Ngành thép thoái trào, nhưng kịch bản ảm đạm năm 2018-2019 khó tái diễn
Khi giá thép cắm đầu giảm sâu, SSI Research – bộ phận phân tích của CTCK SSI – nhận định tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý 2 và quý 3/2022. Tuy vậy, kịch bản ảm đạm của giai đoạn 2018-2019 sẽ khó lặp lại do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn.
Giá thép giảm sâu vì nhu cầu yếu
Sản lượng tiêu thụ chững lại trong vài tháng gần đây sau khi tăng 15% trong quý 1/2022. Trong tháng 4-5/2022, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.
Theo SSI Research, nhu cầu yếu hơn đáng kể chủ yếu do ba yếu tố: (1) Giá thép cao, hoạt động xây dựng bị đình trệ (do giá đầu vào quá cao), (2) lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh thôi thúc các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho, và (3) các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.
Với kênh xuất khẩu, sản lượng vẫn ổn định trong quý 2/2022. Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích tại SSI Research dự báo sản lượng có thể giảm tốc trong các quý tới. Kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý 4/2021.
Đà giảm về sản lượng tiêu thụ chủ yếu đến từ sự suy giảm nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU). Trước đó, các thị trường này từng chiếm 60-70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam trong điều kiện thuận lợi.
Các công ty tôn mạ như HSG và NKG đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu thực hiện cho đến cuối tháng 7 và tháng 8 với sản lượng khoảng 60 ngàn tấn/tháng. Tuy nhiên, việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu trước từ 1 đến 2 tháng cho thấy xu hướng chậm lại so với giai đoạn trước khi các công ty ký trước khoảng 3-4 tháng.
Nhu cầu yếu ớt cũng thể hiện qua đà giảm của giá thép. Trong đó, giá thép xây dựng đã trải qua 7 lần giảm liên tiếp trong hơn 1 tháng qua xuống vùng 16-17 triệu/tấn. Còn giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Việt Nam cũng lao dốc xuống 700 USD/tấn. Trong khi đó, ở Mỹ, giá nguyên liệu này cũng chỉ còn 980 USD/tấn (giảm mạnh so với đỉnh 1,800 USD/tấn) và ở châu Âu chỉ còn 885 USD/tấn tại ngày 04/07.
Giảm mạnh giá mục tiêu của các cổ phiếu thép
Trong bối cảnh ngành thép ảm đạm, SSI Research giảm mạnh mục tiêu giá của các ông lớn ngành thép như HPG, HSG, NKG xuống mức tương ứng 27,000 đồng/cp, 17,000 đồng/cp và 21,000 đồng/cp. Cách đây hơn 1 tháng, SSI còn đặt mục tiêu cổ phiếu HPG lên tới 50,000 đồng/cp. Đi kèm với đó là việc giảm mạnh lợi nhuận dự báo cho năm 2022 với các ông lớn ngành thép.
Tuy nhiên, có lẽ không cần chờ đến khi sự ảm đạm được thể hiện cụ thể trên báo cáo tài chính, các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu thép từ trước. Nhiều cổ phiếu thép đã giảm hơn 60% so với mức đỉnh, đáng chú ý HPG “bốc hơi” hơn 120 ngàn tỷ vốn hóa chỉ trong vài tháng.
Kịch bản 2018-2019 khó lặp lại
Đợt giảm mạnh của giá thép và sự ảm đạm về nhu cầu gợi nhớ lại hồi ức đáng quên của ngành thép về giai đoạn năm 2018-2019. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng kịch bản năm 2018-2019 khó tái diễn khi tình hình tài chính của các công ty thép đã lành mạnh hơn rất nhiều.
Trong năm 2018-2019, việc lợi nhuận bùng nổ trong năm 2016-2017 đã thúc đẩy nhiều công ty tăng công suất từ 50%-100%, nhất là trong lĩnh vực tôn mạ.
Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng khác như Hòa Phát và Pomina cũng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tôn mạ, làm gia tăng sự cạnh tranh. Ngoài ra, nợ và hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép đầu năm 2018 cũng rất cao.
Kết quả là khi ngành thép bước vào giai đoạn thoái trào, các công ty trong ngành phải chấp nhận cắt giảm biên lợi nhuận trong năm 2018-2019 để cắt giảm hàng tồn kho và giảm nợ vay.
Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2021 lại rất khác khi không có sự gia tăng công suất đáng kể trong lĩnh vực thép mạ và thép xây dựng.
Hiện tại, một số doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này như Hòa Phát, Nam Kim đã có kế hoạch mở rộng cho những năm tới. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng sự ảm đạm của ngành thép và lạm phát quá cao có thể khiến các hãng thép chậm trễ trong việc triển khai các dự án này vì công suất sử dụng của nhà máy dự kiến sẽ giảm xuống dưới công suất tối đa vào cuối năm 2022.
Đồng thời, tỷ lệ nợ của các công ty tôn mạ cũng đã ở mức an toàn hơn nhiều so với giai đoạn trước.
“Mặc dù tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất tôn mạ có thể bị suy giảm trong ngắn hạn nhưng vẫn sẽ cao hơn mức đáy ghi nhận được trong năm 2018- 2019”, các chuyên viên phân tích tại SSI Research cho biết trong báo cáo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận