Ngành lọc dầu lao đao vì nhu cầu đi lại 'tê liệt'
Đối mặt nhu cầu yếu ớt và tồn kho tăng trong nhiều tháng, các nhà máy lọc dầu buộc phải cắt giảm sản lượng trong mùa thu này, theo các lãnh đạo và giới phân tích trong ngành công nghiệp hóa dầu.
Tồn kho nhiên liệu cao kỷ lục
Các nhà máy lọc dầu trên thế giới đã giảm sản lượng đến 35% vào mùa xuân năm nay do các lệnh phong tỏa trên toàn cầu gây tê liệt nhu cầu đi lại. Khi phong tỏa được nới lỏng, họ dần tăng sản lượng trở lại đến cuối tháng 8. Nhưng trong vài tuần qua, tại Mỹ, nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới và ở nhiều nước khác, các nhà máy lọc dầu bắt đầu giảm công suất do tồn kho tăng, nhu cầu yếu.
Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ hai thế giới, dẫn đầu đà phục hồi nhu cầu dầu nhờ khống chế sớm dịch Covid-19. Nhưng hoạt động xuất khẩu của các nhà máy lọc dầu ở nước này đang gặp khó khăn do nhu cầu nhiên liệu suy yếu ở các nước châu Á khác vẫn chưa thoát ra khỏi đại dịch Covid-19.
Giới phân tích dự báo các nhà máy lọc dầu Trung Quốc bắt đầu cắt giảm công suất trong tháng 9, với Tập đoàn nhà nước dầu khí Trung Quốc (PetroChina) cắt giảm 5-10% sản lượng so với tháng 8, khi họ đang chịu áp lực lớn do tồn kho nhiên liệu cao và biên lợi nhuận xuất khẩu kém.
Scott Wyatt, Giám đốc điều hành Tập đoàn sản xuất và cung ứng nhiên liệu Viva Energy Group (Úc), nói: “Tác động của dịch Covid-19 đang gây áp lực cao độ lên mảng kinh doanh lọc dầu ở mức chưa có tiền lệ”.
Tồn kho của các sản phẩm chưng cất bao gồm diesel, nhiên liệu máy bay và dầu đốt (heating oil) của các nhà máy lọc dầu trên thế giới đang tăng nhanh.
Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nhu cầu nhiên liệu của Mỹ đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Mùa thu thường là thời điểm nhu cầu sử dụng diesel và dầu đốt ở tăng ở Mỹ. Nhưng với lượng tồn kho nhiên liệu chưng cất lên đến 179 triệu thùng, sát mức cao kỷ lục, các nhà máy lọc dầu ở Mỹ không có động lực để duy trì công suất.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã hai lần hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2020 trong hai tháng qua vì tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu không nhanh như kỳ vọng. IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và các nhiên liệu lỏng sẽ đạt mức trung bình 91,7 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 8,4 triệu thùng/ngày so với năm 2019.
Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ vẫn đang sản xuất nhiên liệu ít hơn 20% so với trước đại dịch. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang cắt giảm công suất hiệu dụng so với hồi tháng 7 và tháng 8.
“Cho dù nền kinh tế toàn cầu hồi phục theo hình chữ U, nhu cầu dầu toàn cầu cũng sẽ thấp hơn 2 triệu thùng/ngày so với thời điểm quí 4-2019”, David Fyfe, nhà kinh tế trưởng ở Công ty tư vấn năng lượng Argus Media, nói.
Một số nhà máy lọc dầu có khả năng đóng cửa
Sản lượng nhiên liệu của châu Á có thể giảm thêm nữa trong chu kỳ bảo dưỡng hàng năm vào giữa tháng 9 và tháng 11. Giới phân tích không loại trừ khả năng một số nhà máy lọc dầu trên thế giới sẽ phải đóng cửa.
Viva Energy Group cho biết công ty này có thể phải đóng cửa vĩnh viễn nhà máy lọc dầu Geelong Refinery ở bang Victoria, Úc để cắt lỗ trừ phi các hạn chế đi lại được nới lỏng, giúp nhu cầu nhiên liệu tăng lên. Chính phủ Úc đã đề xuất chi hàng tỉ đô la để giúp bốn nhà máy lọc dầu còn lại ở nước này duy trì hoạt động.
Biên lợi nhuận của ngành công nghiệp lọc dầu của Singapore quay trở lai mức dương nhẹ trong tháng 8 sau bốn tháng âm liên tiếp, nhưng lại tiếp tục rơi về mức âm trong nửa đầu tháng 9.
Tại Mỹ, biên lợi nhuận lọc dầu đang dao động quanh mức 9 đô la Mỹ/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4. Các nhà máy lọc dầu sẽ không có lợi nhuận trừ phi mức chênh lệch giữa giá các sản phẩm nhiên liệu chưng cất giá và giá dầu thô cao hơn 10 đô la Mỹ/thùng
Một số nhà máy lọc dầu ở thành phố Philadelphia và thành phố Chicago đã hoãn kế hoạch bảo dưỡng trong mùa thu này để tiết kiệm tiền.
“Một số nhà máy lọc dầu đang ở tình thế nan giải vì họ không có tiền để tiến hành bảo dưỡng nhưng họ cũng không có lợi nhuận nếu tiếp tục hoạt động”, John Auers, nhà phân tích ở Công ty tư vấn Turner Mason & Company, nói.
KY Lin, người phát ngôn của Công ty hóa dầu Formosa Petrochemical (Đài Loan), cho biết trong những tháng qua, các nhà máy lọc dầu ở châu Á đã mua dầu thô từ Ả rập Saudi và các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông với giá cao hơn so với thời điểm cuối mùa xuân và điều này đang buộc họ phải giảm công suất chế biến.
Công suất hiệu dụng trung bình của các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đạt 78,6% vào cuối tháng 8, giảm 3,6 điểm phần trăm so với tháng 7, theo dữ liệu của Công ty tư vấn Longzhong.
Nhật Bản, nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, đã giảm công suất hiệu dụng ở các các nhà máy lọc dầu về mức 65,9% trong tuần kết thúc vào ngày 12-9, giảm đáng kể so với mức gần 72% hồi giữa tháng 8.
SK Innovation, công ty hóa dầu nhất Hàn Quốc, đang cân nhắc giảm thêm công suất chế biến dầu thô ở hai nhà máy lọc dầu sau khi giảm công suất hiệu dụng trung bình về mức 80% trong tháng 9 so với mức 85% trong tháng 7 và tháng 8.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận