Ngành logistics tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam
Hiện nay, logistics đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với mức tăng trung bình 14 - 16% mỗi năm và đóng góp vào GDP từ 4 - 5%. Giới chuyên gia đánh giá, ngành logistics Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển trong tương lai.
Theo báo cáo Logistics Việt Nam 2021, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, tỷ lệ số doanh nghiệp lĩnh vực vận tải kho bãi đăng ký thành lập mới so với tổng số doanh nghiệp cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,08%, với số vốn chiếm 1,88% và số lao động chiếm 3,04%. Điều này cho thấy quy mô vốn của các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế.
Cũng trong 9 tháng năm 2021, có 2.509 doanh nghiệp vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 5,56% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động của cả nước.
Đồng thời có 571 số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 4,46% tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước.
Có thể nói, trong suốt năm 2021, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã để lại một số ảnh hưởng đối với ngành logistics. Tại thời điểm này, vận tải hàng hoá bị gián đoạn nhiều do các quy định về điều kiện đi đường, lệnh phong tỏa, giãn cách ở các địa phương làm hàng xuất từ kho tới cảng cũng bị chậm, ùn ứ, giảm năng lực xếp dỡ của các doanh nghiệp cảng,…
Bên cạnh đó, sản lượng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics giảm đáng kể do tình hình kinh doanh của khách hàng gần như bị tê liệt, khách hàng giảm diện tích thuê, đề nghị giảm giá dịch vụ do không bán được hàng.
Theo báo cáo của Vietnam Report, dưới tác động của đại dịch, ngành logistics còn gặp khó khăn liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới sự mất cân đối cung - cầu, tình trạng thiếu lao động và các điều kiện hoạt động thuận lợi khác.
Nhiều doanh nghiệp tiết lộ, họ đã gặp không ít khó khăn do hàng hóa bị lưu kho, lưu cảng, chờ thông quan nhiều ngày do kiểm soát biên giới, hạn chế thương mại tới các nước có dịch.
Ngoài ra, do phía cung ứng cũng chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa nên lượng đơn hàng của trên 53% số doanh nghiệp đã giảm sút đáng kể.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó, như cắt giảm lương, hoặc giờ làm việc của nhân viên; cắt giảm chi phí không cần thiết; đàm phán điều khoản thanh toán cho chi phí đầu vào và chi phí khác, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.
Dù vậy, hiện nay, logistics đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với mức tăng trung bình 14 - 16% mỗi năm và đóng góp vào GDP từ 4 - 5%. Hiện cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong đó có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp.
Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động logistics của Việt Nam hiện xếp thứ 39/160 quốc gia và xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là thứ hạng cao nhất của Việt Nam từng đạt được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận