24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Như
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngành tài chính, viễn thông trước tác động từ EVFTA

Trong 5 năm đầu tiên sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam có thể xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng tỷ lệ nắm giữ lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng nội địa. Song, cam kết này chỉ có hiệu lực trong 5 năm và không áp dụng với 4 ngân hàng, gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank.

Trong EVFTA, cam kết liên quan tới dịch vụ tài chính và viễn thông nằm trong nhóm có cách thức tiếp cận đặc biệt. Một mặt, việc mở cửa không chỉ có ý nghĩa với bản thân các ngành này, mà còn có tác động tích cực tới toàn bộ nền kinh tế.

Mặt khác, đây là những nhóm dịch vụ nhạy cảm, gắn liền với sự ổn định của nền tài chính và kinh tế quốc dân, an toàn - an ninh thông tin, ảnh hưởng trực tiếp và tức thời tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội, nên luôn phải thận trọng.

Về dịch vụ tài chính, Việt Nam cam kết mở cửa, nhưng không phải toàn bộ. Tại EVFTA, lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán không mở cửa thêm, cũng chưa cam kết mở cửa hoạt động của ngân hàng trung ương, trung gian tiền tệ, công ty nắm giữ tài sản quản lý thị trường tài chính, mà chỉ mở thêm duy nhất dịch vụ nhượng tái bảo hiểm, còn về mức cam kết thì không có gì thay đổi so với những cam kết tại WTO.

Phân tích về tác động của EVFTA đối với ngành tài chính, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sẽ không có tác động trực tiếp quá lớn về đầu tư nước ngoài vì là ngành hạn chế mở cửa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính chia sẻ thêm, so với WTO, cam kết của lĩnh vực bảo hiểm tại EVFTA thông thoáng hơn, đó là doanh nghiệp được thành lập chi nhánh tái bảo hiểm nước ngoài với điều kiện sau 3 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.

Trả lời câu hỏi việc thận trọng trong mở cửa ngành tài chính có làm giảm cơ hội tận dụng nguồn vốn, cũng như công nghệ từ EU trong phát triển lĩnh vực này hay không, bà Trang cho rằng, với lĩnh vực nhạy cảm như tài chính - ngân hàng, đây là cách tiếp cận thích hợp, tùy theo nhu cầu có thể mở cửa cao hơn.

Theo chuyên gia này, trong mọi lĩnh vực, cam kết là mức ràng buộc tối thiểu, chúng ta có thể mở cửa đơn phương, tự nguyện theo cách mà chúng ta mong muốn.

Với ngành viễn thông, EVFTA không mở cửa thêm trong 5 năm đầu, nhưng 5 năm sau đó có hiệu lực mở cửa cao hơn so với cam kết WTO về mức vốn nước ngoài trong liên doanh, dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng mở cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Riêng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng, tỷ lệ vốn nước ngoài có thể đạt tối đa 75%. Bên cạnh đó, các cam kết nền về cơ chế quản lý, các ràng buộc chống độc quyền và bảo vệ cạnh tranh được kỳ vọng sẽ giúp thị trường viễn thông ổn định và minh bạch hơn.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI nhìn nhận, EVFTA có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến nhiều ngành, lĩnh vực, bao gồm cả tài chính và viễn thông.

“Khi EVFTA có hiệu lực, môi trường kinh doanh sẽ ổn định và dễ dự đoán hơn đối với dịch vụ tài chính, nhất là với các cam kết rõ ràng về ngoại lệ thận trọng, các cam kết liên quan tới các dịch vụ tài chính mới và những vấn đề quan trọng trong cung cấp dịch vụ tài chính”, ông Phòng nói.

Theo đại diện VCCI, những cam kết của EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023; 4,57-5,3% trong giai đoạn 2024-2028 và 7,07-7,72% trong giai đoạn 2029-2033.

Về tác động gián tiếp, chuyên gia VCCI cho rằng, EVFTA sẽ khiến nhu cầu dịch vụ gia tăng, giúp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ổn định, minh bạch.

Cùng với đó là cơ hội đầu tư ra các nền kinh tế thành viên của EU, hay cơ hội hợp tác với các đối tác EU trong việc cải thiện chuyên môn, công nghệ, quản trị và năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh mở ra cơ hội, nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là ngành tài chính và viễn thông, sẽ đứng trước áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập.

Yêu cầu của khách hàng đối với các dịch vụ cũng sẽ ngày càng cao hơn và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, thách thức về bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong giao dịch... cũng là vấn đề mà nền kinh tế phải đối mặt.

Theo ông Nguyễn Quý Quyền, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 5 năm EVFTA có hiệu lực, dự báo nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực viễn thông, nên các tranh chấp quốc tế có thể xảy ra thường xuyên hơn.

Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm quen và có sự chuẩn bị sớm đối với “văn hóa kiện” của nước ngoài. Đồng thời để tăng năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cũng cần tập trung gia tăng chất lượng dịch vụ.

EVFTA dự kiến có hiệu lực từ năm 2020. Tại hiệp định này, Việt Nam giữ nguyên như cam kết WTO về việc các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép mua cổ phiếu tổng số đến 30% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần.

Tuy nhiên, Việt Nam có cam kết bổ sung là trong 5 năm đầu tiên sau khi có hiệu lực, Việt Nam có thể xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng tỷ lệ nắm giữ lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Song, cam kết này chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm và không áp dụng với 4 ngân hàng mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả