menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Mạnh

Ngành thủy sản quyết gỡ thẻ vàng

Sớm gỡ được thẻ vàng IUU là động lực để thủy sản Việt Nam duy trì uy tín và gia tăng vị thế của quốc gia trên thị trường toàn cầu, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, đạt kim ngạch xuất khẩu 16-18 tỷ USD vào năm 2030.

Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP và tạo ra 4,7 triệu việc làm (tương đương khoảng 5% tổng số việc làm trong khu vực chính thức). Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỷ USD/năm, trong đó thủy sản nuôi trồng đóng góp từ 60-65%, thủy sản khai thác chiếm từ 35-40% giá trị.

Là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuy nhiên, với đặc thù nghề cá nhỏ lẻ, Việt Nam đang phải đối diện với một thách thức lớn liên quan đến cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) từ tháng 10/2017, do nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Hệ lụy khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So sánh kết quả xuất khẩu 2017 - 2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD, riêng hải sản giảm 43 triệu USD. Trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019.

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, cả do bị tác động bởi dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và việc Vương quốc Liên hiệp Anh, Bắc Ireland rời Liên minh Châu Âu (Brexit), xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.

Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.

Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam” do VASEP phối hợp với các chuyên gia của Đại học Nha Trang và Đại học Kinh doanh Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện, có sự giám sát của WB và được tài trợ bởi hai quỹ tín thác do WB quản lý, cho thấy, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các Quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng IUU, trong khi sản phẩm thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng gián tiếp.

Trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU. Hậu quả mà ngành thủy sản Việt Nam sẽ gánh chịu tổn thất ước tính khoảng 480 triệu USD/năm nếu mất thị trường EU; trong đó, tổn thất từ hải sản khai thác (gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác) ước khoảng 387 triệu USD/năm.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) cho biết, EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của bà con ngư dân về một nghề khai thác bền vững, có trách nhiệm và hội nhập.

Các kết quả chính có thể kể đến là thực thi Luật Thủy sản. Rồi việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu trên 24 m đã cơ bản hoàn thành. Công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản tại các cảng cá được chỉ định cho tàu khai thác đã cơ bản đảm bảo. Năm 2020, cả nước đã xử phạt tàu vi phạm các hành vi IUU là 2.468 vụ với số tiền trên 61 tỷ đồng, nhiều hành vi đã bị xử phạt với khung cao nhất lên đến 1 tỷ đồng…

Đồng thời, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị VASEP và các thành viên chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để chống khai thác IUU; kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng khai thác thủy sản, đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của EC… tại các địa phương.

Càng sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA, Việt Nam không chỉ tăng thêm cơ hội phục hồi, hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU từ 1,2 - 1,4 tỷ USD trong những năm tới. Quan trọng hơn, đây là động lực để thủy sản Việt Nam duy trì uy tín và gia tăng vị thế của quốc gia trên thị trường toàn cầu, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, đạt kim ngạch xuất khẩu 16-18 tỷ USD vào năm 2030.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả