'Ngành GTVT không có tư duy nhiệm kỳ'
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, ngành GTVT phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính liên vùng nên không có tư duy nhiệm kỳ.
Đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề, với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua thì Bộ trưởng có cam kết giải ngân hết số vốn đăng ký hay không. “Có ý kiến cho rằng đầu tư công còn tồn tại tư duy nhiệm kỳ. Xin Bộ tưởng cho biết có tồn tại tư duy này trong lĩnh vực giao thông hay không?”.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đăng ký số vốn 50 ngàn tỷ đồng. Tất cả danh mục dự án đều được tổ chức, họp rà soát kỹ trước khi xác định số vốn đăng ký.
Trong hai năm vừa qua, Bộ đều giải ngân đạt 95-96%, số mấy phần trăm còn lại chủ yếu rơi vào dự án gặp yếu tố bất khả kháng như về giải phóng mặt bằng, địa chất yếu. Do đó, Bộ có niềm tin trong năm 2022 và những năm tiếp theo khi đăng ký và được bố trí vốn thì chỉ đạo từng tháng, từng tuần để không sử dụng vốn dư, gây lãng phí.
“Riêng ngành GTVT không có tư duy nhiệm kỳ, vì các quốc lộ, cao tốc đều trong quy hoạch dài hạn, không phải bột phát. Đa số dự án lớn đăng ký với Quốc hội, Chính phủ đều nằm trong nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, căn cứ đảm bảo khách quan minh bạch. Các dự án cấp bách, thấy rằng thực hiện để tạo ra cơ hội mới thì các ngành báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét bấm nút”, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) thì nhấn mạnh, Quốc hội khoá XIV bàn hành Luật Đối tác công tư (PPP) nhằm huy động nguồn lực, giảm gánh nặng ngân sách, nhưng quá trình thực hiện chưa được như mong muốn và đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân cũng như nêu giải pháp khắc phục.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định luật hiện đang đi vào cuộc sống rất tốt. Với lĩnh vực như xây dựng, điện lực..., nếu Nhà nước bỏ ra 50% vốn thì hoàn toàn xây dựng được dự án. Ngành giao thông cũng thành công một số dự án theo hình thức này, tất nhiên đây là dự án có nguồn vốn của Nhà nước dưới 50%, nơi có địa hình tốt, giải phóng mặt bằg ít.
Tuy nhiên, nhiều dự án có chi phí mặt bằng lớn, phải xử lý nền đất yếu, có hầm, cầu nhiều thì vốn của Nhà nước 50% như luật định không đủ hấp dẫn nhà đầu tư và khó thành công. Thực tế vừa qua cho thấy không thành công. Do đo, về lâu dài, Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ liên quan nghiên cứu để sớm đề xuất sửa Luật PPP.
“Dự án giao thông có vốn nhiều nghìn tỷ đồng mà phải huy động 50% là quá lớn, cần nâng vốn nhà nước lên 60 - 70%. Chúng tôi nghiên cứu theo hướng này để tham mưu Chính phủ rà soát báo cáo Quốc hội để cho Luật PPP phát huy hiệu quả tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Thể cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận