menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Mỹ Hà

Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy

Từ số liệu KQKD của 17 NH niêm yết, tổng thu nhập lãi thuần tăng 46,1% svck trong Q2/21 từ nền tăng trưởng thấp của Q2/20, được hỗ trợ bởi tín dụng tăng 18,4% svck và NIM bình quân tăng 109 điểm cơ bản.

Lợi nhuận ròng 6T21 tăng trưởng ấn tượng từ mức nền thấp của 6T20

Thu nhập ngoài lãi tăng 36,4% svck nhờ thu nhập phí thuần tăng 53% svck. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) bình quân giảm xuống 34,8% trong Q2/21 từ 36,1% trong Q1/21 và 40,7% của Q2/20. Trong khi đó tổng chi phí dự phòng tăng 89,5% svck, chiếm 42,7% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng. Do vậy, tổng lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết tăng 36,2% svck trong Q2/21, thấp hơn mức 77,3% của Q1/21.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết (có tổng dư nợ vay chiếm 66% tín dụng toàn ngành) tăng 55,5% svck. Trong đó, lợi nhuận ròng của 3 ngân hàng niêm yết có vốn Nhà nước niêm yết là VCB, CTG và BID tăng 42,5% svck.

Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy
Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy
Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy

NIM tăng mạnh trong 6T21, nhưng nhiều khả năng sẽ giảm trong nửa sau

Hầu hết các ngân hàng niêm yết đều ghi nhận biên lãi suất (NIM) mở rộng trong 6 tháng đầu năm do chi phí vốn giảm sâu hơn mức giảm của tỷ suất sinh lời của tài sản. Theo ước tính của chúng tôi, tỷ suất sinh lời của tài sản trung bình giảm nhẹ 43 điểm cơ bản svck, giảm nhẹ hơn so với đà giảm 120 điểm cơ bản của của chi phí vốn. TCB, ACB và BID ghi nhận mức cải thiện NIM lớn nhất trong khi chỉ có HDB và STB ghi nhận giảm NIM trong 6T21.

Về chi phí vốn, lãi suất huy động của các NH tiếp tục xu hướng giảm kể từ năm 2020 và đã giảm khoảng 10-50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn so với đầu năm 2021. Lãi suất huy động giảm là do thanh khoản dồi dào trong khi cầu tín dụng vẫn chưa phục hồi mạnh. Do đó, tất cả các ngân hàng đều được hưởng chi phí vốn (COF) giảm trong 6T21.

Về tỷ suất sinh lời của tài sản, chúng tôi nhận thấy có riêng TCB, MBB và LPB ghi nhận lợi suất tài sản tăng trong 6T21 nhờ tăng cường cho vay (điều này thể hiện qua tỷ lệ cho vay/tiền gửi LDR cuối Q2/21 cao hơn cuối năm 2020). cũng như các NH này gia tăng tỷ trọng cho vay đối với mảng bán lẻ. Bên cạnh đó VCB, VIB và ACB cũng ghi nhận mức giảm lợi suất tài sản ít hơn các NH khác nhờ tỷ trọng cho vay bán lẻ cao.

Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy
Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy
Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy

Chúng tôi cho rằng việc cải thiện NIM sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2021 do các ngân hàng thương mại (NHTM) được yêu cầu hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng/doanh nghiệp trong đại dịch. Cụ thể, các NHTM có vốn nhà nước như VCB và CTG đã giảm lãi suất cho vay lên tới 1 điểm %, trong khi BID giảm lãi suất cho vay lên tới 1,5 điểm % cho tất cả khách hàng trong nửa cuối năm; VCB, sau đó, tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên tới 0,5 điểm % đối với các khoản vay hiện hữu của khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và 17 tỉnh phía Nam khác đang thực hiện Chỉ thị 16; tổng gói hỗ trợ lãi suất của 3 ngân hàng ước tính gần 11.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2021. Trong nhóm các NHTM tư nhân, TCB, VPB, MBB và ACB giảm lãi suất cho vay lên đến 1,5 điểm % đối với các khoản vay hiện tại và khoản vay mới để hỗ trợ khách hàng trong nửa cuối năm.

Trong khi đó, xu hướng cải thiện NIM sẽ không đồng đều giữa các NH, do mức độ biến động của mỗi NH đối với cạnh tranh trong huy động tiền gửi và nhu cầu huy động vốn rất khác nhau. Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh vẫn kéo dài, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt hiện hành cho đến năm 2022. Nhờ vậy, các NH sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chi phí vốn thấp. Do đó, trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi không gay gắt lắm và thanh khoản dồi dào như hiện nay, chúng tôi ưa thích các NH có khả năng mở rộng cho vay cá nhân vì sẽ được hưởng lợi suất tài sản tốt hơn.

Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy

Chất lượng tài sản tiếp tục được cải thiện

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) bình quân tại cuối Q2/21 của 17 NH niêm yết tiếp tục đà giảm xuống mức 1,49% so với mức 1,54% tại cuối 2020 và mức 1,81% tại thời điểm cuối Q2/20. Trung bình nợ nhóm 5 của các NH giảm nhẹ xuống mức 0,78% tại cuối Q2/21 từ mức 0,85% tại cuối 2020. Các NH ghi nhận chất lượng tài sản tốt nhất cuối Q2/21 với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất gồm có: TCB (0,4%), VCB (0,7%), ACB (0,7%) và MBB (0,8%). Đáng chú ý, TCB đã tích cực xóa nợ trong 6T21, giúp tỷ lệ NPL của ngân hàng này đạt mức thấp nhất từ trước đến nay là 0,4%.

Theo công bố, tổng nợ tái cơ cấu của 3 ngân hàng có vốn Nhà nước (VCB, CTG, BID) và 6 ngân hàng niêm yết tư nhân (TCB, MBB, ACB, HDB, VIB, TPB) giảm xuống mức 41.170 tỷ đồng tại cuối Q2/21 (chiếm khoản 0,4-4,5% tổng dư nợ của các NH) từ mức 77.725 tỷ đồng tại cuối 2020.

Chúng tôi quan sát thấy hầu hết các NH đã tích cực trích lập dự phòng trong 6T21 để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu mới tăng cao do các doanh nghiệp chịu tác động mạnh từ đợt bùng phát đang diễn ra. Do đó, chi phí tín dụng trung bình tăng 20 điểm cơ bản svck (hoặc 9 điểm cơ bản so với mức trung bình năm 2020) lên 1,5%. Các NH hàng dẫn đầu trong việc trích lập dự phòng thể hiện qua tỷ lệ trích lập dự phòng/lợi nhuận trước dự phòng 6T21 cao, gồm có BID (65,5%), VPB (48,9%), EIB (44,3%). Tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) trung bình được cải thiện lên 123,2% vào cuối Q2/21 từ mức 108,8% vào cuối 2020 hoặc 80,8% tại cuối Q2/20. Các NH có tỷ lệ LLR cao nhất thời điểm cuối Q2/21 là VCB (351,8%), TCB (258,9%), MBB (236,5%) và ACB (207,7%).

Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy
Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy

Ngày 07/09/2021, NHNN ban hành TT14/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ phát sinh sau thời gian quy định theo TT03/2021/TT-NHNN và TT01/2020/TT-NHNN. Những điểm điều chỉnh và bổ sung của TT14 đối với thời gian phát sinh dư nợ bao gồm:

- Dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (quy định cũ là 10/6/2020).

- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (quy định cũ là kéo dài đến 31/12/2021).

- Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.

Chúng tôi tin rằng chính sách mới này sẽ giúp giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Do lo ngại về khả năng gia tăng nợ xấu trong một vài quý tới, chúng tôi ưa thích các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và nguồn dự phòng dồi dào.

Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm là điểm sáng trong 6T đầu năm

Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) bình quân giảm xuống 35,3% trong 6T21 từ 43,4% trong 6T20. Điều này có thể được giải thích một phần rằng hầu hết các NH đã trì hoãn việc mở rộng mạng lưới trong thời gian này. Bên cạnh đó, những NH đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng công nghệ và số hóa trong giai đoạn trước, bây giờ bắt đầu gặt hái thành quả.

Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy

Tín dụng tăng tốt trong 6T21 nhưng sẽ chậm dần vào nửa cuối năm

Tốc độ tăng trưởng tín dụng hệ thống vượt xa so với tiền gửi

Trên hệ thống ngân hàng, cuối Q2/21 tổng các phương tiện thanh toán tăng 4,4% sv đầu năm từ mức 2% thời điểm cuối Q1/21, thấp hơn mức 5,2% cùng kỳ năm trước. Chúng tôi cho rằng môi trường lãi suất thấp làm tiền gửi có xu hướng tăng chậm lại trong 6T21. Sau ba lần cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020, lãi suất tiền gửi của tất cả các kỳ hạn tiếp tục giảm từ tháng 4 năm ngoái. Chúng tôi ước tính tổng huy động tiền gửi của khách hàng tại thời điểm cuối Q2/21 của 17 NH niêm yết tăng 4,8% sv đầu năm. Những ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng huy động tiền gửi mạnh nhất gồm TPB (37,3%), VIB (11,8%), HDB (13,7%) và MBB (10,5%).

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6T21 đạt 6,44% sv đầu năm trong 6T21 từ mức 2,95% sv đầu năm trong Q1/21, gần gấp đôi so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6T21 đến từ lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đối với nhóm 17 NH niêm yết chiếm 66% thị phần cho vay cả nước, tổng dư nợ cho vay thời điểm cuối Q2/21 tăng 8% sv đầu năm (tại cuối Q1/21 tăng 3,2%), cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,5% cùng kỳ năm ngoái. Các NHTM có vốn Nhà nước (CTG, VCB và BID) chiếm 33,7% thị phần cho vay, ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng đạt 7,4% sv đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tín dụng toàn ngành đã giảm từ tháng 7 khi số lượng ca nhiễm mỗi ngày tăng cao và việc giãn cách xã hội quyết liệt hơn được áp dụng ở nhiều thành phố lớn. Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát di chuyển chặt hơn từ 1/8/2021 cùng với việc tạm dừng các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Các nhà máy được phép hoạt động trong điều kiện giới hạn và kiểm soát người lao động tại chỗ. Cùng lúc, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam cũng yêu cầu tạm ngưng hoạt động đối với các phương tiện vận chuyển công cộng, xe bus liên tỉnh và cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Do đó, tín dụng hệ thống chỉ tăng 0,9 điểm %, trong 2 tháng vừa qua, đạt 7,4% tại cuối tháng 8 từ mức 6,44% sv đầu năm cuối tháng 6.

Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy
Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy
Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy

Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho năm 2021 xuống 10-12% từ mức 13% trước đó do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay. Ở kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng số lượng ca nhiễm mỗi ngày sẽ giảm và việc đi lại sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 9. Nhờ vậy, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối Q4/21. Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về triển vọng trong năm 2022 vì chúng tôi tin rằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng khi tiêu dùng trong nước dần hồi phục sau đại dịch.

Thời điểm để tích lũy

Luận điểm đầu tư

Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư đều hình dung được bức tranh LN nửa cuối năm 2021 sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại; do đó thị trường chủ yếu sẽ nhìn vào triển vọng lợi nhuận năm 2022. Những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Và ngành Ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Thêm vào đó, về phương diện dòng tiền, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng ổn định từ đầu năm đến nay trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp, TTCK đang trở thành 1 kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư cá nhân. Chúng tôi nhận thấy xu hướng này sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2022, được thể hiện thông qua sự tăng trưởng số lượng tài khoản cá nhân mở mới trong 2 tháng vừa qua. Chiếm một phần tư giá trị vốn hóa thị trường, rõ ràng, ngành ngân hàng là một trong những ngành thu hút dòng vốn từ sự tham gia ngày càng tăng của nhà đầu tư cá nhân.

Giá cổ phiếu các ngân hàng hiện đã điều chỉnh 15% sv mức đỉnh, và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay. Vì vậy cổ phiếu NH trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư. Cổ phiếu NH chúng tôi ưa thích là VCB, TCB và ACB.

Rủi ro của ngành

Chúng tôi cho rằng rủi ro chính đối với ngành là việc áp dụng giãn cách xã hội do dịch Covid-19 lâu hơn dự kiến; hoặc một biến thể khác của chủng virus phát sinh có thể cản trở hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Điều này có thể khiến các NH ghi nhận trích lập dự phòng cao hơn và cầu tín dụng yếu hơn so với dự báo trong giai đoạn nửa sau 2021 và 2022. Một rủi ro khác là NIM giảm nhiều hơn dự báo do nhu cầu tín dụng bị suy yếu. Tiềm năng tăng giá bao gồm tăng trưởng tín dụng tốt hơn kỳ vọng.

Cổ phiếu tiêu điểm

Trong bối cảnh lợi nhuận của ngành NH có xu hướng tăng chậm lại trong các quý tiếp theo, chúng tôi ưa thích các NH có các đặc điểm sau:

(1) Trong bối cảnh tín dụng phục hồi yếu, chúng tôi cho rằng các ngân hàng có có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancasurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những NH chiếm ưu thế.

(2) Trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi ít gay gắt hơn và thanh khoản dồi dào, chúng tôi ưu tiên các ngân hàng có khả năng thúc đẩy vay cá nhân để có được lợi suất tài sản tốt hơn.

(3) Do lo ngại về khả năng nợ xấu tăng cao trong một vài quý tiếp theo, chúng tôi cho rằng các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào sẽ là sự lựa chọn hợp lý.

Ngành ngân hàng: Thời điểm để tích lũy
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại