menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trọng Vinh

Ngành gỗ Việt đối diện nhiều thách thức

Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại Việt Nam đang cùng lúc phải gánh chịu nhiều thách thức, khiến tăng trưởng toàn ngành đã khó càng thêm khó!

Những ngày qua, liên tiếp các doanh nghiệp công nghiệp, phân phối trong các chuỗi cung ứng của Việt Nam lại gặp khó khăn tại thị trường châu Âu và Mỹ do sự bùng phát của dịch Covid-19 buộc các quốc gia này phải phong tỏa các thành phố, các bang, thậm chí cả quốc gia. Các biện pháp này khiến nhu cầu mua sắm các sản phẩm nội thất cũng bị ảnh hưởng mạnh.

Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng/2020 chỉ có một số mặt hàng bị ảnh hưởng mạnh như dăm gỗ giảm 3%, giá giảm 2 - 3 USD/tấn; gỗ dán và các loại ván nhân tạo xuất khẩu giảm 15%; gỗ xẻ xuất khẩu giảm 32%. Ở chiều ngược lại, 2 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng giảm 11,1% so với năm 2019.

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhìn nhận, các thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật… vốn là trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam nay đang tập trung chống dịch Covid-19 khiến một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên nghỉ việc. Dự kiến để có thể ký đơn hàng mới sẽ cần phải từ 3 - 6 tháng nữa.

Một kịch bản xấu được ông Ngô Sỹ Hoài đưa ra là có thể, lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sẽ không có tăng trưởng do ảnh hưởng từ Covid-19.

Không chỉ quan ngại về đơn hàng giảm, các doanh nghiệp ngành gỗ dán cứng tại Việt Nam còn đang đối diện nguy cơ bị kiện tụng. Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa có công văn hỏa tốc gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương thông tin về việc Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng Mỹ (nguyên đơn) đã gửi yêu cầu đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng (hardwood plywood) có mã HS theo phân loại của Hải quan Mỹ xuất khẩu từ Việt Nam.

Liên minh này cho rằng, sau khi áp dụng thuế với mặt hàng của Trung Quốc, các nhà sản xuất của Trung Quốc đã chuyển các phẩm của sản phẩm này sang Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp và tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nguyên đơn cũng cáo buộc rằng, các nhà máy lắp ráp sản phẩm gỗ dán cứng tại Việt Nam và nhà máy sản xuất tại Trung Quốc là các công ty liên kết, thực hiện hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc. Dựa trên cáo buộc này, nguyên đơn đề nghị DOC khởi xướng điều tra, xác định tồn tại hành vi lẩn tránh và áp dụng biện pháp trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện. Thêm vào đó, nguyên đơn cũng yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp với tất cả các nhà xuất khẩu sản phẩm bị cáo buộc của Việt Nam.

Hiện DOC vẫn đang xem xét có chấp nhận đơn kiện và khởi xướng điều tra của phía nguyên đơn hay không. Trong trường hợp bị xác định là lẩn tránh thuế, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với mức thuế mang tính trừng phạt rất cao và có hiệu lực từ thời điểm khởi xướng.

Nhằm ứng phó kịp thời với vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các hiệp hội hỗ trợ thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam để chủ động xử lý vụ việc. Trước mắt, các doanh nghiệp cần khẩn trương xem xét và thể hiện quan điểm, ý kiến đối với các nội dung trong đơn kiện của nguyên đơn và sớm gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra, các doanh nghiệp cần xem xét tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nhằm đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc, đồng thời thường xuyên trao đổi phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình xử lý vụ việc. Cục cũng đề nghị các hiệp hội cung cấp cho Bộ Công thương danh sách các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán cứng sang Hoa Kỳ, cử đại diện làm đầu mối để phối hợp với Bộ Công thương.

Được biết, trước đó, tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm gỗ dán doanh nghiệp của Việt Nam trên cơ sở kết luận sơ bộ cho rằng có bằng chứng xác thực để nghi ngờ hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho hàng hóa của Trung Quốc.

Cụ thể, tháng 1/2018, DOC đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cứng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 183,36%; mức thuế chống trợ cấp là 22,98% - 194,9%. Sau khi sản phẩm này bị áp thuế, DOC tiếp tục điều tra để xác định việc các nhà sản xuất của Trung Quốc đã thực hiện hành vi lẩn tránh thông qua việc thay đổi sản phẩm để tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ hay không. Sau khi sản phẩm gỗ dán cứng bị áp thuế, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi nhanh chóng, từ khoảng 800 triệu USD năm 2018 xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam tăng lên nhanh chóng từ 63 triệu USD năm 2017, tăng lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019, tăng khoảng 950% so với năm 2016.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại