menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
24HMoney

Ngành sản xuất tiêu dùng, ngành bán lẻ, và RCEP

Ai có dịp đi vào các trung tâm thương mại trong thời gian gần đây cũng đều thấy sự phát triển của các chuỗi cửa hàng bán lẻ nước ngoài đến từ Châu Âu, Mỹ, và gần đây là Hàn, Nhật... Hiện tượng này khẳng định những cảnh báo của tôi nhiều năm trước khi thấy nhà nước mở cửa biên giới cho hàng tiêu dùng Trung Quốc tràn vào.

Lúc ấy tôi đã cảnh báo rằng nếu để cho ngành sản xuất hàng tiêu dùng chết, thì sẽ kéo theo ngành bán lẻ cũng sẽ mất vào tay nước ngoài.

Sau nhiều năm bôn ba kinh doanh, nghiên cứu thị trường các nước ASEAN, tôi đã rút ra một điều rằng ngành bán lẻ và ngành sản xuất tiêu dùng là hai ngành có liên quan, hỗ trợ nhau và cùng nhau tồn tại.

Nếu ngành sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam mà chết, thì may ra là chỉ còn những chuỗi kinh doanh hàng tươi sống, hàng tiêu dùng trong ngày, hàng giá trị thấp là còn tồn tại (các chuỗi này còn là nhờ sản xuất nông nghiệp còn). Các chuỗi khác, nếu còn thì cũng chỉ là tên nội, ruột ngoại, là kênh phân phối cho hàng hóa nước ngoài.

Lúc ấy tôi có nói rõ, mở cửa biên giới (mà gần như là thả cửa) như thế là giết các nhà sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Bởi không như nhập khẩu chính ngạch, hàng nhập khẩu tiểu ngạch, thương mại biên mậu, là hàng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là khi đó là một quốc gia được mệnh danh là "công xưởng của thế giới".

Trong khi chúng ta xuất cho họ nông sản, nguyên liệu sản xuất công nghiệp, những thứ rất thiết yếu, thì họ tống sang cho ta những thứ hàng xuất khẩu bị lỗi, hàng của các HTX chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả... những thứ không thể xuất đi các nước khác qua con đường chính ngạch.

Chính sách thì tôi tin là chỉ nhằm để giúp phát triển kinh tế các tỉnh biên giới, nhưng những loại hàng hóa này thì không dừng ở hoạt động buôn bán biên giới, nó đi sâu vào đến tận hang cùng ngỏ hẻm trên mọi miền đất nước. Và nó đi đến đâu thì các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng trong nước chết đến đó.

Đơn giản là vì sản xuất hợp pháp gánh trên lưng các loại nghĩa vụ thuế má, BHXH, BHLĐ, BHYT, các loại phí ... thì không thể cạnh tranh được với hàng nhập lậu trốn thuế, không thể cạnh tranh với những loại hàng hóa được chính sách nhà nước bên kia trợ giá để khuyến khích xuất khẩu. Nó càng không thể cạnh tranh được với hàng lỗi, hàng thừa quota mà đáng ra phải bỏ đi. Và cũng không thể cạnh tranh với hàng nhái các loại thương hiệu hàng đầu thế giới được làm với chất lượng cực thấp để lừa người tiêu dùng.

Hôm nay, nhìn những mặt hàng được bày bán trong các chuỗi cửa hàng của nước ngoài này, mà hầu hết là sản phẩm có chất lượng bình thường, thậm chí chất lượng thập, giá rẻ, tôi nghĩ trình độ các nhà sản xuất dệt may, gia dày, cơ khí, inox, nhựa, dụng cụ kim loại... của VN hoàn toàn có thể sản xuất được những mặt hàng này. Cái mà họ thiếu chính là cơ hội và môi trường để phát triển.

Tôi nghĩ giá mà hàng Việt Nam chiếm được khoảng 20-30% số này thôi, là cũng đủ để tạo ra công ăn việc làm cho bao nhiêu người lao động, là đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân và là GDP cho đất nước, và đây cũng là nền tảng để hướng đến sự phát triển ở những bậc trình độ khoa học cao hơn.

Và khi đó thì chúng ta sẽ không phải đi lao động xuất khẩu để làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, kiếm từng đồng ngoại tệ gởi về VN để nhập về những mặt hàng "thượng vàng hạ cám" như thế này. Còn những xưởng gia công của chúng ta thì cũng sẽ không phải làm gia công "ba cọc ba đồng" cho nước ngoài, mà là sản xuất hàng mang thương hiệu made in Vietnam với hàm lượng giá trị thu được cao hơn.

Tôi nghĩ giá mà các vị lãnh đạo lúc ấy có sự tính toán lâu dài một tí, thì hẳn đã không thả cửa cho hàng Trung Quốc lộng hành trong một thời gian lâu đến vậy.

Các chính trị gia mà không giỏi kinh tế thì đó là điều bình thường, nhưng nếu họ không biết dùng người, không chịu lắng nghe ý kiến các chuyên gia chuyên ngành, thì đó mới là điều không bình thường.

Tôi hiểu rằng ai lên làm lãnh đạo thì cũng chịu áp lực phải chứng minh hiệu quả, để lại dấu ấn của nhiệm kỳ mình. Trong khi các chính sách kinh tế lớn thường phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mới cho ra kết quả. Chính vì vậy nên các quốc gia cần phải có chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, là nhằm để giảm sự lệch lạc, những hạn chế do tư duy nhiệm kỳ gây ra đối với quá trình phát triển của đất nước.

Dầu sao thì chuyện cũng đã qua, không thể đảo ngược thời gian lại được. Vấn đề là sắp đến sẽ như thế nào?

Tôi có xem đài, đọc một số bài báo về chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đến, và tôi chưa thấy nội dung nào nêu lên cách mà Việt Nam sẽ ứng phó, khai thác RCEP như thế nào. Làm thế nào để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không hạ hàng rào, không mở toang cửa cho hàng tiêu dùng giá rẻ của các nước, từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam?

Hầu hết các bài viết chỉ nêu vấn đề cơ hội xuất khẩu cho hàng nông sản của Việt Nam vốn là mặt hàng có giá trị kinh tế thấp, rủi ro cao, vào các quốc gia RCEP.

Mọi người quên rằng RCEP với điểm cơ bản là không đặt nặng vấn đề xuất xứ sản phẩm và nguyên liệu, sẽ là một điểm thuận lợi cho các quốc gia mạnh hơn Việt Nam như TQ, Nhật, Hàn, Singapore, Úc, thậm chí Thái Lan.

Bởi theo nội dung RCEP thì Nhật, Hàn, Thái Lan, Úc, Singapore... sẽ có thể yên tâm mà tiếp tục đặt nhà máy ở Trung Quốc để tận dụng công nghệ, cơ sở hạ tầng tự động hóa cao, và quan trọng nhất là chính sách khuyến khích (trợ giá) xuất khẩu của Trung Quốc, để xuất sang các nước trong khối RCEP. Chính Trung Quốc thúc đẩy RCEP là để giảm bớt tác động do các chính sách của Mỹ gây ra đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây. Các chính sách này đã khiến cho nhiều công ty nước ngoài dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Ngay cả Thái Lan, Ấn độ (nếu vào RCEP) thì cũng có lợi thế hơn hẳn VN về ngành nông sản, bởi họ có các chính sách hỗ trợ (trợ giá) xuất khẩu.

Vậy nếu thực hiện RCEP thì các ngành công nghiệp khác của Việt Nam làm sao mà phát triển, làm sao mà cạnh tranh được với hàng hóa của Trung Quốc, và hàng hoá các nước khác sản xuất tại Trung Quốc?

Vậy nếu chỉ bằng nông sản, liệu Việt Nam có đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2035 không?

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
24HMoney

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại