Ngành sản xuất của Việt Nam phục hồi trở lại
Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới liên tục tăng, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều ghi nhận đà tăng trưởng. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy các ngành sản xuất của Việt Nam đã phục hồi.
Doanh nghiệp tăng tốc để về đích đúng mục tiêu
Những ngày này, hàng trăm công nhân của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta vẫn đều đặn đến nhà xưởng để chế biến tôm xuất sang thị trường EU và Hàn Quốc. Dù không được tăng ca nườm nượp như trước nhưng việc có đơn hàng, công ăn việc làm ổn định cũng đã là niềm vui của cả công nhân lẫn chủ doanh nghiệp.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta - cho biết, đối với ngành tôm, triển vọng tích cực dần lóe lên trong bối cảnh đầy u ám từ cuối quý III năm trước kéo dài tới nay.
Theo ông Lực, đầu quý III sẽ là cao điểm thu hoạch tôm của Việt Nam bởi các đối tác nước ngoài đều tăng mua dự trữ vì theo quy luật cung cầu, sắp tới chắc chắn tôm thương phẩm sẽ phục hồi từng bước.
Bên cạnh đó, sắp tới sẽ là mùa tiêu thụ do có lễ hội (tháng 7 là Quốc khánh Mỹ, tháng 8 là lễ hội ở Nhật…) và nhất là kế hoạch cho tiêu thụ Noel và mừng năm mới.
Hay với Công ty may mặc Dony, tín hiệu tích cực đã trở lại khi mới đây, 2 đơn hàng dệt may được công ty xuất khẩu thành công đi Trung Đông, Singapore... Doanh nghiệp này đã quyết định thay đổi chiến lược, không tập trung chủ yếu và thị trường truyền thống mà mở rộng sản phẩm để khai thác thêm thị trường mới.
“Gần đây chúng tôi đã mở rộng sang thị trường sát chúng ta trong Đông Nam Á. Dù có biên độ cạnh tranh cao nhưng vẫn có thể làm được nhờ thuận lợi về logistics” - Giám đốc Công ty Phạm Quang Anh chia sẻ.
Theo S&P Global, trong tháng 8.2023, ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận một số dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau 6 tháng.
Đánh giá về con số này, ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence - cho hay: "Chỉ số PMI vẽ một bức tranh tươi sáng hơn về sức khỏe của ngành này so với những tháng gần đây. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại. Một khía cạnh khác từ kỳ khảo sát này là sự kết thúc của thời kỳ giảm giá gần đây khi cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng trong tháng 8 vì lý do thường được cho là giá dầu tăng".
Kỳ vọng từ đầu năm đang có dấu hiệu trở thành hiện thực
Theo ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích tại Chứng khoán Smart Invest - diễn biến của PMI cho thấy thực tế đang diễn ra đúng như kỳ vọng.
Ông nói: "Ngoài PMI, tín hiệu tích cực còn đến từ chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, việc PMI quay trở lại mức 50 điểm cho thấy đơn hàng bắt đầu tăng trưởng. IIP tháng 8 tăng 2,87% so với tháng 7 và 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Chúng ta còn kỳ vọng đơn hàng xuất khẩu sẽ trở lại vào cuối năm khi tồn kho cạn dần và nhu cầu tăng trở lại, đặc biệt trong mùa lễ hội sắp tới".
Theo ông Khánh, từ giờ đến cuối năm, nếu những tín hiệu bên trên cộng thêm yếu tố tiêu dùng tăng trở lại và đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy giải ngân thì sự phục hồi sẽ hình thành một xu hướng rõ nét. Đà hồi phục có thể không theo mô hình V mà đường đi lên theo dốc thoải.
"Đó là một tín hiệu tốt. Những kỳ vọng đặt ra từ đầu năm đang có dấu hiệu trở thành hiện thực" - ông nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Trung tâm Phân tích tại Chứng khoán Rồng Việt - xu hướng cải thiện trong hoạt động sản xuất tại Việt Nam đang tương đồng với 3 quốc gia khác trong khu vực ASEAN là Indonesia, Myanmar và Singapore, nhưng tích cực hơn so với sự suy giảm của Thái Lan, Malaysia và Philippines.
"Tôi kỳ vọng tình hình sẽ tiếp tục xu hướng cải thiện trong những tháng cuối năm khi nhu cầu hàng hóa ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tăng lên để chuẩn bị cho các mùa lễ hội, mua sắm cuối năm" - bà Phương dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận