Ngành mía đường: Một số ngắc ngoải, số khác vẫn ăn nên làm ra
Trong bối cảnh có sự phân hóa về hiệu quả giữa các doanh nghiệp hiện nay, sẽ không ngạc nhiên nếu trong thời gian tới, các hoạt động mua bán, sáp nhập sẽ diễn ra mạnh mẽ trong ngành mía đường.
Lao đao vì giá giảm
Ngành mía đường được nhận định đang đối diện với nhiều “sóng gió” khi giá đường trên thị trường hiện giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, khiến nhiều doanh nghiệp ngành mía đường lao đao vì lợi nhuận sụt giảm, phải đóng cửa nhà máy. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2018-2019 là năm thứ ba liên tiếp, ngành chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế, dẫn đến kết quả kinh doanh giảm sút, thua lỗ của nhiều nhà máy/công ty.
Ước tính niên vụ 2018-2019, sản lượng mía đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và chỉ tương đương niên vụ 2015-2016 và 2016-2017. Dự kiến, tình hình sản xuất niên vụ 2019-2020 sẽ tiếp tục giảm so với niên vụ 2018-2019, diện tích còn khoảng 220.000 héc ta, sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so với niên vụ 2018-2019.
Trong khi đó, đến năm 2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ được áp dụng đầy đủ, khiến “sân chơi” ngành mía đường khu vực ASEAN ngày càng trở nên khốc liệt khi các đối thủ chính đến từ Thái Lan đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh. Trước những khó khăn nêu trên, mới đây, ngày 29-3-2019, trong văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường đã đề nghị bộ này có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng x xét việc kéo dài thời gian quản lý hạn ngạch thuế quan từ 3-5 năm (tức tiếp tục trì hoãn thực thi cam kết ATIGA với mặt hàng đường).
Trong trường hợp xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường từ ngày 1-1-2020, Hiệp hội Mía đường đưa ra kiến nghị Chính phủ x xét có giải pháp kiểm soát đường nhập khẩu bằng việc cấp phép theo chuyến và chỉ cho phép nhập khẩu đường thô. Như vậy, sau nhiều năm được bảo hộ bằng hạn ngạch thuế quan và lộ trình thực hiện ATIGA đã được công bố từ rất lâu, ngành mía đường trong nước vẫn chưa “lớn” được là bao và mỗi khi đối mặt với khó khăn cũ đều phải “cầu cứu” những trợ giúp từ Chính phủ.
Hiệu quả kinh doanh phân hóa
Việc giá đường thành phẩm giảm ba năm liên tiếp đã khiến các doanh nghiệp mía đường gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh. Với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS), từ 1-7 đến 31-12-2018, doanh thu đạt 446,7 tỉ đồng, tăng 82% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 36,3 tỉ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Nguyên nhân, theo lý giải của SLS, là do giá đường giảm sâu. Trong khi giá mật rỉ bán ra trong quí 2-2018 tăng nhẹ thì giá đường lại giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước, từ mức bình quân 12.399 đồng/ki lô gam xuống còn 9.911 đồng/ki lô gam.
Giá đường giảm sâu cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Đường Kon Tum (KTS). Theo báo cáo tài chính được công bố, từ ngày 1-7-2018 đến 31-12-2018, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế là 1,7 tỉ đồng. Kết quả này bị ảnh hưởng do giá đường bình quân trong sáu tháng cuối năm 2018 giảm 24,5%, từ mức 13.112 đồng/ki lô gam xuống còn 9.904 đồng/ki lô gam; còn giá mật rỉ giảm từ 2.380 đồng/ki lô gam xuống còn 1.841 đồng/ki lô gam.
Hiện chưa thấy Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) công bố báo cáo tài chính, nhưng theo giải trình của LSS gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, lợi nhuận sau thuế niên độ tài chính 2017-2018 của LSS chỉ đạt 4 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 137,7 tỉ đồng của niên độ 2016-2017. Niên độ 2018-2019, LSS đặt kế hoạch đạt 1.600 tỉ đồng doanh thu, 95 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, chia cổ tức 7%.
Trái với bức tranh ảm đạm của các doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), doanh nghiệp chiếm hơn 40% thị phần đường trong nước, vừa công bố kết quả kinh doanh quí 3 (niên độ 2018-2019), ước tính lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. SBT ước tính sản lượng đường tiêu thụ trong quí 3 tăng 31% so với cùng kỳ (hơn 163.000 tấn). Doanh thu thuần ước đạt 2.404 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 287 tỉ đồng, tăng 81% so cùng kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận tăng vọt, theo công ty này, chủ yếu là do giá vốn hàng bán giảm mạnh thông qua việc tận dụng hiệu quả cũng như tối ưu hóa dây chuyền sản xuất.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được điều tiết tốt hơn. Biên lợi nhuận gộp của công ty trong quí 3 đã có sự cải thiện đáng kể khi đạt 14%, tăng mạnh 180% so với bình quân 5% của lũy kế sáu tháng trước. Lũy kế chín tháng, kết quả kinh doanh của công ty đã khởi sắc trở lại với gần 550.000 tấn đường được bán ra, đạt 65% kế hoạch. Doanh thu thuần 8.062 tỉ đồng, đạt 70% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế khoảng 350 tỉ đồng, đạt trên 50% kế hoạch.
Trong bối cảnh có sự phân hóa về hiệu quả giữa các doanh nghiệp hiện nay, sẽ không ngạc nhiên nếu trong thời gian tới, các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ diễn ra mạnh mẽ trong ngành mía đường.
Thời gian vừa qua có không ít thương vụ M&A ngành mía đường gây chú ý trên thị trường như: TH Truilk đầu tư vào Mía đường Nghệ An, Mía đường Biên Hòa về chung một nhà với Mía đường Thành Thành Công hay Nhà máy đường Khánh Hòa về với Vinamilk.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận