24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quyền Nguyễn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngành mía đường trước ngưỡng cửa ATIGA: Cạnh tranh khốc liệt

Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa, việc gia nhập và thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ chính thức có hiệu lực, tạo áp lực lớn đối với ngành mía đường. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp, tất yếu; ngành mía đường cần tự đứng vững trên đôi chân mình.

Từ ngày 1/1/2020, ATIGA chính thức được áp dụng, tất cả hạn ngạch và thuế suất nhập khẩu đường sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn, mía đường Việt Nam sẽ phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác.

Ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Sơn La - cho rằng, giá đường Việt Nam cao hơn Thái Lan là do có sự cạnh tranh bất bình đẳng. Theo tính toán dựa trên báo cáo của Hiệp hội Mía đường Mỹ thì Chính phủ Thái Lan trợ giá tối thiểu 1,5 tỷ USD/năm, tương đương 3.000 đồng/kg cho ngành mía đường.

TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nêu quan điểm, khi hội nhập, câu hỏi lớn nhất là liệu chúng ta có giải quyết được vấn đề của người nông dân bằng mía đường không? Nếu từ mía đường thì làm thế nào để người nông dân có thể sống bằng mía đường, phát triển bằng mía đường…? "Nếu chúng ta không làm được tất cả những điều đó thì phải điều chỉnh và chuyển hướng" - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Chung quan điểm về vấn đề này, TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - cho rằng, kéo dài thời gian bảo vệ là không hợp lý. Ngành gạo ngày mới hội nhập cũng lo không cạnh tranh được với Thái Lan, rồi chúng ta vẫn vượt qua. Với ngành mía đường, phải tái cơ cấu, tập trung nguồn lực phát triển vùng nguyên liệu nào, doanh nghiệp nào mạnh thì tập trung nguồn lực phát triển, ngành nào, vùng nguyên liệu nào cần phải chuyển đổi mô hình phát triển.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho hay, đường là mặt hàng cuối cùng được áp dụng hạn ngạch thuế quan cho các nước ASEAN. Đến ngày 1/1/2020, nếu tiếp tục vi phạm cam kết, khả năng rất cao sẽ bị trừng phạt thương mại.

Theo ông Đặng Việt Anh, tại Sơn La, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo năng suất và thu nhập cho bà con trồng mía, công ty đã chủ động đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật... Hiện nay, với quy mô sản xuất nông hộ nhưng vẫn có năng suất 70 tấn/ha. Trong khi đó, so với Thái Lan, điều kiện của họ tốt hơn nhiều, thậm chí còn được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía… nhưng năng suất của Thái Lan mới chỉ đạt 72-75 tấn/ha. Điều này khẳng định doanh nghiệp mía đường không hề thua kém.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có kế hoạch hành động để triển khai Quyết định 1369/QĐ-BNN-CBTTNS về phê duyệt Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả