nạn giao thông thảm khốc do tác hại của việc uống rượu bia. Sự mất mát, đau đớn của các gia đình nạn nhân được phản ánh gây rúng động trong xã hội.
Bình luận về quy định mới cấm rủ rê bạn bè uống rượu, bia, cộng đồng mạng bày tỏ sự ủng hộ, tán thành cao. Nhiều tài khoản cho rằng quy định này cần phải được ban hành từ nhiều năm trước, đặc biệt, quy định này cũng cần được phổ biến rộng rãi, tăng tính nhận thức cho công dân.
"Đáng lý ra nên xây dựng luật này từ lâu. Mấy ông chồng rất hay nhẹ dạ, chỉ cần bạn bè rủ một câu là vui lên đi luôn. Mà chắc chắn đã uống thì không có chuyện tỉnh táo về nhà. Có luật quy định, chỉ mong mấy ông biết sợ mà bớt nhậu đi", Nguyễn Thu Thảo bình luận.
"Luật đưa ra cũng cần phổ biến rộng rãi đến người dân để người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm hơn. Riêng bản thân mình tán thành việc không ép buộc uống bia rượu, vì đúng thật nhiều ông tửu lượng thấp, ép uống rồi sốc rượu cũng sợ lắm", tài khoản Phạm Dũng viết.
Mỹ Linh viết: "Quy định không ép buộc rủ rê này thực sự có lợi cho chị em. Nhiều khi đi công tác xa, đàn bà con gái cũng chỉ muốn uống xã giao thôi nhưng các anh lại cứ bắt nâng ly, uống cạn, từ chối lại bất lịch sự. Mỗi lần đi công tác nghĩ cảnh phải giao lưu cũng hết hồn".
"Luật quy định rồi, từ nay anh em đừng gọi tôi nữa nhé!"; "Nhiều khi mình cũng vì cả nể mà đi uống rượu, tửu lượng kém cũng chẳng uống được là bao nhưng sợ không uống mất vui nên lại cố. Có luật rồi mong anh em sẽ nhậu văn minh hơn"; là một số những bình luận của cộng đồng mạng về điểm mới này trong luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
"Thiết nghĩ nên cấm uống bia rượu có cồn luôn, cấm luôn cả sản xuất nữa. Mình là một người đi làm chở hàng bằng xe máy, đi cả ngày ngoài đường và nỗi ám ảnh của mình là gặp những người uống bia rượu rồi còn đi ra đường", chia sẻ chân thật từ thành viên Văn Thanh.
Tài khoản Kim Mạnh Thắng Nguyễn đưa ra sự so sánh: "Văn hoá nhậu nhẹt của dân mình vẫn còn thấp so với các nước phát triển. Cách ứng xử trong khi nhậu và sau khi nhậu xong vẫn còn hạn chế. Dân ta có lẽ phải học hỏi thêm ở họ. Họ có nền văn hoá ứng xử khi uống rượu bia rất tốt. Đôi khi không cần phải mâm cao cỗ đầy chỉ cần một người bạn, người thân trong gia đình cùng nhau uống vài chén rượu, đôi ba cốc bia nhâm nhi nói chuyện vui vẻ. Chỉ như vậy là vui rồi, đừng có uống kiểu thúc ép nhau, rồi cà khịa nhau trên bàn nhậu, hoặc chửi tục rồi cãi nhau. Chính vì vậy, tôi ủng hộ tuyệt đối quy định này".
Bên cạnh những ý kiến tán thành quy định mới này, nhiều người cũng chia sẻ những băn khoăn khi ở Việt Nam, luật thường nằm trên giấy, tồn tại rất nhiều trường hợp tìm cách "lách luật", biết rõ luật cấm nhưng vẫn nhất định không tuân thủ.
"Việc sử dụng các đồ uống có cồn, đặc biệt là bia, rượu đối với người Việt là vô cùng phổ biến. Để thay đổi ý thức của thế hệ trẻ nghĩ còn đơn giản, còn thay đổi suy nghĩ của người lớn tuổi sẽ khó khăn hơn. Nhất là tâm lý người Việt hay lách luật, làm liều", Minh Thu bình luận.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng quy định trách nhiệm của các thành viên khác trong gia đình "động viên, giúp đỡ người nghiện rượu bia trong gia đình cai nghiện rượu bia; hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu bia…" khiến nhiều người thích thú. Đặc biệt hội chị em còn gián tiếp nhắc nhở chồng mình thông qua các bình luận hóm hỉnh.
"Thế là từ nay ai đó hết lý do để về nhà muộn với vợ con nhé"; "Năm nay các luật ra đều để bảo vệ chị em phái nữ. Đúng là chỉ cần các anh em không rủ nhau bớt rượu, bớt bia là chị em bớt lo nghĩ đi nhiều lắm!"; "Là một người vợ, tôi chỉ mong sau khi tan làm chồng sẽ về nhà không mùi rượu bia hay trong tình trạng khướt khượt sau khi nhậu công việc cùng đồng nghiệp", là những tâm sự của chị em trên các diễn đàn.
5 điểm mới đáng lưu ý Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được áp dụng từ 1/1/2020
1. Đã uống rượu bia thì không được lái xe
Tại Điều 5 của luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Ngoài ra, Luật cũng nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe…
2. Quán nhậu hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia
Các chủ quán nhậu phải có trách nhiệm hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia. Cụ thể, khoản 6 Điều 32 quy định: “Cơ sở bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu bia”.
3. Phải dán thông báo không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi
Tất cả cơ sở bán rượu bia phải thực hiện yêu cầu này. Cụ thể, khoản 5 Điều 32 của luật chỉ rõ: “Cơ sở bán rượu bia phải niêm yết thông báo không bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”.
4. Thành viên gia đình được hướng dẫn kỹ năng từ chối uống rượu bia
Điều 34 quy định các gia đình có trách nhiệm “Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu bia trong gia đình cai nghiện rượu bia; hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu bia…”.
5. Không mở mới điểm bán rượu bia gần trường học, bệnh viện
Khoản 7 Điều 32 nêu rõ: “Kể từ ngày luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận